Quân đội Nga ngày 5/3 cho biết họ phá hủy một tổ hợp pháo phản lực HIMARS "ở khu vực hậu phương của lực lượng Ukraine" trên mặt trận Donetsk.
Theo kênh Telegram Rybar của Nga, tổ hợp pháo HIMARS này "trúng tên lửa đạn đạo" khi đỗ ven khu rừng gần làng Nikanorovka thuộc tỉnh Donetsk.
Video công bố cùng ngày cho thấy pháo HIMARS bốc cháy dữ dội sau khi tổ hợp này cùng các phương tiện đi cùng bị tập kích.
Một quả rocket của HIMARS bắt lửa, vọt ra ngoài khi liều phóng bị kích hoạt.
Vladimir Vasilenko, thư ký báo chí của tỉnh trưởng Kherson do Nga bổ nhiệm, cùng ngày thông báo các đơn vị thuộc cánh quân phía Tây (Dnepr) phá hủy tổ hợp HIMARS thứ hai của Ukraine gần địa giới hành chính giữa Kherson và Nikolaev, song không nêu vị trí cụ thể.
"Lực lượng Nga sử dụng tổ hợp Iskander tấn công vị trí đối phương triển khai pháo HIMARS", ông Vasilenko nói.
"Tổ hợp HIMARS này có thể từng tấn công tòa nhà đặt trụ sở của cơ quan hình chính quân sự - dân sự tỉnh Kherson ở thành phố cùng tên vào tháng 9/2022", ông Vasilenko nói thêm.
Nga nhiều lần tuyên bố phá hủy pháo phản lực HIMARS mà Mỹ chuyển cho Ukraine. Thậm chí có thời điểm số lượng pháo HIMARS bị phá hủy theo tuyên bố của Nga còn nhiều hơn cả số lượng Mỹ tuyên bố cấp cho Kiev lúc đó.
Kiev nhận các tổ hợp HIMARS đầu tiên vào năm 2022. Truyền thông phương Tây cho biết Ukraine đang vận hành tổng cộng 39 pháo HIMARS sau các đợt chuyển giao.
Pháo HIMARS nhanh chóng chứng tỏ giá trị khi nhiều lần được Kiev sử dụng để tập kích, phá hủy các khí tài quan trọng của đối phương trên tiền tuyến.
Điều này đã phần nào giúp Ukraine đối phó với ưu thế áp đảo về số lượng của pháo binh Nga.
Sự cơ động của HIMARS với tính năng "bắn và chạy" cũng giúp nó khó bị nhắm mục tiêu và tới nay vẫn chưa có tổ hợp nào bị Nga phá hủy, theo giới chuyên gia phương Tây.
Tuy nhiên, Nga dường như đã thích nghi được với các đợt tập kích bằng pháo HIMARS trong năm 2023, thông qua phân tán lực lượng và tăng cường năng lực phòng không tiền tuyến.
Tướng Valery Zaluzhny, cựu tư lệnh quân đội Ukraine, tháng 1 vừa qua cho biết Nga đã di chuyển nhiều khí tài giá trị cao của họ ra khỏi tầm bắn của HIMARS, khiến lực lượng Ukraine gặp nhiều khó khăn khi muốn tấn công chúng.
Nga cũng bố trí thêm nhiều hệ thống tác chiến điện tử và khiến các loại đạn dẫn đường, trong đó có rocket của HIMARS, trở nên kém hiệu quả hơn trước.
Tuy thế hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS của Mỹ được đánh giá là một trong những loại vũ khí phóng loạt nguy hiểm nhất hiện nay.
Đây chính là biến thể thu gọn của loại pháo phản lực M270. Chúng sử dụng khung gầm xe bánh lốp 6x6 thay vì bánh xích.
Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS bao gồm hai thành phần chính là xe mang phóng và xe tải đạn.
Xe mang phóng được lắp động cơ diesel Caterpillar 3115 ATAAC dung tích 6,6 lít có công suất 290 mã lực cho tốc độ tối đa 85 km/h; tầm hoạt động 480 km.
Xe có độ cơ động rất tốt khi leo được dốc 60%; vượt chướng ngại vật cao 0,6 m; vượt hào rộng 1 m; lội nước sâu 0,9 m.
Mỗi xe phóng mang theo một container chứa 6 ống phóng đạn rocket, và khi cần container này có thể chứa và phóng một tên lửa MGM-140.
HIMARS có độ sát thương lớn, chỉ mất 20 giây để phóng 6 quả rocket M26 tạo ra vùng sát thương rộng 78,5 ha.
Mỗi quả đạn rocket M26 lại mang theo 644 đầu đạn con M77. Lục quân Mỹ ví đây là phương án ném bom mà không cần sự trợ giúp từ máy bay không quân.
HIện nay Mỹ đã phát triển nhiều loại đạn rocket đáng sợ hơn cho tổ hợp pháo HIMARS cực nguy hiểm này.
HIMARS là hệ thống pháo phản lực hiện có trong trang bị của các nước NATO và cả các quốc gia khác bao gồm cả Nhật Bản và Israel.