Phòng chống lãng phí - Nóng trên, lạnh dưới - Bài 5: Giăng mắc thủ tục, quy định…

Tại tỉnh Bình Dương, nhiều công trình đầu tư công sau khi hoàn thành lại bỏ hoang, trong đó có bệnh viện, bến xe, nhà tang lễ... Tại địa phương này, nhiều công trình trụ sở cấp tỉnh sau khi di dời về trung tâm hành chính tập trung đến nay vẫn 'đắp chiếu'.

Bến xe xây xong “cửa đóng then cài”

Theo ghi nhận của phóng viên, để đáp ứng tiêu chí nâng cấp từ thị xã lên thành phố, thị xã Tân Uyên (nay là thành phố Tân Uyên) thuộc tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng Bến xe khách Tân Uyên với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng trên đường ĐT.746 thuộc địa bàn phường Uyên Hưng. Công trình đã hoàn thành từ giữa năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động. Bến xe đầy đủ các hạng mục gồm: nhà xe khách, văn phòng, nhà vệ sinh, cổng, nhà bảo vệ, đường nội bộ, ghế chờ...

Bệnh viện Chuyên khoa Tâm Thần bỏ hoang. Ảnh: H.C

Bệnh viện Chuyên khoa Tâm Thần bỏ hoang. Ảnh: H.C

Theo ông Đoàn Hồng Tươi - Chủ tịch UBND thành phố Tân Uyên, việc Bến xe khách Tân Uyên sau khi hoàn thành chưa thể sử dụng do vướng các thủ tục, quy định mới nên phải hoàn thiện lại và không còn cách nào khác.

Lãnh đạo chính quyền thành phố Tân Uyên cho biết, tháng 8/2022, địa phương đã làm tờ trình xin chủ trương thành lập bến xe khách Tân Uyên là đơn vị sự nghiệp công lập và được Ban Thường vụ Thành ủy chấp thuận. Cuối năm 2022, UBND thành phố Tân Uyên tiếp tục xin ý kiến các sở, ban ngành của tỉnh để thành lập đơn vị sự nghiệp công lập Bến xe khách Tân Uyên. Đến tháng 8/2023, Bộ Giao thông vận tải mới có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về quản lý hoạt động bến xe khách. Theo hướng dẫn này, đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác bến xe khách là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

 Bến xe Tân Uyên. Ảnh: H.C

Bến xe Tân Uyên. Ảnh: H.C

Hiện nay, Xí nghiệp công trình công cộng thành phố Tân Uyên đang làm các thủ tục để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Khi hoàn thành thủ tục chuyển đổi, doanh nghiệp này mới đủ điều kiện quản lý, khai thác, vận hành Bến xe khách Tân Uyên.

Ông Trần Văn Sơn (người dân ngụ phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên) cho biết, kể từ khi hoàn thành, Bến xe khách Tân Uyên chưa có một xe khách nào đến đây. “Tôi chỉ thấy có một chiếc xe buýt thỉnh thoảng tới đậu. Trong bến không có nhân viên, cổng luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài” - ông Sơn nói.

Bệnh viện, nhà tang lễ… bỏ hoang

Tại phường Phú Chánh (thành phố Tân Uyên), từ năm 2013, tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần, quy mô 300 giường bệnh với vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng. Công trình hoàn thành vào năm 2018 nhưng đến năm 2020 mới được bàn giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương quản lý song nhiều năm nay chưa đưa vào sử dụng.

Nhà tang lễ Thủ Dầu Một. Ảnh: H.C

Nhà tang lễ Thủ Dầu Một. Ảnh: H.C

Trước đó, vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh (năm 2021), tỉnh Bình Dương cho trưng dụng công trình Bệnh viện Chuyên khoa Tâm Thần làm khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đầu năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, công trình bệnh viện này không còn làm nơi điều trị bệnh nhân COVID-19. Từ đó đến nay, bệnh viện này bỏ hoang, cả cổng chính và hai cổng phụ đều “cửa đóng then cài”.

