Pháp và Trung Quốc nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng

Nội dung cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo tập trung giải quyết các khúc mắc liên quan đến tranh chấp thương mại, bao gồm áp thuế đối với sản phẩm rượu mạnh và nỗ lực ngoại giao liên quan đến Ukraine.

Tổng thống Pháp và Chủ tịch Trung Quốc bắt tay trước khi hội nghị bắt đầu. Ảnh: Washington Post

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày tới Pháp, điểm khởi đầu chuyến công du trở lại châu Âu sau 5 năm của nhà lãnh đạo quốc gia tỷ dân.

Phát biểu bên cạnh ông Tập sau cuộc gặp tại điện Élyseé, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ hy vọng ảnh hưởng của Trung Quốc với Nga hướng tới mục tiêu chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Đến nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố quan điểm trung lập trong cuộc chiến.

"Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng bất kỳ cuộc xung đột nào cuối cùng cũng chỉ có thể được giải quyết thông qua thương lượng," ông Tập nói. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia tái khởi động liên lạc và đối thoại."

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã công bố kế hoạch thăm Trung Quốc trong tháng này.

Cả hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Trung Đông, ông Macron cho biết Pháp và Trung Quốc có "cùng mục tiêu", đó là "ngừng bắn ngay lập tức để tạo điều kiện thả các con tin, bảo vệ dân chúng và thúc đẩy viện trợ nhân đạo". Hai bên đồng thời kêu gọi các nỗ lực nhằm giảm leo thang căng thẳng ở khu vực và mở lại các kênh đối thoại.

Ông Tập cũng khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Pháp “để tận dụng Thế vận hội Olympic Paris như cơ hội để kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn toàn cầu trong quãng thời gian diễn ra sự kiện.”

Thương mại cũng là vấn đề hàng đầu trong nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo, khi trước đó, Pháp đã liên tiếp kêu gọi Trung Quốc hạn chế những hoạt động về bảo hộ và trợ cấp chính phủ đối với một số sản phẩm.

Ông Macron cảm ơn ông Tập vì sự cầu thị và lắng nghe vụ việc liên quan đến sản phẩm rượu Cognac của Pháp. Vào đầu năm nay, Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu Cognac và các loại rượu mạnh khác của châu Âu.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Pháp tiết lộ ông Tập đã đồng ý không áp thuế trong thời gian ngắn cho đến khi kết quả các cuộc điều tra phòng vệ thương mại được công bố.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tham gia cuộc gặp với cả hai nhà lãnh đạo để thảo luận mối quan ngại lớng hơn của Liên minh châu Âu trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc.

Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2023 đã mở một cuộc điều tra về trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời cân nhắc việc áp thuế đối với xe điện xuất khẩu từ nước này. Tiếp theo động thái này, vào tháng trước, EU cũng đã tiến hành điều tra nhằm vào các nhà sản xuất tua bin gió của Trung Quốc với cáo buộc bán phá giá.

"Để duy trì hoạt động thương mại công bằng, hai bên cần tiếp tục mở cửa thị trường ở mức tương đương," bà Ursula von der Leyen nói sau cuộc họp. "Châu Âu luôn cởi mở chào đón sự cạnh tranh và đầu tư công bằng, nhưng sẽ có động thái nếu an ninh và nền kinh tế bị tổn hại".

Theo các nhà quan sát, Washington sẽ theo dõi sát sao chuyến thăm của ông Tập tới châu Âu, nhất là khi Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ có chuyến thăm tới Pháp vào tháng sau.

Chuyến thăm của ông Tập đánh dấu kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp-Trung, một năm sau chuyến đi của ông Macron tới Trung Quốc vào tháng 4 năm 2023.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phap-va-trung-quoc-no-luc-ha-nhiet-cang-thang.html