Phim 'Trà' chiếu Tết: Lê Hoàng xử lý tiểu tam thế nào trong lùm xùm vụ ngoại tình?

Dịp Tết âm lịch năm 2024, đạo diễn Lê Hoàng tái xuất với bộ phim 'Trà' khai thác đề tài ngoại tình. Đã bảy năm không làm phim, liệu lần này đạo diễn Lê Hoàng có làm nên một thành công mới khi chọn một chủ đề quen thuộc?

Câu chuyện "trà xanh" thời thượng

Là người vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn, Lê Hoàng vẫn đeo đuổi dòng phim tâm lý xã hội vốn là một thế mạnh từ xưa của anh.

Đề tài ngoại tình không phải là một đề tài mới và việc đưa một diễn viên mới toanh, chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất là Đoàn Trinh vào đóng vai nữ chính cũng là một hành động mạo hiểm.

Thêm nữa, bối cảnh phim tập trung trong một không gian chính là ngôi biệt thự sang trọng, rộng lớn của một gia đình giàu có, cũng là cách mà Lê Hoàng tự làm khó bản thân mình. Bởi vì không gian phim càng ít, thì sự chú ý của khán giả càng tập trung nhiều vào diễn viên. Nhưng bộ phim "Trà" không có những diễn viên ngôi sao trẻ đẹp, cho nên Lê Hoàng trông cậy vào diễn xuất của diễn viên và đề tài người thứ ba để thu hút khán giả.

Lý giải cho việc mời Đoàn Trinh - một diễn viên không chuyên, mới toanh, vốn xuất thân là chuyên gia trang điểm vào vai nữ chính, Lê Hoàng lý giải: Anh cần một diễn viên phù hợp với nhân vật, không thể đẹp lộng lẫy, gợi cảm, sang chảnh mà phải hợp với vai một cô gái phục vụ trong quán karaoke ôm và đi làm giúp việc.

Nếu đến rạp xem một bộ phim về chủ đề ngoại tình, đa phần khán giả có lẽ mặc định sẵn về một câu chuyện bắt đầu theo mô típ gặp nhau – ngoại tình – vỡ lở, trong đó nhân vật tiểu tam thường được khắc họa theo kiểu phản diện.

Nhưng kịch bản phim "Trà" đảo lộn thứ tự khi mà nhân vật người chồng là giám đốc một công ty (Trương Minh Quốc Thái đóng) quyết định chia tay cô bồ nhí xinh xắn, trẻ trung sau khi chứng kiến bi kịch của gia đình một người bạn. Nhưng rồi một hôm ông chồng về nhà và chứng kiến cô bồ nhí đã chia tay của mình hiện diện trong tổ ấm với tư cách người giúp việc, được vợ (Việt Hương đóng) và cô con gái Kiki (Trần Hằng Nghi đóng) rất tin cậy. Mọi drama bắt đầu từ đó.

Bộ phim nói về ngoại tình nhưng không nặng về chỉ trích ngoại tình hay lên án nhân vật tiểu tam. Bộ phim đề cập và lý giải vì sao có chuyện ngoại tình và cách xử lý của mỗi nhân vật khi đối diện với chính mình và khi đối diện với nhau. Đằng sau tiếng cười là những nỗi đau và đằng sau mỗi gia đình hạnh phúc là những câu chuyện trong góc khuất mà người ngoài không dễ ai nhận thấy.

Bi kịch không chừa một ai

Trái với định kiến về một phim Tết phải vui vẻ và ngập tiếng cười, phim của đạo diễn Lê Hoàng có lẽ không phù hợp với những khán giả thích sự đơn giản, giải trí. Anh vẫn trung thành với phong cách làm phim đậm chất "hài hước đen" (black comedy) của mình với những câu thoại đậm tính chế giễu.

Lối viết kịch bản của Lê Hoàng giống như một diễn viên xiếc đi thăng bằng trên dây, lúc ngả về hướng thị trường bình dân, lúc nghiêng về hướng giễu nhại kiểu trí thức. Có lẽ chính vì lối viết kịch bản pha trộn "ngả nghiêng" như thế với những câu thoại ấn tượng, đắt giá đã trở thành "thương hiệu riêng" của Lê Hoàng và phim "Trà" là một cơ hội để anh thể hiện điều đó. Nhưng không phải khán giả nào cũng ưa chuộng lối đối thoại lắt léo như vậy.

Buổi ra mặt phim của Lê Hoàng.

Buổi ra mặt phim của Lê Hoàng.

Tuy nhiên, bộ phim "Trà" hứa hẹn có những câu sẽ trở thành trend như "Bồ kịch hấp dẫn hơn cưới xin vì bỏ bồ không phải ra tòa", "Không có già và trẻ, chỉ có yêu cho đến chết".

