Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Các địa phương cần tránh đầu tư dàn trải nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng 8-3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang-Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025 chủ trì phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo về tình hình triển khai các CTMTQG năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu UBND tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chủ trì phiên họp tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến

Theo báo cáo tại phiên họp, đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết liệt tổ chức thực hiện nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy tiến độ giao chi tiết kế hoạch vốn và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, năm 2023, trên cả nước có 6.370/8.167 xã (chiếm 78%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 270 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM (chiếm 42% đơn vị cấp huyện của cả nước).

Về kết quả thực hiện Chương trình OCOP, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức các đợt triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Đến hết tháng 12-2023, 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tăng 2.189 sản phẩm so với tháng 12-2202; có 5.724 chủ thể OCOP, trong đó có 37,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Kết quả thực hiện các dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 17,82%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn khoảng 33%. Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tính đến ngày 31-12-2023, trong số 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến 2025, có 7 nhóm mục tiêu có thể rà soát được kết quả bước đầu.

Về tình hình phân bổ, giao kế hoạch vốn, năm 2022, tổng kế hoạch vốn phân bổ là 34.049 tỷ đồng; các địa phương đã hoàn tất việc phân bổ, giao chi tiết vốn ngân sách trung ương cho các cấp trực thuộc để triển khai thực hiện. Năm 2023, đến nay đã có 42/48 địa phương được phân bổ vốn ngân sách trung ương đã phân bổ chi tiết 18.848,812 tỷ đồng, đạt 76,34%.

Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các CTMTQG năm 2023, kết quả giải ngân đến 31-12-2023 đạt 83%, tương đương 29.383 tỷ đồng…

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ các CTMTQG đề ra, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cụ thể.

Tại phiên họp, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện các CTMTQG năm 2023, 2 tháng đầu năm 2024. Đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn để triển khai thực hiện có hiệu quả các CTMTQG trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 của tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 của tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai.

Tham luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho hay: Năm 2023, tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG và đạt được kết quả giải ngân khá tích cực. Đối với vốn đầu tư phát triển, đến nay, Gia Lai đã thực hiện giải ngân 1.325 tỷ đồng/1.630,5 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đạt 81,27% kế hoạch (tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước là 83%). Đối với vốn sự nghiệp, đến nay, tỉnh đã thực hiện giải ngân 464,8 tỷ đồng/1.409,8 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đạt 32,97% kế hoạch (giải ngân bình quân cả nước là 36,3%). Kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2023 đã được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024. Tỉnh Gia Lai cam kết sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2024.

Theo đó, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương cho tỉnh Gia Lai là 1.235,285 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 817,827 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 417,458 tỷ đồng). Đến nay, HĐND tỉnh đã giao 100% kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư, địa phương chi tiết theo nội dung, dự án thành phần của từng CTMTQG. Đối với vốn đầu tư phát triển, đến nay đã giải ngân 14,1 tỷ đồng/967,8 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đạt 1,46%. Đối với vốn sự nghiệp, đến nay đã giải ngân 1,8 tỷ đồng/529,4 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đạt 0,35%. Tỉnh cam kết sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2024.

Để đạt được kết quả trên, tại phiên họp, tỉnh Gia Lai đã kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành 5 vấn đề gồm: Đề nghị Ủy ban Dân tộc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho các xã khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục được hưởng chính sách cho khu vực III sau khi có Quyết định hoàn thành xây dựng NTM.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành văn bản cho ý kiến về dự án xây dựng Trung tâm thu mua-cung ứng nông sản an toàn cấp huyện để địa phương căn cứ, triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn đúng quy định. Trường hợp không thể sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án này, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến bằng văn bản để tỉnh Gia Lai có cơ sở điều chỉnh sang dự án khác thuộc CTMTQG xây dựng NTM.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có hướng dẫn cụ thể về đối tượng được hưởng hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, nhất là đối với chủ thể có trụ sở chính đứng chân trên địa bàn phường, thị trấn nhưng cơ sở sản xuất, vùng nguyên liệu tại địa bàn nông thôn (xã) thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm xây dựng phần mềm kiểm tra, giám sát, đánh giá để thực hiện Tiểu dự án 3-Dự án 10.

Cùng với đó, tỉnh đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành văn bản quy định rõ nhóm đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”, bổ sung Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện thuộc đối tượng thụ hưởng nội dung về giáo dục nghề nghiệp tại Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt CTMTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025.

Các thành viên Ban Chỉ đạo các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 của tỉnh tham dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến

Các thành viên Ban Chỉ đạo các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 của tỉnh tham dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá việc triển khai các CTMTQG thời gian qua còn một số khó khăn, vướng mắc như một số văn bản còn chậm, có sự chồng chéo, một số văn bản chưa phù hợp với thực tiễn của một số địa phương.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn thực hiện cụ thể, rõ ràng hơn; tập trung triển khai lồng ghép thực hiện 3 CTMTQG; các bộ làm việc lại với nhau để thống nhất lại các nội dung cụ thể của từng chương trình. Các địa phương cần lưu tâm tránh đầu tư dàn trải nguồn vốn các dự án thuộc các CTMTQG; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các CTMTQ…

Các cơ quan liên quan của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục giám sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đẩy mạnh tuyên truyền, đề xuất những giải pháp từ cơ sở để Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp thu thực hiện chương trình có hiệu quả.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/pho-thu-tuong-tran-luu-quang-cac-dia-phuong-can-tranh-dau-tu-dan-trai-nguon-von-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post268711.html