Phỏng vấn trọng tài
PV: Thưa ông, vai trò to lớn nhất của trọng tài trong bóng đá trên sân cỏ có phải là để trận đấu được diễn ra công bằng không ạ?
Trọng tài: Nói vậy cũng đúng, nhưng rộng lớn hơn và ý nghĩa hơn, nhiệm vụ của trọng tài là giữ cho bóng đá có văn hóa.
PV: Văn hóa?
Trọng tài: Đúng vậy. Tôi có thể rút thẻ khi các cầu thủ bạo lực, khi cầu thủ có ngôn ngữ hoặc cử chỉ không xứng đáng, hay thái độ thiếu tôn trọng mọi người, phản lại các giá trị ứng xử.
PV: Vậy trong cuộc đời ông, điều gì đã từng hối tiếc nhất, và xảy ra lúc nào?
Trọng tài: Đó là gần đây thôi, khi ngồi theo dõi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Indonesia trên sân Mỹ Đình, tôi vô cùng bức xúc, và ước gì có thể rút ra nhiều thẻ đỏ cho một số khán giả.
PV: Kìa, thẻ đỏ cho khán giả ư?
Trọng tài: Đúng thế. Vì một hành động vô cùng phản cảm. Đó là giương lên biểu ngữ có chân dung huấn luyện viên người Pháp Troussier nhái theo biểu tượng đầu lâu xương chéo.
PV: Quá khủng khiếp.
Trọng tài: Chính xác. Quá khủng khiếp. Là một con người suốt đời theo dõi bóng đá toàn thế giới, tôi chưa hề thấy ở đâu, bất cứ quốc gia nào trên trái đất này, ở bất cứ trận đấu nào, khán giả có hành động kiểu như vậy.
PV: Đúng. Tôi cũng công nhận điều đó.
Trọng tài: Thể thao chỉ xứng đáng với tên gọi của nó khi đi cùng văn hóa. Thể thao không có văn hóa chỉ là các cuộc tranh chấp man rợ. Đó là điều tôi không bao giờ nghi ngờ.
PV: Tôi cũng thế.
Trọng tài: Một huấn luyện viên có thể sai lầm. Và trong thực tế, rất nhiều người đã sai lầm, kể cả những huấn luyện viên từng vô địch thế giới. Nhưng điều ấy đâu có ảnh hưởng đến đạo đức của họ. Đâu có thể vì thế mà hạ nhục người ta.
PV: Có thể biện minh rằng phút đó, vài khán giả quá nóng.
Trọng tài: Vài khán giả quá nóng thì hiểu được. Nhưng tại sao ống kính truyền hình lại đặc tả vào biểu ngữ đó, để cho hàng triệu người xem trực tiếp phải nhìn thấy? Theo tôi phải kỷ luật người đạo diễn truyền hình hôm ấy.
PV: Đúng thế.
Trọng tài: Nếu các bạn coi nhiều trận đấu quốc tế, các bạn sẽ thấy ống kính truyền hình, tuy trực tiếp và có hàng chục máy quay khắp ngõ ngách trên sân, bám sát từng giây từng phút một mọi diễn biến, cũng không bao giờ đưa lên hình một hành vi phản cảm hay một cảnh cầu thủ bị chấn thương đang cấp cứu.
PV: Đạo diễn truyền hình luôn luôn phải có tính thẩm mỹ, tính nhân văn và trách nhiệm trong việc đưa cái gì cho hàng triệu khán giả coi. Thử tưởng tượng khán giả Indonesia nhìn thấy tấm biểu ngữ kia trên sân sẽ nghĩ về người hâm mộ Việt Nam thế nào?
Trọng tài: Rõ ràng. Ví dụ như không thiếu gì những trận đấu ở Châu Âu, có khán giả khỏa thân chạy xuống sân, nhưng đừng mong được ống kính nào đưa lên. Sẽ không bao giờ có.
PV: Hãy trở lại thái độ về ông huấn luyện viên Troussier.
Trọng tài: Rõ ràng ông ấy ra khỏi Việt Nam với một tâm trạng cay đắng nhiều mặt.
Là một nhà chuyên môn, sự thất bại của ông trong chiến thuật chắc chắn ông đã nhận thức được đầy đủ, khỏi cần chúng ta phân tích.
Nhưng về tình cảm với đất nước Việt Nam, chắc chắn ông đã bị tổn thương. Ông cảm thấy nhiều khán giả không hề cao thượng, không hề hiếu khách và không hề văn hóa như mình tưởng.
PV: Một thái độ cay cú và tàn nhẫn đã có lúc bao trùm trên sân.
Trọng tài: Vâng. Đấy là chưa kể, chả có thất bại nào trong bóng đá mà hoàn toàn chỉ lỗi ở huấn luyện viên. Nhưng rất nhiều người đã quên hoặc cố tính quên điều này.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-trong-tai-i728201/