Phát huy vai trò giám sát quá trình quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước

Là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã phục vụ tích cực cho việc kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền và tài sản của Nhà nước. Từ đó thúc đẩy việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước.

Theo TS Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội, nhiều năm qua, Kiểm toán nhà nước đã chủ động thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước. Trong đó tập trung vào báo cáo kiểm toán tài chính để giúp Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước và Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã cung cấp thông tin giúp cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các Ủy ban của Quốc hội sử dụng trong quá trình thẩm tra và giám sát về quyết toán ngân sách Nhà nước.

 Hoạt động kiểm toán cung cấp những thông tin cần thiết cho việc thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước. Ảnh: THU HẢI

Hoạt động kiểm toán cung cấp những thông tin cần thiết cho việc thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước. Ảnh: THU HẢI

Các báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại và kiến nghị xử lý tài chính nhiều vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, bao gồm cả những hạn chế trong việc lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách Nhà nước. Từ đó làm cơ sở cho việc thảo luận, quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm sau của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, cung cấp thông tin phục vụ cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định dự toán ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương.

Từ sau khi Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Ngân sách nhà nước được ban hành, Tổng Kiểm toán nhà nước đã có ý kiến trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng đã có ý kiến chính thức bằng văn bản về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách sử dụng trong quá trình thẩm tra.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) đánh giá, Kiểm toán nhà nước là cơ quan có nghiệp vụ chuyên môn sâu về những vấn đề liên quan đến dự toán, vấn đề kỹ thuật, thiết kế... Vì vậy, việc Kiểm toán nhà nước đưa ra ý kiến của mình không chỉ đơn thuần là ý kiến khách quan, độc lập mà nó còn là căn cứ, cơ sở chắc chắn hơn cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến hay đưa ra ý kiến phản biện của mình. Bởi bản thân từng đại biểu Quốc hội không thể nào đánh giá được tính hợp lý của những con số dự toán cũng như các phương án thiết kế. Do đó, việc phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước khi đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sẽ giúp cho Quốc hội, Chính phủ có tiếng nói chung, đi đến một phương án để quyết định đầu tư các dự án có hiệu quả nhất.

ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-huy-vai-tro-giam-sat-qua-trinh-quan-ly-va-su-dung-ngan-sach-nha-nuoc-774733