Phát triển điện mặt trời mái nhà: Cần cơ chế khuyến khích hấp dẫn

Bắc Giang có hàng chục khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, nhu cầu sử dụng điện năng theo đó rất cao. Mặc dù tổng diện tích mái nhà trên toàn tỉnh lớn, có tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu song do nhiều nguyên nhân, số khách hàng sử dụng loại hình điện năng này còn khiêm tốn. Do đó rất cần có cơ chế khuyến khích thu hút nhiều chủ thể tham gia.

Hiệu quả, dư địa phát triển lớn

Năm nay, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh được hỗ trợ hơn 295 triệu đồng từ nguồn “Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh Bắc Giang năm 2023” để xây dựng, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Hệ thống có công suất 11 kWp, đấu nối với lưới điện quốc gia nhưng không phát điện lên lưới, không sử dụng bộ lưu điện do đơn vị chủ yếu hoạt động ban ngày. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối tháng 7/2023, được Công ty TNHH BG Solar (Bắc Giang) - đơn vị trúng thầu thi công bảo hành 10 năm, thời gian khai thác từ 25-30 năm.

 Đại diện đơn vị thi công kiểm tra tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà hộ ông Thân Văn Vân, thôn An Phong, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang).

Đại diện đơn vị thi công kiểm tra tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà hộ ông Thân Văn Vân, thôn An Phong, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang).

Anh Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ phụ trách hệ thống ĐMTMN của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết, khi chưa đưa hệ thống điện mặt trời vào sử dụng, đơn vị phải chi phí khoảng 40 triệu đồng tiền điện/tháng. Hiện, số tiền điện đơn vị phải trả giảm từ 15-20% (phụ thuộc vào thời tiết nắng nhiều hay ít). Tính riêng trong thời gian bảo hành, đơn vị tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng.

Tháng 7/2023, hộ ông Thân Văn Vân, thôn An Phong, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) lắp đặt hệ thống ĐMTMN, công suất 5,4 kWp, tổng chi phí 90 triệu đồng. Gia đình ông đầu tư thêm một bộ lưu điện (dung lượng 5,2 kWh). Ban ngày bộ biến tần sẽ tự động chuyển nguồn điện từ hệ thống ĐMTMN cung cấp cho toàn bộ phụ tải trong gia đình; ban đêm tự động chuyển sang sử dụng nguồn điện dự trữ, khi nguồn lưu trữ hết sẽ tự động chuyển sang lưới điện quốc gia.

Trường hợp mất điện lưới, bộ lưu điện có thể dùng thắp sáng và bật quạt thông thường được khoảng 8 giờ. Nếu gia đình không dùng điện ban ngày, hệ thống điện mặt trời sẽ tự xả điện thừa vì không được phát lên lưới. Ông Vân cho biết: “Từ khi có hệ thống ĐMTMN, bình quân mỗi tháng gia đình tôi giảm được khoảng 2,7 triệu đồng tiền điện”.

Theo Công ty Điện lực Bắc Giang, hiện toàn tỉnh có 605 khách hàng sử dụng điện mặt trời mái nhà, trong đó có 571 hộ dân, tổng công suất hơn 15,97 MWp. Đây là các khách hàng được phát điện lên lưới và được Công ty Điện lực Bắc Giang mua lại. 9 tháng năm 2023, các khách hàng này phát lên lưới điện quốc gia hơn 6 triệu kWh, tương ứng hơn 11,9 tỷ đồng trước thuế.

Tính đến hết tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh có 631 tổ chức, cá nhân lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất khoảng 74,3 MWp. Trong đó có 605 tổ chức, cá nhân lắp đặt trước năm 2021 với tổng công suất hơn 15,97 MWp (9 tháng năm 2023, số khách hàng này phát lên lưới điện quốc gia hơn 6 triệu kWh, tương ứng hơn 11,9 tỷ đồng). Còn lại 26 tổ chức, cá nhân lắp đặt để sử dụng cho mục đích tự dùng, tổng công suất khoảng 58,4 MWp.

Theo Cục Thống kê tỉnh và khảo sát của Công ty Điện lực Bắc Giang, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh từ 22-23 độ C, số giờ nắng trung bình hằng năm từ 1.400- 1.700 giờ, tổng xạ trung bình khoảng 3,8 kWh/m2/ngày.

Bắc Giang có khoảng 450 nghìn hộ dân (tương ứng với số căn hộ) và hàng chục nghìn trường học, bệnh viện, công sở, trang trại chăn nuôi; khu, cụm công nghiệp… có thể lắp đặt ĐMTMN với tiềm năng kỹ thuật khoảng 2.320 MW. Việc lắp đặt hệ thống điện năng này góp phần giảm thiểu quá tải lưới điện quốc gia, phát triển KT-XH; tận dụng được diện tích mái, làm mát nhà vì có tấm pin che nắng; giảm thời gian sử dụng máy điều hòa không khí và khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người...

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân lắp đặt, sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Tuy nhiên, việc phát triển loại hình điện năng này đang gặp không ít khó khăn. Đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, hiện chưa có quy định về đầu tư phát triển ĐMTMN.

Tại tỉnh Bắc Giang mới có 3 đơn vị được hỗ trợ đầu tư lắp đặt theo nguồn vốn của Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh Bắc Giang, gồm: Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Công Thương và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Đối với nhà dân, việc lắp đặt điện mặt trời chi phí cao nên số hộ tham gia ít. Hơn nữa, sau ngày 31/12/2020, do quy định về giá bán điện đối với các dự án điện mặt trời tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực, ngành điện không cho các hệ thống ĐMTMN phát lên lưới và mua điện từ đây, nên chưa khuyến khích được hộ dân tham gia lắp đặt.

Để phát triển ĐMTMN, vừa qua, Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Từ đó yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tiết kiệm điện; tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống ĐMTMN, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện lưới. Khuyến khích các hộ dân lắp đặt và sử dụng hệ thống ĐMTMN tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ… Sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án “Phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đầu tư ĐMTMN tại nhà dân, trụ sở cơ quan để phục vụ tại chỗ; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia các chương trình lắp đặt. Cùng đó xem xét trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số quy định về giá mua điện, đấu nối lưới và công suất điện mặt trời không còn phù hợp, chồng chéo với một số nội dung tại Quyết định số 500 ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng nguồn ĐMTMN rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh tỉnh Bắc Giang và cả nước đang thiếu nguồn điện cho sản xuất công nghiệp. Do đó, cần sớm tháo gỡ các vướng mắc, có cơ chế khuyến khích lắp đặt, giúp tỉnh Bắc Giang cũng như các địa phương khác hoàn thành mục tiêu về lắp đặt ĐMTMN theo kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/415202/phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-can-co-che-khuyen-khich-hap-dan.html