Phát hiện mới về những người tuổi già nhưng não teo chậm khác thường

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện lý do những người thọ 80 tuổi sở hữu trí nhớ đặc biệt không thua gì người kém mình hàng chục tuổi, theo The New York Times.

Mọi người thường cho rằng tuổi tác càng tăng, trí nhớ càng giảm dẫn đến chứng hay quên, chậm chạp và bối rối trong suy nghĩ. Thế nhưng, đó không phải "mẫu số chung" cho tuổi già.

Hơn một thập kỷ qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu nhóm nhỏ được gọi là "super-agers" - những người ở độ tuổi 70, 80 nhưng có thể chất và khả năng ghi nhớ tương đương người trẻ hơn họ 20-30 tuổi.

Thể tích não lớn, ít bị teo

Một bài báo hôm 29/4 trên Journal of Neuroscience giúp làm sáng tỏ điều đặc biệt về bộ não của "super-agers". Cùng với nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng này vào năm ngoái, các nhà khoa học rút ra kết luận quan trọng rằng bộ não của "super-agers" ít bị teo hơn so với những người khác cùng lứa tuổi.

Nghiên cứu được thực hiện trên 119 người thọ 80 tuổi đến từ Tây Ban Nha, bao gồm 64 "super-agers" và 55 người có khả năng ghi nhớ bình thường so với độ tuổi. Những người tham gia đã hoàn thành nhiều bài kiểm tra kỹ năng ghi nhớ, vận động và lời nói; trải qua quét não, lấy máu; trả lời câu hỏi về lối sống và hành vi.

Các nhà khoa học đồng thời phát hiện vùng não quan trọng dành cho việc ghi nhớ của "super-agers" có thể tích lớn hơn so với người bình thường, đặc biệt là hồi hải mã và vỏ não nội khứu. Họ cũng có khả năng duy trì kết nối tốt giữa các vùng phía trước não liên quan đến nhận thức.

Các nhà khoa học ở Northwestern đã nghiên cứu về "super-agers" từ năm 2008. Ảnh: Northwestern.

Điểm chung giữa nhóm "super-agers" và nhóm còn lại trong nghiên cứu là đều có ít dấu hiệu của bệnh Alzheimer. “Hai nhóm có nguy cơ thấp mắc Alzheimer, song khác biệt rõ rệt về nhận thức và cấu tạo não. Ở đây, chúng tôi đang nói về khả năng chống lại sự suy giảm do tuổi tác”, tiến sĩ Bryan Strange, ngành khoa học thần kinh tại Đại học Bách khoa Madrid (Tây Ban Nha), đồng thời là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Những phát hiện trên được hỗ trợ bởi nghiên cứu của giáo sư thần kinh học Emily Rogalski tại Đại học Chicago (Mỹ). Trước đó, hầu hết nghiên cứu về lão hóa và trí nhớ đều tập trung vào mặt còn lại: người sa sút trí tuệ trong những năm cuối đời.

Bà Rogalski nhận thấy các nghiên cứu sẽ không toàn diện nếu chỉ đề cập mặt xấu của tình trạng lão hóa. Đây cũng là động lực thúc đẩy bà xuất bản một trong những nghiên cứu đầu tiên về "super-agers" vào năm 2012 để làm tiền đề cho các nghiên cứu sau này.

Nghiên cứu ban đầu của bà được thực hiện tại Đại học Northwestern (Mỹ), cho thấy bộ não của "super-agers" trông giống não người 50, 60 tuổi hơn não của người 80 tuổi. Khi được theo dõi trong nhiều năm, bộ não của họ có tốc độ teo chậm hơn bình thường.

Ẩn số

Không có con số chính xác về việc có bao nhiêu "super-agers" trong chúng ta hiện nay, nhưng Rogalski cho biết họ tương đối hiếm - ít hơn 10% những người bà đã gặp và đáp ứng tiêu chí nghiên cứu.

Dẫu vậy, tiến sĩ Strange đề cập một số dấu hiệu nhận biết người già minh mẫn. "Bạn có thể thấy họ khá năng động, tràn đầy nghị lực, nhanh chóng hiểu hoặc phản ứng với điều gì đó", ông nói.

Cho đến nay, các chuyên gia không biết làm thế nào mà một người trở thành "super-agers", dù có một số khác biệt về sức khỏe và hành vi lối sống giữa hai nhóm nghiên cứu ở Tây Ban Nha.

Các "super-agers" sở hữu trí nhớ đặc biệt không thua gì người kém mình hàng chục tuổi. Ảnh minh họa: oneinchpunch/Shutterstock.

Đáng chú ý là những người già minh mẫn có sức khỏe thể chất tốt hơn cả về huyết áp và trao đổi chất - điều khiến họ vượt qua bài kiểm tra khả năng vận động trong quá trình tham gia nghiên cứu. "Super-agers" không nói họ tập thể dục nhiều hơn ở hiện tại so với những người lớn tuổi thông thường, nhưng họ năng động hơn ở tuổi trung niên. Sức khỏe tinh thần của "super-agers" cũng khả quan.

Nhưng nhìn chung, tiến sĩ Strange cho biết có nhiều điểm tương đồng giữa hai nhóm nghiên cứu. “Có rất nhiều điều không mấy nổi bật về 'super-agers' và thiếu sót một số thứ mà bạn hẳn đã mong đợi chúng liên quan đến trí nhớ vượt trội của họ. Ví dụ, chúng tôi không thấy có sự khác biệt giữa hai nhóm về chế độ ăn uống, thời gian ngủ, trình độ chuyên môn hay việc sử dụng rượu bia, thuốc lá", ông bày tỏ.

Tương tự, hành vi của "super-agers" ở Chicago cũng gây ngạc nhiên. Một số tập thể dục thường xuyên, nhưng một số chưa bao giờ tập luyện; một số tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải, những người khác lại sử dụng thực phẩm đông lạnh/đóng gói; một số người thậm chí có thói quen hút thuốc lá.

Tuy nhiên, điểm nhất quán giữa họ là có xu hướng thiết lập những mối quan hệ xã hội bền chặt, theo giáo sư thần kinh học Emily Rogalski.

"Super-agers" thường minh mẫn, tràn đầy năng lượng và không ngần ngại tham gia các hoạt động thể chất. Ảnh minh họa: iStock.

Tessa Harrison, trợ lý giám đốc khoa học tại Đại học California (Mỹ), bổ sung: "Trong một thế giới lý tưởng, các 'super-agers' ăn 6 quả cà chua mỗi ngày và đó chính là chìa khóa".

Mặt khác, tiến sĩ Harrison đặt giả thuyết nhóm người này có thể sở hữu may mắn bẩm sinh hoặc cơ chế kháng cự trong não ở cấp độ phân tử mà các nhà khoa học chưa thể lý giải.

Suy cho cùng, các nhà nghiên cứu đồng tình rằng không có công thức chung để trở thành "super-agers", song việc ăn uống lành mạnh, vận động cơ thể, ngủ đủ giấc và duy trì kết nối xã hội là điều quan trọng để quá trình lão hóa não diễn ra khỏe mạnh.

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/phat-hien-moi-ve-nhung-nguoi-tuoi-gia-nhung-nao-teo-cham-khac-thuong-post1473447.html