Phát huy vai trò phục vụ bạn đọc thông qua chuyển đổi số

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, chương trình chuyển đổi số trong hoạt động thư viện được xác định là nhiệm vụ quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại. Thư viện tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, đồng bộ dữ liệu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, tạo đột phá cho ngành thư viện để phục vụ bạn đọc ngày càng hiệu quả.

Thư viện tỉnh Trà Vinh trang bị máy vi tính tại triển lãm đường sách nhằm thu hút học sinh đọc sách điện tử và tham gia các trò chơi trí tuệ.

Được biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện đã thực hiện hơn 10 năm qua, tuy nhiên bước đột phá lớn khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 206/QĐ-TTg, ngày 11/02/2021. Nhờ đó, thư viện có nguồn kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ số vào hoạt động, giúp nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng nhu cầu đọc sách điện tử của bạn đọc, thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Theo đồng chí Lâm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh: chương trình chuyển đổi số ngành thư viện hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Thư viện tỉnh trở thành thư viện điện tử, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, đáp ứng nhu cầu phục vụ bạn đọc, thu hút thêm nhiều độc giả đến với Thư viện tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu, Phó phòng Hành chính - Phục vụ bạn đọc cho biết: thống kê bình quân hàng tháng có khoảng 42.000 lượt bạn đọc. Tuy nhiên, số lượng đọc sách giấy chỉ khoảng 700 lượt, bạn đọc đến phòng mượn khoảng 700 lượt, phòng truy cập internet dao động gần 800 lượt. Đặc biệt, số lượng đọc sách online khoảng 40.000 lượt/tháng, cho thấy bạn đọc giảm đến thư viện nhưng đọc sách online tăng rất nhiều và nhu cầu cần tài liệu số của bạn đọc rất cao.

Hàng năm, Thư viện tỉnh bổ sung dần nguồn tài liệu điện tử, riêng năm 2023, thư viện thực hiện hoàn thành scan bộ sưu tập tài liệu lịch sử xã, phường, thị trấn, trên 14.000 trang đưa lên thư viện điện tử, mua khoảng 10.000 tài liệu điện tử. Ngoài ra, thực hiện liên kết, chia sẻ với nhiều thư viện các tỉnh, Trung tâm học liệu Trường Đại học Trà Vinh nhằm tăng số lượng sách điện tử, thực hiện scan tài liệu đưa lên hệ thống làm tài liệu số…

Hiện thư viện có 02 máy scan tài liệu điện tử và 01 máy chủ xử lý thành sách điện tử. Qua đó, thư viện đã scan rất nhiều tài liệu điện tử đưa lên trang web của phục vụ bạn đọc như: tài liệu lịch sử các xã phường, được bộ tài liệu địa chí, bộ sưu tập biển, đảo, các tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ sưu tập văn hóa Khmer Nam Bộ, bộ sưu tập lịch sử, tổng cộng trên 20.000 trang tài liệu điện tử.

Đồng chí Lâm Văn Tuyên cho biết thêm, năm 2023 từ nhiều nguồn kinh phí, Thư viện đầu tư 90 triệu đồng mua các nguồn tài liệu điện tử và xây dựng bộ sưu tập số hóa tài liệu, năm 2024 dự kiến các nguồn đầu tư mua tài liệu điện tử khoảng 70 triệu đồng.Bên cạnh, để giúp bạn đọc thuận lợi ứng dụng công nghệ số vào việc đọc sách điện tử, thư viện xây dựng mã QR, bạn đọc chỉ cần quét mã thì có thể vào đọc sách, không cần phải làm thẻ thư viện.

Từ nguồn kinh phí chuyển đổi số được UBND tỉnh duyệt, năm 2024, thư viện cố gắng hoàn thành xây dựng phần mềm cài đặt trên điện thoại di động, phần mềm như một thư viện thu nhỏ, bạn đọc chỉ cần cài đặt trên điện thoại di động và vào chọn danh mục các loại sách điện tử để đọc online. Kế hoạch năm 2025, thư viện sẽ đầu tư hệ thống mượn trả tự động, bạn đọc tự tìm sách, tự thao tác mượn tài liệu, không cần thủ thư trực. Thư viện cố gắng thực hiện nhiều cách để nâng dần số lượng bạn đọc, khuyến khích người dân đọc sách, nâng cao tri thức.

Bên cạnh, phòng internet tại Thư viện có máy vi tính phục vụ bạn đọc truy cập tài liệu điện tử, học sinh, sinh viên đến tìm tài liệu phục vụ học tập hoặc tự học tiếng Anh, Tin học trên máy vi tính.

Em Nguyễn Thanh Quý, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành thường xuyên đến thư viện đọc sách, em chia sẻ: nhờ đọc sách em bổ sung được rất nhiều kiến thức, giúp học tập tiến bộ hơn. Không chỉ đọc sách giấy, em thường truy cập trang thông tin điện tử của Thư viện để tìm tài liệu học tập. Với em, đến thư viện trở thành thói quen và em thấy nơi đây khá yên tĩnh để đọc sách và tự học.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thư viện nhằm bắt kịp xu hướng bạn đọc, lan tỏa tri thức, kết nối cộng đồng, từng bước hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong người dân. Đồng thời, Thư viện tỉnh Trà Vinh tiếp tục cải tiến các hình thức phục vụ bạn đọc tại chỗ, thu hút người dân đọc sách nhiều hơn, góp phần nâng cao dân trí, tác động tích cực đối với sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội.

Bài, ảnh: NGỌC XOÀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chuyen-doi-so/phat-huy-vai-tro-phuc-vu-ban-doc-thong-qua-chuyen-doi-so-36474.html