Phía sau những tấm mành rối nước

Đến hẹn lại lên, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, dưới mái thủy đình cong cong tại hồ Khuôn Muồi, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, từng con rối được 'thổi hồn', thoắt ẩn, thoắt hiện trên mặt nước, tái hiện lại những tích trò thú vị, hấp dẫn. Phía sau những màn múa rối nước sinh động, huyền ảo ấy là đôi bàn tay khéo léo của các diễn viên đến từ Đoàn nghệ thuật tỉnh Phú Thọ.

Tích trò “Vua Hùng kén rể”

Tích trò “Vua Hùng kén rể”

“Cỏ non xanh biếc tận trời/Gió đuổi mây hồng trên bầu trời cao/Trong ngần óng ánh giọt sương/ Áo yếm tươi thắm, se duyên chỉ hồng”... Khi những lời ca mượt mà, đằm thắm vang lên cũng là lúc những con rối trong tích trò “Vua Hùng kén rể” bắt đầu xuất hiện trên làn nước xanh biếc. Những con rối được làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được nghệ nhân đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật. Nào là Vua Hùng, Mị Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh... hay các con vật như chim hạc, chó, gà, voi... được khắc họa sinh động lướt trên mặt nước cùng lời ca, tiếng trống, mõ, tù và, chen tiếng pháo thăng thiên, pháo mở cờ... Trong ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo, tích trò “Vua Hùng kén rể” gắn liền với sự tích Sơn Tinh, Thủy Tinh đã được tái hiện với những khung cảnh sống động, đẹp mắt thu hút đông đảo khán giả đến thưởng thức.

Múa rối nước là một trong những loại hình sân khấu dân gian truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam, được ra đời từ nền văn hóa lúa nước. Loại hình nghệ thuật này được hình thành từ tâm tư, tình cảm của người dân lao động, tái hiện cuộc sống và ước mơ của người dân lao động, thể hiện trí tuệ, sự thông minh, sức sáng tạo của con người Việt Nam. Để có được những tiết mục hay phục vụ Lễ hội Đền Hùng năm nay, hơn 25 diễn viên của Đoàn nghệ thuật tỉnh đã kỳ công luyện tập và chuẩn bị đầy đủ từ quân rối, đạo cụ, kịch bản, sân khấu, âm thanh, ánh sáng... tất cả đều phải chu đáo đến từng chi tiết.

Những con rối nước được khắc họa sinh động, độc đáo

Những con rối nước được khắc họa sinh động, độc đáo

Chia sẻ về nghệ thuật múa rối nước, anh Nguyễn Thanh Dũng, diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Trong giờ biểu diễn, phía sau sân khấu luôn tất bật cảnh chuyển rối cũ lên và hạ rối mới xuống nước để đảo tiết mục. Chương trình phải chạy nối tiếp nhau để vở kịch được liền mạch và nội dung giữa các tiết mục có sự kết nối. Múa rối nước là một môn nghệ thuật truyền thống đòi hỏi sự khéo léo và tập trung cao độ, công việc của chúng tôi là đứng trong buồng trò để điều khiển con rối bằng sào, thừng, vợt... giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước để con rối chuyển động linh hoạt, nhịp nhàng. Khi điều khiển, diễn viên vừa phải có kỹ thuật vừa phải biết truyền tải cảm xúc vào con rối, có lúc vừa điều khiển vừa ngân nga hát theo điệu nhạc để cho con rối ăn khớp, có hồn như chính người thật”.

Các diễn viên rối nước trình diễn trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Thìn 2024

Các diễn viên rối nước trình diễn trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Thìn 2024

Nhớ lại những ngày đầu khi mới đứng sau những tấm mành trên sân khấu rối nước, chị Hà Thu Nga, diễn viên Đoàn nghệ thuật tỉnh vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc bỡ ngỡ, lo lắng khi lần đầu trình diễn. Qua quá trình luyện tập chăm chỉ, kiên trì, giờ đây chị Nga đã “nhập vai” khiến người và rối là một, hòa cùng từng tình tiết của vở rối. Từng có những lúc mệt nhoài sau khi luyện tập, thêm việc ngâm mình dưới nước, dù có đồ bảo hộ nhưng không tránh khỏi các chứng viêm họng, cảm lạnh, đau lưng hay nhức xương khớp... Thế nhưng những nụ cười và tràng pháo tay của khán giả là niềm hạnh phúc vô cùng to lớn với những diễn viên như chị Nga, tiếp thêm cho họ động lực để gắn bó với nghề, diễn thêm nhiều vở rối phong phú, đặc sắc.

Buổi biểu diễn múa rối nước thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức

Buổi biểu diễn múa rối nước thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức

Ông Nguyễn Duy Phượng - Trưởng Đoàn nghệ thuật tỉnh cho biết: “Năm nay là năm thứ năm Đoàn nghệ thuật tỉnh thực hiện chương trình múa rối nước trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, các buổi biểu diễn múa rối nước đã thể hiện sự tri ân công đức lớn lao của các bậc tiền nhân, đồng thời, tạo cơ hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh về vùng đất và con người Phú Thọ với du khách trong và ngoài nước, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.”

Đặc thù của múa rối nước là khán giả không biết mặt diễn viên mà chỉ nhìn thấy các con rối bằng gỗ hoạt động trên mặt nước. Các diễn viên luôn ẩn mình phía sau mành che sân khấu, dùng đôi bàn tay khéo léo, linh hoạt để kể chuyện qua những con rối vô tri. Với họ, gìn giữ nghệ thuật múa rối nước không chỉ đơn thuần là gìn giữ một bộ môn nghệ thuật dân gian mà còn thể hiện sự trân trọng nét văn hóa tốt đẹp, đậm đà bản sắc của cả một thời kỳ có ý nghĩa lịch sử to lớn của người Việt.

Thành An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phia-sau-nhung-tam-manh-roi-nuoc-210568.htm