Phát huy truyền thống 'uống nước nhớ nguồn'
Những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa
Ngày 17-4, tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa với tinh thần trách nhiệm, tấm lòng trân trọng và sự biết ơn sâu sắc.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần
Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng đặc biệt vui mừng khi được biết hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng Chương trình "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc", tỉnh Điện Biên đã hoàn thành 100% việc làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo và cận nghèo, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, cho biết 70 năm đã trôi qua, các chiến sĩ Điện Biên Phủ, TNXP và dân công hỏa tuyến ngày một ít. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 140 chiến sĩ Điện Biên Phủ và 9 TNXP trực tiếp tham gia chiến dịch còn sống, phần lớn đều trên 90 tuổi.
Ông Trần Quốc Cường nhấn mạnh việc tri ân các chiến sĩ Điện Biên Phủ không phải việc làm của một ngày, một đợt mà phải diễn ra thường xuyên. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công, cựu chiến binh, cựu TNXP, tổ chức thăm hỏi thường xuyên, nhất là những dịp lễ, Tết.
"Với những chiến sĩ Điện Biên Phủ nếu nơi ở chưa ổn định thì tỉnh có chính sách bảo đảm cho họ. Còn những trường hợp do thay đổi nơi ở, con cháu các cụ chưa có công ăn việc làm, tỉnh yêu cầu địa phương phải bố trí ngay. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức những đợt khám sức khỏe đối với các chiến sĩ Điện Biên Phủ, cựu TNXP hiện đang sinh sống ở địa phương" - ông Cường nói.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, cho hay toàn tỉnh đang quản lý gần 16.500 hồ sơ người có công với cách mạng, thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho 1.077 đối tượng là người có công và thân nhân người có công với cách mạng với kinh phí hơn 2,2 tỉ đồng/tháng.
Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết kế thừa truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, cấp ủy, chính quyền các cấp rất quan tâm, chăm lo, cải thiện đời sống của các gia đình chính sách nói chung, trong đó có các thương binh, bệnh binh và người nhiễm chất độc da cam.
Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai những việc làm ý nghĩa để chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng như: Đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; tập trung giải quyết đầy đủ, kịp thời những chế độ, chính sách đối với người có công...
Không còn hồ sơ người có công tồn đọng
Theo ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, đến nay, tỉnh đã thực hiện giải quyết dứt điểm, không còn hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng, không có đơn thư khiếu kiện liên quan đến giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Địa phương cũng đang quản lý 8 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó, có 4 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia do tỉnh quản lý và 4 nghĩa trang liệt sĩ do cấp huyện quản lý, với tổng số 7.223 phần mộ liệt sĩ. Các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn tiếp tục được duy tu, sửa chữa, quản lý bảo đảm khang trang, sạch đẹp.
Ông Lò Văn Tiến cho biết những năm qua, các chế độ, chính sách đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng được chi trả kịp thời, đúng đối tượng; đời sống người có công, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được quan tâm hỗ trợ.
Năm 2023, các cấp, ngành, nhiều đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân đã thăm hỏi, tặng hơn 8.500 suất quà cho gia đình người có công với số tiền hơn 3,5 tỉ đồng. "100% xã, phường, thị trấn thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Hơn 98% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú" - ông Tiến nói.
Ông Lò Văn Tiến cho hay trong thời gian tới, tỉnh xác định tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác chăm lo người có công với cách mạng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ những chế độ chính sách cho người có công; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để người có công phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm lo người có công, vận động ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc thương binh, bệnh binh, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn. Ngoài ra, thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người có công và có kiến nghị kịp thời để giải quyết các chế độ ưu đãi cho người có công.
Quan tâm người có công có hoàn cảnh khó khăn
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả những chính sách ưu đãi người có công, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình có công với cách mạng.
Đặc biệt, quan tâm hơn nữa đến người có công có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trên địa bàn; không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-5