Phát triển, hiện đại hóa ngành vật liệu xây dựng cần hành lang pháp lý

Để hướng đến công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại cần loại bỏ những dây chuyền vật liệu xây dựng lạc hậu, và bước đầu có những chính sách hỗ trợ đi kèm.

Khách hàng tham quan sản phẩm bê tông xanh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất tại Triển lãm Contech 2024.

Khách hàng tham quan sản phẩm bê tông xanh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất tại Triển lãm Contech 2024.

Về lâu dài, các chuyên giá trong ngành cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý và hành lang kỹ thuật hướng đến phát triển ngành theo đúng quan điểm, mục tiêu của Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Loại bỏ dây chuyền lạc hậu

Ngành sản xuất VLXD hàng năm đóng góp khoảng 6 - 7% GDP của Việt Nam, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của ngành Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, khó khăn về thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước đã tác động tiêu cực tới tình hình hoạt động của các DN sản xuất VLXD trong nước, phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất, ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác như khai khoáng, vận tải, kinh doanh phân phối và người lao động..

Mặc dù về sản lượng sản xuất và tiêu thụ VLXD trong năm 2023 có sự sụt giảm so với năm 2022 do những khó khăn của thị trường tiêu thụ, tuy nhiên, sự phát triển công nghệ sản xuất và chủng loại, tính năng sản phẩm vẫn hướng đến các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển VLXD tại Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến 2050. Trong đó, loại bỏ những dây chuyền lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; sản xuất ra các sản phẩm VLXD có tính năng, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên liệu.

Báo cáo của Hội VLXD Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực sản xuất xi măng hiện nay có 6 dây chuyền sản xuất đã đầu tư từ lâu, thiết bị công suất nhỏ, lạc hậu, tiêu hao nhiên liệu rất lớn, tạo ra sản phẩm có giá thành cao, sức cạnh tranh rất thấp nên đã dừng vĩnh viễn. Trong đó gồm xi măng Hữu Nghị với 3 dây chuyền; 1 dây chuyền của xi măng Áng Sơn; dây chuyền 1 và 2 của xi măng Luks Cement.

3 nhà máy có khả năng sử dụng phế thải công nghiệp làm nhiên liệu đốt thay thế một phần than; 11 dây chuyền đang đầu tư và 25 dây chuyền đã vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt thừa khí thải - giúp giảm 20% lượng điện cung cấp từ hệ thống lưới điện quốc gia.

Lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát, Viglacera, Trung Đô... đã sử dụng công nghệ cán ép liên tục (công nghệ Continua+) tạo các sản phẩm dạng tấm phẳng có kích thước lớn; sử dụng công nghệ in men mầu kỹ thuật số cho sản phẩm có chất lượng và thẩm mỹ cao. Về công nghệ nung sản phẩm tấm, nhiều nhà máy đã sử dụng lò thanh lăn công suất lớn có hiệu quả năng lượng cao, phát thải thấp.

Về sứ vệ sinh, hiện nay một số cơ sở sản xuất đã sử dụng công nghệ đúc áp lực cao, sử dụng khuôn bằng vật liệu tổng hợp để tạo hình sản phẩm, giúp nâng cao năng suất, chất lương, kéo dài vòng đời khuôn đúc, giảm phát thải trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, sử dụng robot thay cho con người để phun men làm ổn định chất lượng sản phẩm cũng đang được sử dụng nhiều.

Với kính xây dựng hiện một số chủng loại kính tiết kiệm năng lượng như Low-E, Solar Control đã được sản xuất từ các doanh nghiệp trong nước như Viglacera, thích hợp cho công trình xanh, công trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, thân thiện môi trường.

Cần hành lang pháp lý đồng bộ

Các chuyên giá trong ngành đánh giá, để tháo gỡ khó khăn, trước mắt trong sản xuất, tiêu thụ VLXD, những bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở; thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng; có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp trong đó có VLXD; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu VLXD.

Ngành xi măng loại bỏ những dây chuyền lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa.

Ngành xi măng loại bỏ những dây chuyền lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa.

Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Phạm Văn Bắc nhấn mạnh, doanh nghiệp sản xuất VLXD cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất.

Về lâu dài, cần xây dựng hành lang pháp lý và hành lang kỹ thuật hướng đến phát triển, sản xuất VLXD sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản, tận dụng tối đa phế thải từ các ngành sản xuất khác; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; tạo ra các sản phẩm VLXD xanh, tính năng cao, thân thiện với môi trường, vòng đời dài, dễ tái chế, hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

TS. Tăng Văn Lâm - giảng viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, với mục tiêu giảm áp lực xử lý các loại chất thải công nghiệp, đặc biệt là tro bay, xỉ phế thải... của các nhà máy nhiệt điện, giảm thiểu ảnh hưởng của khói bụi trong quá trình sản xuất xi măng, cũng như góp phần giải quyết bài toán khan hiếm nguồn VLXD cho các công trình ở Việt Nam, thì việc nghiên cứu và phát triển các loại vật liệu xanh, trong đó có bê tông xanh là cần thiết.

Tuy nhiên, để thương mại hóa sản phẩm cần xây dựng lộ trình để từng bước đưa loại vật liệu này sử dụng trong các công trình xây dựng, ưu tiên dự án có nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Cần xây dựng đơn giá, định mức cho loại vật liệu bê tông xanh không xi măng, các sản phẩm gạch không nung từ loại VLXD mới này đi cùng chính sách giá để khuyến khích người dân sử dụng.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-hien-dai-hoa-nganh-vat-lieu-xay-dung-can-hanh-lang-phap-ly.html