Phát triển cam Sành xứng tầm cây trồng chủ lực

Thực tiễn sản xuất đang đặt ra những vấn đề cấp thiết đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị, phát triển bền vững cây cam Sành.

Cam Sành có giá trị kinh tế cao, được xác định là cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh; được phân bố tập trung tại 38 xã thuộc 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Sản phẩm cam Sành được tỉnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng cả nước. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, niên vụ 2023 – 2024, toàn tỉnh có gần 3.800 ha cam Sành; trong đó, diện tích cho sản phẩm là 3.250 ha, sản lượng dự kiến đạt hơn 40.600 tấn. Như vậy, diện tích cam Sành đã giảm hơn 3.000 ha so với những niên vụ trước.

Ông Hoàng Quyết Thắng, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) kiểm tra sự phát triển của cam Sành.

Ông Hoàng Quyết Thắng, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) kiểm tra sự phát triển của cam Sành.

Kết quả rà soát, đánh giá của ngành chuyên môn cho thấy: Hơn 3.200 ha cam Sành/3.657 hộ bị suy thoái. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến diện tích cam suy giảm nhanh chóng. Trong đó, diện tích cam suy thoái mức độ III (không thể khắc phục được) chiếm 33,2%; diện tích cam suy thoái mức độ II (khó có thể khắc phục) chiếm 27,9%; những diện tích còn lại suy thoái mức độ I nhưng cây sinh trưởng, phát triển kém làm giảm năng suất, chất lượng cam Sành. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Hiếu cho biết, các vườn cam suy thoái có biểu hiện đặc trưng như: Lá bị vàng; cành khô từ đầu cành vào thân cành; rễ cây khi đào lên, lớp vỏ ngoài thối đen, tụt khỏi lõi rễ. Lúc đầu chỉ một số cây trong vườn bị vàng lá, sau đó lây lan rất nhanh, khiến cây sinh trưởng, phát triển kém, thậm chí chết hàng loạt. Thực tế này làm giảm năng suất, sản lượng, gây thất thu, thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng cam. Nguyên nhân chính gây suy thoái vùng cam được xác định là bởi nhà vườn áp dụng quy trình kỹ thuật trồng cam chưa chuẩn; không đảm bảo yếu tố dinh dưỡng và xuất hiện sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây cam. Thêm vào đó, đa phần người dân đều sử dụng cành chiết từ các vườn cam đang sản xuất, kinh doanh nên chất lượng cây giống không được kiểm soát lại ít chú trọng áp dụng kỹ thuật ở khâu cắt tỉa, tạo tán nên chưa phát huy tối đa năng suất cam Sành.

Nhằm phát triển bền vững cây cam Sành, huyện Bắc Quang đang thực hiện thí điểm mô hình sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ trên cây cam Sành tại vườn cam của hộ ông Cam Thanh Quý, thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành với tổng diện tích 1 ha. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các nhà vườn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Quang, Trần Minh Hữu cho biết: Toàn huyện có 53 hộ/5 xã được giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi gần 4,7 tỷ đồng để đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm đối với 78,1 ha cam Sành. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung triển khai 6 chuỗi liên kết trồng và thâm canh cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với quy mô 215,5 ha/121 hộ/3 xã (Vĩnh Hảo, Vĩnh Phúc, Đông Thành). Không những vậy, UBND huyện còn phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện mô hình vườn cam mẫu gắn với chuyển đổi số nhằm định hướng người dân trồng, thâm canh cây cam theo quy trình VietGAP, hữu cơ, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; ứng dụng chuyển đổi số, nhất là khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam theo chuỗi giá trị để gia tăng giá trị sản phẩm. Đến nay, 22 ha cam của 5 hộ dân tại xã Vĩnh Phúc, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo, thị trấn Việt Quang đã xây dựng vườn cam mẫu, cập nhật nhật ký chăm sóc cây cam lên phần mềm xác thực số do Công ty Cổ phần Công nghệ xác thực số cung cấp.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Thực tiễn sản xuất cam Sành cũng đối diện không ít khó khăn cần tháo gỡ. Toàn tỉnh có 47 cơ sở sản xuất cam theo quy trình VietGAP với tổng diện tích hơn 3.500 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm 31.12.2022, giấy chứng nhận VietGAP đối với tất cả các diện tích trên đều hết hiệu lực. Mặc dù ngành chuyên môn đã khảo sát thực tế, làm việc với cơ quan liên quan bàn giải pháp duy trì, cấp lại giấy chứng nhận VietGAP nhưng nhiều cơ sở sản xuất chưa tự giác xin cấp lại giấy chứng nhận; đến nay mới có 6 cơ sở/266,8 ha cam thực hiện chứng nhận lại VietGAP. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại còn mang tính sự vụ, chưa đi vào chiều sâu, chưa tìm kiếm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Sản lượng tiêu thụ tại các siêu thị còn hạn chế, chủ yếu do thương nhân trực tiếp thỏa thuận, thu mua tại vườn, dẫn đến giá cả không ổn định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Sành còn hạn chế, chủ yếu xúc tiến tiêu thụ bằng các kênh thương mại truyền thống...

Hiện nay, tỉnh ta đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển bền vững cây cam Sành theo tinh thần Nghị quyết 04, ngày 1.12.2020 của BTV Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu duy trì ổn định diện tích cam Sành toàn tỉnh là 5.000 ha gắn với cải tạo, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm xây dựng cam Sành trở thành thương hiệu mạnh, xứng tầm cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và là cây làm giàu của nhân dân.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202312/phat-trien-cam-sanh-xung-tam-cay-trong-chu-luc-12f4531/