Hay những câu thoại mang tính hô ứng va đập vào nhau chan chát, kiểu như: "Ở Việt Nam, con gái lấy chồng gọi là sang sông, đúng không? - Đúng rồi! Ghê lắm! Đa số chết đuối".

Hay khi nói về thuốc "tăng lực" cho nam giới, anh lái xe dặn ông giám đốc: "Bồ uống một viên. Vợ phải uống hai". Cách dàn dựng bộ phim được chú trọng thủ pháp song hành, như là một cách giễu nhại theo kiểu hài hước đen. Khi nhân vật nam chính từ chối "làm nghĩa vụ giường chiếu" với vợ thì ông ta nói rằng ở tuổi chúng mình chỉ cần nắm tay nhau là đủ.

Ngay sau đó là cảnh ông ta xuống phòng cô bồ nhí và được cô bồ nhí thủ thỉ vào tai: "Có những lúc em chỉ muốn chúng mình nắm tay nhau là đủ". Thủ pháp này lặp lại khá nhiều trong phim cùng với những lời thoại lập lờ nước đôi, theo kiểu chỉ có nhân vật nói ra mới hiểu ẩn ý.

Chọn đề tài ngoại tình quen thuộc song đạo diễn Lê Hoàng làm mới nhân vật của mình bằng cách xây dựng tâm lý phức tạp, đa tính cách và thật sự không có nhân vật phản diện trong phim, trừ một vài vai phụ.

Nhân vật ông giám đốc chênh vênh giữa những lo toan công việc kinh doanh, với căn bệnh tim nhưng lại đa cảm, thích đèo bòng và nhiều lần cảm thấy tội lỗi vì hành vi ngoại tình của mình.

Trương Minh Quốc Thái đóng vai này không có đột phá nhưng khá tròn vai, tuy có đôi chỗ còn lạm dụng biểu cảm nét mặt. Nhân vật Tuyết vợ ông do Việt Hương đóng là một vai diễn đầy thú vị và nữ danh hài đã nhập vai rất duyên dáng.

Có thể nói một mình Việt Hương là cân cả bộ phim. Từ biểu cảm đến động tác, âm sắc giọng nói, cho đến những phân đoạn đều cho thấy chân dung một phụ nữ trung niên hồi xuân yêu chồng, thương con, tính cách có vẻ ngoài ồn ào, xốc nổi, phù phiếm, nhưng thật ra bên trong lại tinh nhạy và dứt khoát, biết xử lý khôn khéo để giữ hạnh phúc gia đình, dù vẫn cảm nhận được rằng hạnh phúc đó mong manh, hư ảo. Nhiều phụ nữ sẽ thấp thoáng thấy hình bóng của chính mình trong đó.

Lần đầu đóng phim, Đoàn Trinh không khớp trước những tên tuổi lớn. Cô diễn nhập vai một cô gái có tâm lý không đơn giản và tuy có một số cảnh diễn xuất còn non nớt nhưng vai Chích thật sự là một nỗ lực của cô. Trong phim cô cũng chịu những cảnh bị xô đẩy, tát trong thực tế, nhất là cảnh bị cha đẻ (Công Ninh đóng) đánh đập.

Khi xây dựng nhân vật Chích, đạo diễn Lê Hoàng muốn xây dựng một cô gái không chỉ đơn thuần tìm cách cặp kè với một người đàn ông giàu có để đổi đời, mà còn có những rung động thật sự với người đã vươn tay ra cứu vớt mình khỏi quãng đời làm gái bia ôm và cố níu kéo tình yêu đó.

Chích có những chỗ đáng giận, nhưng cũng có những chỗ đáng thương bởi như một lời thoại trong phim "Trà": "Con tim thì không theo lý lẽ". Cũng là lần đầu đóng phim, Trần Hằng Nghi trong vai cô con gái Kiki cũng đóng đạt vai một tiểu thư "miệng hùm gan sứa", tỏ ra rất biết cách ăn chơi thời thượng nhưng sâu thẳm bên trong vẫn là một cô gái tử tế, biết nhận ra lỗi lầm của mình.

Hạt sạn trong phim "Trà"

Phong cách làm phim "Trà" của Lê Hoàng không phù hợp với thị hiếu của một số khán giả. Nếu ai thích kiểu nhân vật có tính cách rõ ràng, một chiều hay kết thúc có hậu thì sẽ không thích phim "Trà".

Đoàn làm phim Trà ra mắt phim.

Đoàn làm phim Trà ra mắt phim.

Nhưng quan điểm của đạo diễn Lê Hoàng là logic của đời sống luôn không đơn giản và những số phận con người luôn không đơn giản.

Phim "Trà" của Lê Hoàng thông qua một câu chuyện ngoại tình để nói về những số phận và hoàn cảnh con người, mà bất cứ ai trong số chúng ta cũng đã từng chứng kiến, từng nghe nói đến, hay thấy quen quen.

