Phát triển con người Việt Nam bền vững (*): Xây dựng ngay chiến lược phát triển

Có con người, có lao động đủ số lượng với chất lượng không ngừng nâng cao thì mới có điều kiện phát triển kinh tế bền vững trong cơ chế cạnh tranh kinh tế toàn cầu

Từ xu hướng phát triển không bền vững về con người của thế giới 1970- 2020 - 2034 - 2064 - 2100; từ triển vọng Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 và Chiến lược phát triển dân số Việt Nam đến 2030 không đạt được mục tiêu cơ bản "bảo đảm vững chắc Tổng tỉ suất sinh (TTSS) thay thế"; từ dự báo thô dân số Việt Nam giai đoạn 2020 - 3000 và nguy cơ tự tiêu vong sau 500 năm; từ truyền thống văn hóa coi trọng gia đình của người Việt Nam, chúng ta cần xây dựng Chiến lược phát triển con người Việt Nam bền vững giai đoạn 2025- 2045.

Nền tảng quan trọng

Còn con người Việt Nam thì mới còn văn hóa Việt Nam, còn đất nước Việt Nam. Nếu đất nước không tái tạo được con người thì đất nước sẽ tiêu vong. Vì vậy, những chính sách nào của Nhà nước, chính quyền địa phương; các quy định nào của doanh nghiệp, tổ chức cản trở, gây thiệt hại cho việc phát triển con người bền vững thì cần phải được điều chỉnh hoặc loại bỏ ngay.

Tại Việt Nam, hiện nay còn khá nhiều yếu tố cản trở ý định lập gia đình và có con.Ảnh: ANH THƯ

Tại Việt Nam, hiện nay còn khá nhiều yếu tố cản trở ý định lập gia đình và có con.Ảnh: ANH THƯ

Để phương thức tăng trưởng kinh tế của đất nước không dẫn tới suy thoái lao động và dân số, cần có sự thống nhất cao giữa Chính phủ, các doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò không thể thay thế của gia đình và các điều kiện cần thiết để gia đình hạnh phúc, bảo đảm vững chắc TTSS thay thế.

Tái tạo con người qua phát triển gia đình hạnh phúc và phát triển kinh tế là quan hệ 2 chiều, có sự chi phối của chính sách phát triển quốc gia, các địa phương và hoạt động của doanh nghiệp. Có con người, có lao động đủ số lượng với chất lượng không ngừng nâng cao thì mới có điều kiện phát triển kinh tế bền vững trong cơ chế cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Phát triển kinh tế sẽ tạo điều kiện để xây dựng gia đình hạnh phúc, công dân hạnh phúc.

Thực tế ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam (TP HCM) đã chỉ rõ không phải năng suất lao động cao, không phải GDP/người cao thì đương nhiên gia đình có điều kiện đủ để là gia đình hạnh phúc, sinh đủ 2 con. 50 năm qua trên toàn cầu cho thấy GDP/người càng tăng thì nguyện vọng người lao động kết hôn và sinh con càng giảm. Điển hình ở Nhật Bản, thời gian làm việc quá dài; điều kiện phát triển nghề nghiệp của phụ nữ bị hạn chế khi sinh con và nuôi dạy con, người vợ có thời gian làm việc nhà, nuôi dạy con gấp 9 lần người chồng; chi phí học hành; thiếu chỗ học cho trẻ mầm non... là những yếu tố trực tiếp cản trở mong muốn lập gia đình và có con.

TP HCM là nơi có GDP/người cao nhất cả nước song là nơi có TTSS thấp nhất cả nước từ hơn 20 năm nay, những năm gần đây chỉ ở mức khoảng 1,4 con/phụ nữ. TP HCM là "hố đen dân số" sớm nhất, lớn nhất cả nước, dù nền kinh tế lớn nhất trong 63 tỉnh, thành phố (đóng góp khoảng 23% GDP), có năng suất lao động cao nhất cả nước (gấp khoảng 2,6 lần năng suất lao động Việt Nam).

Bài học rút ra từ thực tế trên là cần bảo đảm tổng hòa tác dụng của các chính sách, mục tiêu phát triển của Chính phủ, chính quyền địa phương, các quy định của doanh nghiệp, tổ chức và điều kiện sống thực tế của người lao động ở lứa tuổi 22- 35. Theo đó, không tạo áp lực buộc họ phải lựa chọn và quyết định: muốn duy trì việc làm có thu nhập cần thiết, đủ sống thì phải từ bỏ nguyện vọng có gia đình, hoặc có gia đình thì phải từ bỏ nguyện vọng có 2 con hoặc 1 con. Chỉ khi đó, TTSS được duy trì ở mức TTSS thay thế, đất nước mới phát triển bền vững về con người.