Giữa năm 2023, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Huỳnh Minh Chính làm trưởng đoàn tiến hành khảo sát và dự kiến xin chuyển đổi công năng cơ sở vật chất của Bệnh viện Chuyên khoa Tâm Thần làm nơi thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương. Việc chuyển đổi công năng đến nay chưa có phương án cụ thể và phải chờ di dời Bệnh viện Đa khoa Bình Dương đến cơ sở mới (đang xây dựng) mới có hướng xử lý tiếp theo.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm Thần cho thấy, do bỏ hoang nhiều năm, nhiều hạng mục đã xuống cấp. Bên trong công trình, hệ thống máy lạnh, trần nhà, cửa kính, tường, khu vực thang máy… hư hỏng nhiều. Trong khi đó, khu vực khuôn viên bệnh viện cỏ dại mọc um tùm, phân bò vương vãi đầy sân.

Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Thủ Dầu Một cho biết, địa phương đã thống kê được 96 vị trí đất công để chuyển đổi công năng với tổng diện tích khoảng 171 ha. Thành phố Thủ Dầu Một đã đề xuất với tỉnh dùng 21 vị trí (khoảng 69,75 ha) để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục. Bố trí 14 vị trí (12,1 ha) để phát triển công viên cây xanh kết hợp bãi đỗ xe. Giữ nguyên hiện trạng cơ sở vật chất để tái sử dụng 20 vị trí (26,23 ha); bán đấu giá 22 vị trí (7,84 ha); 10 vị trí (44,25 ha) dành phát triển nhà ở.

Nói về số phận của công trình bệnh viện kể trên, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi Bệnh viện 1.500 giường Bình Dương (cơ sở mới tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, đang xây dựng gần hoàn thiện) đưa vào hoạt động sẽ di dời các khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa Bình Dương cũ về nơi mới. Dự kiến, chuyên khoa Tâm Thần của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương sẽ được di dời vào Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần.

Một công trình đầu tư công khác tại tỉnh Bình Dương sau khi hoàn thành đã không phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Theo đó, để đáp ứng tiêu chí đô thị loại 1, vào năm 2017, Bình Dương đã chi hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng Nhà tang lễ Thủ Dầu Một tại khu phố 5 (phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một). Công trình được xây dựng trên tổng diện tích hơn 13.700m2 nhằm góp phần thay đổi tập quán tổ chức tang lễ của nhân dân trên địa bàn, giúp người dân tiếp cận với hình thức tổ chức tang lễ văn minh hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đến nay, công trình vẫn chưa một lần được đưa vào tổ chức tang lễ.

Theo bà Nguyễn Thu Cúc - Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một, công trình nhà tang lễ được giao cho Trung tâm Văn hóa thành phố quản lý, vận hành và vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, do người dân không có nhu cầu sử dụng dịch vụ nên chưa có tang lễ nào tổ chức tại đây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thủ Dầu Một cho biết, trung tâm đang phối hợp với các đơn vị để hoàn thiện Đề án “Sử dụng nhà tang lễ Thủ Dầu Một vào mục đích liên doanh, liên kết”. Dự kiến, đề án sẽ hoàn thành trong quý II/2024. Sau khi hoàn thiện sẽ có phương án vận hành và sẽ tuyên truyền cho người dân 14 phường trong thành phố biết để liên lạc khi nhà có tang gia.

Không chỉ các công trình đầu tư công xây dựng xong “cửa đóng then cài”, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều trụ sở hành chính của đơn vị cấp tỉnh bỏ trống. Khoảng từ năm 2014, Bình Dương đã di dời các cơ quan vào tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh tập trung. Có hơn 60 cơ quan, đơn vị đã di dời vào tòa nhà và khu vực thành phố mới Bình Dương. Một số trụ sở cũ sau đó được giao lại cho các đơn vị sự nghiệp sử dụng, còn lại để hoang, tập trung hầu hết trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một.

HƯƠNG CHI

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phong-chong-lang-phi-nong-tren-lanh-duoi-bai-5-giang-mac-thu-tuc-quy-dinh-post1637802.tpo