PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ PHIÊN HỌP GÓP Ý NỘI DUNG VỀ ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH TRONG DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Chiều 23/8, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh về các nội dung liên quan đến đất quốc phòng, an ninh trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có các đồng chí Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đai diện Thường trực Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Về phía các Bộ, ngành có Thiếu tướng Lê Văn Tuyến – Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Phạm Trường Sơn – Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; đại diện ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Cần tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 132 để bổ sung, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Nêu một số nội dung Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh quan tâm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Trịnh Xuân An cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đã có những bổ sung, điều chỉnh liên quan đến đất quốc phòng, an ninh. Nhóm các quy định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh trong dự thảo Luật được tập trung vào các vấn đề lớn như: Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, chế độ đối với đất quốc phòng, an ninh…

Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy chế độ sử dụng của một số loại đất như đất quốc phòng, an ninh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế chưa phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật đất đai và các pháp luật khác như Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội (về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (đặc biệt là quy định liên quan đến thẩm quyền và trình tự, thủ tục)...

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An nêu một số nội dung Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh quan tâm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An nêu một số nội dung Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh quan tâm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tổng hợp ý kiến của Nhân dân cũng chỉ ra rằng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 để giải quyết các vướng mắc tồn đọng liên quan đến việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn. Tuy nhiên, thời gian thực hiện Nghị quyết bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (2 năm) nên còn nhiều nội dung chưa kịp triển khai, cần tiếp tục đưa vào dự thảo Luật để có thêm thời gian tiếp tục xử lý những tồn đọng.

Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị sớm tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 132 để có đủ cơ sở thực tiễn bổ sung cho quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Khoản 1, Điều 8 Nghị quyết 132 thì Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021 và hết hiệu lực khi Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 được sửa đổi và có hiệu lực thi hành. Như vậy, khi sửa đổi Luật Đất đai thì phải đồng thời tổng kết, đánh giá việc triển khai thí điểm, để từ đó có các kiến nghị, đề xuất cụ thể trong dự thảo Luật.

Các đồng chí Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự phiên họp.

Các đồng chí Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự phiên họp.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cho rằng, trường hợp chưa tổng kết được toàn diện các nội dung của Nghị quyết 132 thì cần tổ chức khảo sát, tham vấn, hội nghị chuyên sâu để đánh giá kỹ các vấn đề cần phải được luật hóa. Các quy định về đất quốc phòng, an ninh cần phải chặt chẽ, cụ thể, khả thi, tránh nhiều cách hiểu khác nhau trên cơ sở bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể là, “bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, không phát sinh vấn đề vướng mắc; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định để khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc nhưng có tính chất vi phạm. Không đưa vào Luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang còn tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể”.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc và đánh giá kỹ việc bổ sung mới Khoản 7 vào Điều 200 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về “Xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn”. Việc quy định trong Luật nội dung có tính chất “xử lý tình huống” và đang được thí điểm là không phù hợp và khó bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, khả thi. Cùng với đó, quy định “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an và tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất quốc phòng, an ninh rà soát, đánh giá hiệu quả về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, môi trường của dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày Nghị quyết số 132/2020/QH14 có hiệu lực thi hành; lập báo cáo rà soát và đề xuất phương án xử lý” là không rõ về nội dung, không mang tính quy phạm. Quy định “Đối với dự án, hợp đồng liên doanh liên kết sai phạm” là không cụ thể, chưa rõ tiêu chí thế nào là sai phạm...

Thiếu tướng Vũ Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và doanh trại - Bộ Công an báo cáo một số vấn đề liên quan đến đất an ninh trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thiếu tướng Vũ Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và doanh trại - Bộ Công an báo cáo một số vấn đề liên quan đến đất an ninh trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các đại biểu cũng đã góp ý về một số nội dung về: đất sử dụng đa mục đích; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…

Luật hóa nội dung của Nghị quyết 132 vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, liên quan đến đất đai thì Luật Đất đai là Luật gốc để điều chỉnh nhiều quan hệ pháp lý, chính trị xã hội. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu tất cả các Ủy ban theo chức năng, nhiệm vụ đều phải tham gia thẩm tra để gửi Ủy ban Kinh tế - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Nhấn mạnh đây là luật khó, có tầm quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, của Quốc hội đã phối hợp với Ban soạn thảo tổ chức góp ý, thẩm tra kỹ lưỡng, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và tổng hợp ý kiến của người dân liên quan đến các nội dung của dự thảo Luật.

Liên quan đến ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổng hợp, nghiên cứu, đặc biệt là nội dung về quỹ đất, quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổng hợp các ý kiến đã phát biểu để nêu rõ quan điểm của Ủy ban về các vấn đề có liên quan.

Về Nghị quyết số 132/2020/QH14, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần đánh giá thật kỹ để trên cơ sở tổng kết và kiến nghị của Chính phủ sẽ xem xét luật hóa nội dung nào của Nghị quyết này vào ngay dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên tinh thần bảo đảm yêu cầu phù hợp thực tế, thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật và không hợp thức hóa cái sai; đồng thời, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng kết luận phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng kết luận phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án quan trọng, nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn thể Nhân dân.

Liên quan đến các nội dung về đất quốc phòng, an ninh trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, với trách nhiệm của mình, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nghiên cứu, rà soát và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên tinh thần đảm bảo những quy định liên quan đến quốc phòng, an ninh trong dự thảo Luật chặt chẽ, thống nhất mục tiêu quản lý nhà nước về đất đai; đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, đảm bảo khả thi, tránh vướng mắc khi áp dụng luật./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng dự phiên họp.

Đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng dự phiên họp.

Thiếu tướng Phạm Trường Sơn – Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam phát biểu tại phiên họp.

Thiếu tướng Phạm Trường Sơn – Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam phát biểu tại phiên họp.

Đại tá Nguyễn Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng báo cáo tại phiên họp.

Đại tá Nguyễn Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng báo cáo tại phiên họp.

Tại phiên họp, đại diện một số đơn vị sử dụng đất quốc phòng, an ninh đã góp ý vào dự án Luật.

Tại phiên họp, đại diện một số đơn vị sử dụng đất quốc phòng, an ninh đã góp ý vào dự án Luật.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Đinh Ngọc Minh tiếp thu ý kiến của các đại biểu.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Đinh Ngọc Minh tiếp thu ý kiến của các đại biểu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách Vũ Tuấn Anh phát biểu tại phiên họp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách Vũ Tuấn Anh phát biểu tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=79226