Phát hiện nhiều cửa hàng bán trang sức 'nhái'

Thực hiện đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng bạc, trang sức trong 4 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 145 vụ, tổng trị giá hàng hóa vi phạm là gần 6,8 tỷ đồng và xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỷ đồng.

Ngày 3-5, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thông tin về kết quả lực lượng quản lý thị trường trên cả nước ra quân kiểm tra hoạt động kinh doanh trang sức và việc thực hiện các quy định về thị trường vàng.

Kết quả sơ bộ cho thấy, trong hơn 4 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã phát hiện, xử lý 145 vụ vi phạm; tổng trị giá hàng hóa vi phạm là gần 6,8 tỷ đồng và cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỷ đồng.

 QLTT TP Hà Nội tổ chức kiểm tra 3 cửa hàng vàng trên địa bàn đầu tháng 4-2024, phát hiện có những món trang sức "nhái" thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: L.Q

QLTT TP Hà Nội tổ chức kiểm tra 3 cửa hàng vàng trên địa bàn đầu tháng 4-2024, phát hiện có những món trang sức "nhái" thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: L.Q

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, một trong những vi phạm được phát hiện nhiều nhất là các cửa hàng kinh doanh trang sức có dấu hiệu giả mạo trang sức của nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Theo ông Trần Hữu Linh, các sản phẩm trang sức này đã “nhái” (làm giả) các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như: Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermès…

 Những món trang sức bằng vàng có dấu hiệu "nhái" thương hiệu nổi tiếng thế giới bị quản lý thị trường phát hiện tại các cửa hàng vàng ở Hà Nội vào tháng 4-2024. Ảnh: Q.L

Những món trang sức bằng vàng có dấu hiệu "nhái" thương hiệu nổi tiếng thế giới bị quản lý thị trường phát hiện tại các cửa hàng vàng ở Hà Nội vào tháng 4-2024. Ảnh: Q.L

Sở dĩ có tình trạng vi phạm sở hữu công nghiệp như này là do có một bộ phận người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm các món trang sức có gắn các thương hiệu nổi tiếng, vì “hàng nhái” thì có giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng.

Theo đó, các cửa hàng vàng vi phạm thường chế tác, bày bán, trà trộn các món trang sức có tính xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng để dễ tiêu thụ, thu lời bất chính.

 Hình thức vi phạm chủ yếu là tự khắc thương hiệu thế giới lên trang sức nội

Hình thức vi phạm chủ yếu là tự khắc thương hiệu thế giới lên trang sức nội

Hình thức vi phạm chủ yếu là tự khắc lên trang sức “nhái” (mặt dây chuyền, mặt nhẫn, khuyên đeo tai) các hình ảnh, ký hiệu, logo… của các nhãn hiệu đang được bảo hộ như Louis Vuitton, Hermès, Chanel, Dior... Trong khi, các nhãn hiệu này đang được bảo hộ tại Việt Nam cho nhiều nhóm mặt hàng. Theo ông Trần Hữu Linh, các cửa hàng vàng nếu sản xuất, kinh doanh các loại trang sức có gắn các nhãn hiệu này (mà không phải của chính hãng) sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Cụ thể, theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, nếu vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ (xâm phạm quyền nhãn hiệu, giả mạo nhãn hiệu) thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức.

Nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm với quy mô thương mại hoặc thu lời bất chính từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 200 triệu đồng trở lên hoặc trị giá hàng hóa vi phạm từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phat-hien-nhieu-cua-hang-ban-trang-suc-nhai-post738239.html