Phát huy tinh thần chiến thắng 30-4 vào công cuộc xây dựng thành phố mang tên Bác
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng vĩ đại đó mãi mãi là niềm tự hào của cả dân tộc.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo SGGP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải tự hào khẳng định: Tiếp nối truyền thống cách mạng, tinh thần “Chiến thắng 30-4” đã và đang được quân và dân TPHCM phát huy mạnh mẽ trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, trong thời khắc thiêng liêng, hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mạch nguồn cảm xúc lại dâng trào trong mỗi chúng ta, thế hệ hôm nay đã và đang viết tiếp truyền thống cách mạng?
* Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM NGUYỄN HỒ HẢI: Các thế hệ hôm nay mãi mãi biết ơn những người con ưu tú từ mọi miền đất nước đã hy sinh xương máu, góp phần viết nên thiên anh hùng ca bất tử của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh. Trong mỗi chiến công “có máu xương, công sức, trí tuệ của chiến sĩ và đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc”.
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, trong giờ phút thiêng liêng ngày 30-4 lịch sử, chúng ta thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tri ân, biết ơn vô hạn sự cống hiến to lớn của các thế hệ tiền bối cách mạng đi trước, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các lực lượng cách mạng tiến bộ, bạn bè quốc tế, tưởng nhớ biết bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Có nhiều ý kiến cho rằng: Sài Gòn - TPHCM chính là điểm hội tụ - hội tụ lịch sử của dân tộc và thời đại, của ý chí và khát vọng mãnh liệt “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Suy nghĩ của đồng chí về nhận định này?
* Tôi rất tâm đắc về nhận định này. Trong thời gian đầu, thành phố đã vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp của những năm sau ngày giải phóng, giữ vững ổn định chính trị, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Bước vào thời kỳ đổi mới và cho đến nay, thành phố đã nỗ lực vươn lên, phát triển đồng đều các mặt, từng bước khẳng định vị trí “đầu tàu kinh tế của cả nước”, đóng góp rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn về đổi mới cơ chế quản lý, góp phần hình thành các chính sách mới của Trung ương.
Có thể nói, hiếm có địa phương nào trong cả nước được sự quan tâm toàn diện của Trung ương như TPHCM, điều này nhằm phát huy yếu tố hội tụ nói trên?
* Thật vậy, từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết rất quan trọng đối với TPHCM. Đó là Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác của TPHCM; Nghị quyết 20-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010 và Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Ngày 30-12-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, Bộ Chính trị còn ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà trong đó TPHCM là trọng tâm cho cả khu vực Đông Nam bộ phát triển. Đặc biệt, mới đây nhất là Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với 44 cơ chế, chính sách đặc thù ở 7 lĩnh vực, sẽ là nền tảng để TPHCM tạo động lực mới đưa thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, TPHCM luôn giữ vững ổn định chính trị, có nhiều bước tiến về kinh tế - xã hội; quy mô nền kinh tế tăng gấp nhiều lần, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; nhân dân ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước.
Từ thực tiễn trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố 49 năm qua, có thể nói: cái được lớn nhất của Đảng bộ TPHCM chính là được lòng dân. Đồng chí đánh giá như thế nào về nhận định này và theo đồng chí, những bài học kinh nghiệm cần rút ra là gì?
* Tôi nghĩ rằng khi đất nước gặp khó khăn thì tinh thần, ý chí kiên cường, bất khuất và sức mạnh của thế trận lòng dân càng được hun đúc, tăng lên gấp bội. Đây chính là gốc rễ, là bài học có ý nghĩa quyết định thành công của Đảng bộ TPHCM qua các thời kỳ.
Từ thực tiễn trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành xây dựng, phát triển thành phố trong 49 năm qua, thành phố có những bài học kinh nghiệm sau:
Một là, cách mạng thành công là do Đảng ta đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, biết phát huy tốt nhân tố con người, quán triệt sâu sắc bài học xuyên suốt: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.
Hai là, mọi đường lối, chủ trương, chính sách, phong trào hành động cách mạng chỉ thực sự thành công khi có sự tham gia trực tiếp của đông đảo quần chúng.
Ba là, trong tiến trình phát triển, phải luôn chủ động tìm tòi học hỏi cái mới, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của thời đại.
Bốn là, chăm lo xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt; đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo sự đồng thuận quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phát huy giá trị tinh thần của Đại thắng mùa Xuân 1975 và với truyền thống của thành phố, đội ngũ cán bộ các cấp của TPHCM xác định rất rõ ràng: lòng dân chính là động lực, là hậu thuẫn vững chắc nhất để chúng ta mạnh dạn thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức nhưng sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, sự quan tâm hỗ trợ, sâu sát của Trung ương đã và đang là lực đẩy quan trọng để thành phố đột phá phát triển vì cả nước, cùng cả nước.
Thời gian tới, TPHCM tiếp tục không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Thời cơ ở đây phải chăng là việc cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và đặc biệt là Nghị quyết 98 của Quốc hội dành cho TPHCM chúng ta?
* TPHCM xác định phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và đặc biệt là Nghị quyết 98 của Quốc hội dành cho TPHCM để phát triển ngang tầm các đô thị lớn ở khu vực, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp nối mạch nguồn truyền thống vẻ vang của các thế hệ tiền nhân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh, vượt qua các khó khăn thách thức trong giai đoạn hiện nay, xứng đáng là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.