Phát triển kinh tế nhờ hướng đi phù hợp

Chọn hướng đi phù hợp, làm giàu trên chính quê hương của mình, đó là cách những hội viên phụ nữ xã Quảng Phú (Quảng Điền) kiên trì, khẳng định bản thân mình trên con đường khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

 Cơ sở nghề làm sườn quạt của chị Hương đã giải quyết việc làm cho 10 lao động ở địa phương

Cơ sở nghề làm sườn quạt của chị Hương đã giải quyết việc làm cho 10 lao động ở địa phương

Cùng Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú ghé thăm mô hình làm nghề sườn quạt của gia đình chị Nguyễn Thị Hương, thôn Bao La Đức Nhuận khi các nhân công đang tất bật cùng những công đoạn thủ công.

Nói về cơ duyên chọn nghề làm sườn quạt để phát triển kinh tế của mình, chị Hương cho biết: Đã bôn ba khắp nơi, làm không ít nghề để phát triển kinh tế nhưng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, nên tôi vẫn luôn “đau đáu” tìm cho mình hướng phát triển kinh tế ổn định hơn. Sau nhiều suy nghĩ, tìm tòi, học nghề, tôi đã chọn gắn bó với làm nan quạt. Với lợi thế địa phương là làng nghề đan lát Bao La, nên những sản phẩm sườn quạt mà gia đình tôi và những người thợ của mình làm ra được thị trường đón nhận. Vì thế, mà mỗi ngày, xưởng làm sườn quạt của tôi tiêu thụ cả ngàn sản phẩm.

Sản phẩm được đón nhận, đồng nghĩa với mô hình được mở rộng, và cần thêm nhiều hội viên phụ nữ địa phương có được việc làm.

Đang cẩn thận chà giấy nhám cho từng sườn quạt, chị Nguyễn Thị Kim Loan (sinh năm 1998) cho biết: Làm xong một công đoạn của sản phẩm sườn quạt, chúng tôi có được 200 đồng, nếu chăm chỉ thì có ngày cũng làm được 100 sản phẩm, còn 70-80 sản phẩm là chuyện bình thường. Công việc đều, nên thu nhập hàng tháng của chị em chúng tôi cũng khá ổn định.

Vượt qua những khó khăn khi mới bén duyên với nghề, nay cơ sở sản xuất sườn quạt của chị Hương ngày càng được mở rộng, trang bị máy móc đầy đủ. Không chỉ mạnh dạn khởi nghiệp, có hướng phát triển kinh tế bền vững, làm giàu cho bản thân, cở sở của chị Hương còn tạo việc làm ổn định cho 10 nhân công là những hội viên phụ nữ địa phương.

Chị Phan Thị Thanh Hằng (sinh năm 1977), xã Quảng Phú, cách đây cả chục năm, chị lại lựa chọn bỏ nghề trồng mía đã gắn bó với gia đình một thời gian dài để đầu tư trồng nấm sò. Một mô hình kinh tế còn khá lạ đối với mảnh đất nông nghiệp Quảng Phú khi đó. “Nghề trồng nấm rất vất vả bởi để trồng ra được một cây nấm sò phải mất rất nhiều công đoạn và sức lực và vốn liếng đầu tư không hề nhỏ. Nhưng khi đã lựa chọn, tôi kiên quyết bám trụ. Nghề trồng nấm nếu làm đúng kỹ thuật, quy trình thì nấm cho năng suất rất cao, lợi nhuận khá. Nhưng để có được điều đó thì người trồng phải học hỏi thật kỹ quy trình, hơn hết phải kiên trì”, chị Hằng chia sẻ.

Để hạn chế tối đa thất bại, chị Hằng chú trọng khâu vệ sinh, nhất là công đoạn hấp mùn cưa để tiệt trùng mầm bệnh, giúp phôi sinh trưởng tốt, nấm đạt năng suất cao. Không những thế, hai trại nấm của chị Hằng luôn sạch sẽ, khô thoáng. Mặc dù giá nấm không cao như những năm trước, nhưng thị trường tiêu thụ mạnh nên chị Hằng luôn duy trì trồng mỗi năm 3-4 vụ, mỗi vụ hơn 10 ngàn bịch.

Cũng chính từ nghề trồng nấm sò, kinh tế gia đình chị Hằng ngày càng phát triển, với thu nhập trên 150 triệu/năm. Không những đã khởi nghiệp thành công, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động thời vụ ở địa phương, chị Hằng sẵn sàng truyền nghề, chia sẻ kinh nghiệm khi các hội viên phụ nữ nào có nhu cầu học hỏi.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Phú cho biết: Bằng những mô hình khác nhau, cách làm khác nhau, nhưng nhiều phụ nữ Quảng Phú đã chọn gắn bó, đi lên từ quê hương của mình. Và khi có được những thành quả nhất định, họ đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, vốn liếng cùng những hội viên khó khăn hơn, để cùng nhau vươn lên, làm giàu cho bản thân và quê hương. Hội LHPN địa phương cũng thông qua nhiều hình thức, giúp đỡ hội viên về vốn vay, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm...

Bài, ảnh: THẢO VY

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-nho-huong-di-phu-hop-140745.html