Ban hành chính sách từ sớm, từ xa và đủ mạnh

Thực tế của Nhật Bản đã chỉ rõ khi TTSS bắt đầu giảm dưới TTSS thay thế (năm 1974) thì đất nước không thiếu lao động, chưa gây hậu quả kinh tế. Chỉ từ năm 1995, số người trong tuổi lao động ở Nhật Bản mới giảm. Chính sự chậm 20 năm này, sự lệch pha 20 năm giữa TTSS thấp dưới 2,1 và thiếu lao động thực tế đã làm cho các nhà quản lý đất nước, quản lý chính quyền địa phương và các chủ doanh nghiệp chậm nhận ra nguy cơ thiếu lao động lâu dài, nguy cơ TTSS sẽ thấp bền vững dưới TTSS thay thế. Các chương trình của chính phủ hỗ trợ lập gia đình và sinh con ban hành có phần chậm, quy mô tài chính nhỏ và các doanh nghiệp chưa vào cuộc đủ mạnh để tạo điều kiện cho người lao động, nhất là lao động nữ có thể vừa có gia đình, có con, vừa có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Kết quả là các chương trình hỗ trợ của chính phủ tác dụng thực tế ít, sau hơn 30 năm (1990 - 2023) không đem lại sự thay đổi TTSS mong muốn.

Khi các chính sách của chính phủ tác dụng thực tế thấp, không tăng được TTSS cơ bản, lâu dài đã kéo dài hơn 20 năm (1990 - 2015) thì một bộ phận người dân sẽ thay đổi căn bản quan niệm về gia đình và sinh con, cho rằng "kết hôn và có con là bất lợi cho bản thân, không cần thiết". Khi sự thay đổi nhận thức như vậy diễn ra thì việc đảo ngược nhận thức này sẽ rất khó khăn.

Nói tóm lại, một gia đình có 2 người đi làm phải có thu nhập tối thiểu đủ nuôi được 4 người, lúc đó họ mới có thể nuôi được 2 con. Cho đến nay, gần 50 năm sau thống nhất đất nước, Chính phủ vẫn chưa công bố mức sống tối thiểu được xác định như thế nào; các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cũng không công bố tiền lương tối thiểu trên cơ sở các quy định về cách tính mức sống tối thiểu của nhà nước. Nếu điều này không được khắc phục thì không có tiền đề để phát triển con người bền vững ở Việt Nam sau 2025.

Kết hôn và sinh con quyết định tương lai đất nước

Một điều tra xã hội học gần đây ở TP HCM cho thấy nếu theo mong muốn của người lao động ở tuổi sinh sản thì số con bình quân một gia đình sẽ là 2,08, gần bằng TTSS thay thế. Đây là một tin rất vui, một lợi thế rất quan trọng của Việt Nam, do truyền thống văn hóa coi trọng gia đình, coi trọng hạnh phúc gia đình khi có con của người Việt Nam. Tuy nhiên, các điều kiện về thu nhập, chi phí cuộc sống, cho con đi học, nhà ở, việc làm... không cho phép họ thực hiện nguyện vọng đó. Nếu sự vênh nhau giữa mong muốn có 2 con và điều kiện thực tế không thể có được 2 con kéo dài khoảng 20 - 30 năm thì người trẻ sẽ từ bỏ mong muốn có 2 con hoặc nhiều hơn. Đó là đại họa cho đất nước.

Vì lợi ích quốc gia, vì tồn vong của dân tộc, nhà nước phải xây dựng một Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam bền vững 2025 - 2045, xây dựng các chương trình của Chính phủ hỗ trợ gia đình và trẻ em, xác định trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức trong việc khuyến khích đại đa số công dân trẻ Việt Nam lập gia đình và mỗi gia đình bình quân có 2,1 con.

Ngoài ra, bên cạnh khẳng định quyền tự do kết hôn và sinh con của công dân, chúng ta cần truyền thông sâu rộng, giáo dục từ phổ thông việc kết hôn và sinh con là quyền tự do của công dân nhưng đồng thời cũng quyết định tương lai tồn vong của đất nước.

Chúng ta còn khoảng 20 năm để đến thời điểm phải chịu hậu quả của thiếu lao động và để ban hành các chính sách đồng bộ mới để người trẻ không mất niềm tin và không thay đổi quan niệm về gia đình và sinh con, dẫn đến phát triển không bền vững về con người. Nếu ngay bây giờ chúng ta xây dựng một Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam bền vững giai đoạn 2025 - 2045 thì Việt Nam có thể vừa đạt mục tiêu là nước thu nhập cao vào 2045, vừa đạt mục tiêu là quốc gia có nhân lực phát triển, bền vững.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-12

"Để đất nước có nhân lực bền vững thì TTSS phải bằng hoặc lớn hơn TTSS thay thế.

Dân số thế giới giảm kéo dài

Năm 1970, tất cả các nước trên thế giới có TTSS lớn hơn 2,1 và TTSS của thế giới là 4,7. Năm 2000 TTSS của hầu hết các nước đều giảm, TTSS của châu Âu chỉ là 1,43, Bắc Mỹ là 1,97, thế giới là 2,7.Năm 2020 các nước có TTSS < 2,1 đã chiếm tới 40% dân số thế giới, TTSS thế giới là 2,3. Dự báo năm 2034 TTSS của thế giới là 2,1 và sau đó giảm dần, năm 2100 TTSS = 1,66.Năm 2064 dân số thế giới đạt đỉnh 9,7 tỉ và sau đó sẽ giảm còn khoảng 8,8 tỉ năm 2100. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 2000 năm gần đây của loài người dân số thế giới giảm kéo dài.

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân (Đại biểu Quốc hội khóa XV)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phat-trien-con-nguoi-viet-nam-ben-vung-can-xay-dung-ngay-chien-luoc-phat-trien-196231226201953015.htm