Nhưng cũng chính vì thế mà bộ phim nhiều chỗ sa vào diễn giải dài dòng, trong khi một số tình tiết thì lại lướt qua nhanh, khiến cho người xem cảm thấy phim có những chỗ còn vô lý, tính cách của nhân vật chuyển biến quá nhanh.

Việc chỉ đạo diễn viên diễn xuất cũng nhiều chỗ bị quá tay, chẳng hạn như cho nhân vật Chích khóc quá nhiều, tạo cảm giác nặng nề cho phim.

Có những lúc bộ phim sa đà theo những góc máy quay, không tập trung vào hành động của nhân vật, làm cho cảm xúc khán giả không liền mạch. Một số cảnh không cần thiết phải dài đến như vậy, chẳng hạn như những cảnh nóng hay những cảnh Chích nhõng nhẽo, hẹn hò với ông bồ giám đốc, cảnh trong quán karaoke ôm, làm cho bộ phim có phần bị loãng, nhất là phần giữa phim, trong khi kết thúc lại quá nhanh và bất ngờ. Bộ phim có thể được cắt gọn lại một số phân đoạn mà không ảnh hưởng đến nội dung phim.

Với nội dung tâm lý xã hội về một đề tài nhạy cảm như ngoại tình, lại có khá nhiều cảnh nóng cùng với những màn phô diễn thân thể dễ khiến người xem đỏ mặt, những đối thoại va đập vào nhau chan chát, có vẻ như phim "Trà" là một thức uống lạ cho khán giả ngày Tết.

Trà thì không phải ai cũng thích uống, cũng như không phải ai cũng thích phim của Lê Hoàng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng có những người thích trà, thậm chí nghiện trà và tương tự là họ thích thú với kiểu làm phim của Lê Hoàng.

Với tác phẩm "Trà", đạo diễn Lê Hoàng thừa nhận rằng lần đầu tiên có phim chiếu vào dịp Tết và đây là một nỗ lực của anh để chứng tỏ rằng anh vẫn còn sáng tạo nghệ thuật, vẫn chưa hết thời.

Đạo diễn Lê Hoàng và diễn viên Đoàn Trinh.

Đạo diễn Lê Hoàng và diễn viên Đoàn Trinh.

Cuộc phỏng vấn nhanh với diễn viên Đoàn Trinh:

Vì sao chị nhận lời đóng phim "Trà" dù chưa từng đóng phim trước đó?

Tôi nghĩ đây là một cơ hội mới để thử thách bản thân mình. Tôi có thêm cơ hội được học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của các anh chị nghệ sĩ lớn và đó là điều vô cùng ý nghĩa trong đời mình, cũng là bước ngoặt để tôi có thể phát triển khả năng gì đó. Và đó cũng là một trải nghiệm, cơ hội vô cùng quý giá, nên tôi muốn thử sức và nhận lời mời đóng phim.

Chị học hỏi được gì khi đóng phim "Trà"?

Tôi học được rất nhiều từ đạo diễn Lê Hoàng và tất cả các cô chú, anh chị nghệ sĩ và toàn bộ ê-kíp đoàn làm phim. Vì tôi là người mới, kinh nghiệm chưa có nhiều. Ê-kíp làm việc rất chuyên nghiệp và nghiêm túc, luôn hướng dẫn và chỉ dạy tôi những chi tiết nhỏ nhất. Mọi người nâng đỡ tôi từng chút và cũng mất khá nhiều thời gian nên cũng rất áp lực, tôi nhận thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng tất cả các anh chị.

Đặc biệt tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc và biết ơn đến đạo diễn Lê Hoàng, anh Quốc Thái, chị Việt Hương và ê-kíp làm phim "Trà" đã luôn dìu dắt tôi trong từng phân cảnh khó để tôi có thể hoàn thành trọn vẹn vai diễn của mình.

Chị có nghĩ bộ phim này là một thành công không?

Tôi chưa biết điều gì sẽ xảy ra sắp tới, nhưng dù có thành công hay thất bại thì đó cũng là một trải nghiệm tuyệt vời tôi có được khi đóng phim cùng các anh chị nghệ sĩ.

Tôi mong rằng tất cả khán giả sẽ ủng hộ phim "Trà" và đón nhận tôi trong vai diễn này. Vì đây cũng là một bộ phim đầu tay của tôi, tôi còn rất nhiều thiếu sót, cần phải học tập và cố gắng phát triển bản thân mình nhiều hơn nữa để có thể trở thành một diễn viên chuyên nghiệp trong tương lai. Tôi rất cảm ơn và trân trọng những ý kiến của khán giả về phim này, dù là khen hay chê.

TS Hà Thanh Vân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phim-tra-chieu-tet-le-hoang-xu-ly-tieu-tam-the-nao-trong-lum-xum-vu-ngoai-tinh-192240211203314441.htm