Phát huy truyền thống gia đình cách mạng

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, cựu chiến binh (CCB) Chu Quang Ngọc luôn tự hào về truyền thống gia đình. Dù là trong thời chiến hay thời bình, ông luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Phát huy truyền thống gia đình cách mạng, ông Chu Quang Ngọc luôn nỗ lực vượt khó, tích cực học tập, rèn luyện, là tấm gương sáng để con cháu học tập, noi theo. Ảnh: Dương Chung

Phát huy truyền thống gia đình cách mạng, ông Chu Quang Ngọc luôn nỗ lực vượt khó, tích cực học tập, rèn luyện, là tấm gương sáng để con cháu học tập, noi theo. Ảnh: Dương Chung

CCB Chu Quang Ngọc là con thứ 2 trong gia đình có 9 anh chị em ở tổ dân phố Trại Mới, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên. Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn quyết liệt, cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, những người con trai của mẹ Lê Thị Năm (mẹ ông Ngọc) đến độ tuổi mười tám, đôi mươi là xung phong ra trận. Ở nơi hậu phương, mẹ Năm đã cùng các bà, các chị thi đua sản xuất để có thóc, gạo chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tháng 2/1970, anh trai cả trong gia đình ông Ngọc là ông Chu Quang Bích lên đường ra trận. Tháng 12/1972, ông Ngọc cũng xung phong nhập ngũ tại đơn vị bộ binh C3 D80, thuộc Sư đoàn 304. Sau 1 năm huấn luyện tại Bắc Thái (cũ), đơn vị hành quân vào chiến trường B3 - Tây Nguyên.

Với sự gan dạ, bản lĩnh, lại biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí, ông Ngọc được cấp trên phân công vào Đại đội trinh sát, làm nhiệm vụ đi trước mở đường tìm địch, quan sát, thu thập thông tin và điều tra các hoạt động của địch, sau đó, báo cáo chỉ huy đưa bộ binh vào tác chiến.

Có lần, ông Ngọc dẫn đầu Trung đoàn pháo cối 82 thọc sâu vào thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) để chiếm trận địa pháo cối của Ngụy, trên đường đi đã bắt sống được tên tù binh Ngụy đang trên đường chạy trốn.

Trong một lần chiến đấu ở Khánh Hòa, ông Ngọc bị thương ở đầu. Sau khi khỏi bệnh, ông tiếp tục tham gia chiến đấu. Từ tháng 11/1974, ông Ngọc cùng đồng đội tham gia chiến đấu giải phóng Buôn Mê Thuột, Khánh Hòa, Tây Ninh… Đến tháng 4/1975, đánh vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy, chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau giải phóng, ông Ngọc học tập tại Trường Hạ sĩ quan Quân Đoàn 3 ở Khánh Hòa; đến năm 1977, ông trở lại đơn vị Đại đội trinh sát, lúc này đang đóng quân ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Thời điểm này, quân Pôn Pốt (Campuchia) liên tục gây xung đột, tiến công lấn chiếm, bắn pháo vào những nơi đông dân cư, gây ra nhiều tội ác với đồng bào ta. Đơn vị đã nhận lệnh tập trung tại cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh), sẵn sàng phối hợp cùng quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

Ông Ngọc kể: “Khi đơn vị vừa đến cửa khẩu Xa Mát đã chứng kiến nghĩa trang xã Tân Lập, huyện Tân Bình, tỉnh Tây Ninh phủ trắng cờ tang, hơn 200 người dân vô tội đã bị quân Pôn Pốt sát hại. Nhiều cán bộ, chiến sĩ không kìm được xúc động, ý chí căm thù giặc càng sâu sắc, mãnh liệt hơn”.

Ở Campuchia, ông Ngọc được đơn vị điều lên Trung đoàn làm nhiệm vụ tham mưu, quản lý quân số và trang bị, đảm bảo cho đơn vị tác chiến. Tháng 12/1978, sau khi khi giải phóng Phnôm Pênh, Xiêm Riệp, đơn vị nhận lệnh rút ra Bắc, đóng quân ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên).

Năm 1983, ông Ngọc phục viên, trở về tiếp tục tham gia công tác tại địa phương và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Đội phó đội sản xuất, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Phó Chủ tịch UBND xã… Ở cương vị nào ông cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm được giao, góp phần xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng 2 người anh em ruột của ông Ngọc là liệt sĩ Chu Quang Bích (hy sinh năm 1974) và liệt sĩ Chu Quang Thìn (hy sinh năm 1986). Mẹ Lê Thị Năm được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Phát huy truyền thống gia đình cách mạng, ông Ngọc luôn nỗ lực vượt khó, tích cực học tập, rèn luyện, sáng tạo trong lao động, sản xuất, nuôi dạy các con trưởng thành, là tấm gương sáng để con cháu học tập, noi theo.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/80927/phat-huy-truyen-thong-gia-dinh-cach-mang.html