Phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội: Chậm giải quyết đơn của công dân?

Ngay từ đầu năm 2023, UBND TP Hà Nội đã đưa ra chủ đề xuyên suốt của năm 2023 là: 'Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển', nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, điều hành theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp… Nhưng tại UBND phường Yên Phụ, câu chuyện chậm giải quyết đơn của người dân lại đang có dấu hiệu đi ngược với chỉ đạo của UBND TP.

Công trình xây dựng của bà Trịnh Thị Phương Loan đang tạm dừng thi công. Ảnh: N.S.

Công trình xây dựng của bà Trịnh Thị Phương Loan đang tạm dừng thi công. Ảnh: N.S.

Không thực hiện cam kết?

Theo Giấy chứng nhận QSD đất được Sở TN&MT Hà Nội cấp cho bà Trịnh Thị Phương Loan thể hiện tại số 14 đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội bà Loan có 2 thửa đất. Thửa thứ nhất thuộc thửa số 22+23, tờ bản đồ số 105, diện tích 48,0m2. Thửa đất thứ hai là thửa số 25, tờ bản đồ số 104, diện tích 49,2m2.

Ngày 24/4/2023, bà Loan được UBND quận Tây Hồ cấp Giấy phép xây dựng số 130/GPXD. Trước khi tiến hành xây dựng công trình trên hai thửa đất nói trên, bà Loan có làm đơn đề nghị UBND phường Yên Phụ kiểm tra hiện trạng đất. Ngày 27/4/2023, UBND phường Yên Phụ đã cử công chức tư pháp, công chức địa chính, đại diện tổ quản lý Trật tự xây dựng- Đô thị và Tổ dân phố số 1 xuống nhà bà Loan thực hiện xác minh, đo vẽ hiện trạng.

Biên bản và bản vẽ sơ đồ hiện trạng thể hiện, giữa hai thửa đất của gia đình bà Trịnh Thị Phương Loan có tồn tại khe đất rộng 61cm. Khe đất này có chiều dài chạy vào phía trong, là diện tích sử dụng để phục vụ việc thoát nước mưa, lấy ánh sáng… của gia đình bà Loan và các hộ dân khác gồm hộ ông Doãn Văn Tĩnh, Nguyễn Thị Vân và Kiều Thu Hiên.

Trước khi tiến hành xây dựng trên cả hai thửa đất nói trên, ngày 13/5/2023, giữa bà Loan và các hộ dân có làm Biên bản cam kết gồm nhiều nội dung, trong đó có nội dung thứ 3 và 6 đề cập đến khe đất hở 62cm (phía UBND phường đo, vẽ là 61cm- PV) gia đình bà Loan có trách nhiệm giữ nguyên khe này, không để quá trình xây dựng làm mất dấu tích.

Tuy nhiên, theo các hộ dân, thời điểm tháng 6, quá trình xây dựng công trình trên thửa đất số 25, tờ bản đồ số 104, bà Loan đã đổ móng lấn vào phần khe đất với chiều rộng 30cm, chiều dài chạy hết phần ngang thửa đất. Ngày 5/6, các hộ dân đã có đơn kiến nghị gửi tới UBND phường Yên Phụ. Ngày 7/6, UBND phường Yên Phụ cử công chức địa chính, tư pháp, cán bộ Tổ quản lý Trật tự xây dựng- Đô thị và Tổ trưởng TDP số 1 xuống hiện trường. Điều khó hiểu là Biên bản kiểm tra và đo vẽ của tổ công tác lại không thể hiện việc bà Loan lấn vào phần đất khe thoáng 62cm, không yêu cầu bà Loan tạm dừng thi công công trình.

Đây chính là lý do bà Loan tiếp tục thi công, về phía các hộ dân từ chỗ gửi đơn kiến nghị vào các ngày 5, 8/6 đã chuyển thành đơn tố cáo vào 21/6, 4/7…

Vẫn chờ…

Theo các điều 26, 27 và 28, Luật Tiếp công dân năm 2013, ở sự việc này thẩm quyền xử lý đơn kiến nghị và đơn tố cáo ban đầu của công dân đều thuộc trách nhiệm của UBND phường Yên Phụ. Điều 28 nói rõ: “Trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một trong các nội dung sau: khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Việc xem xét khiếu nại, tố cáo để thụ lý cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm…; Từ chối thụ lý khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền…”.

Như vậy, theo viện dẫn trên, UBND phường Yên Phụ không hề có hồi âm tới người viết đơn kiến nghị, tố cáo cho dù đã quá thời hạn trả lời nhiều ngày. Một sự việc tưởng đơn giản lại hóa phức tạp, khiến công dân bức xúc gửi đơn nhiều lần.

Ngày 12/7, làm việc với PV, ông Nguyễn Đức Hào, Tổ Quản lý TTXD-ĐT phường Yên Phụ cho biết công trình nhà bà Loan hiện đã tạm dừng thi công. Lý do, bà Loan đang làm thủ tục gửi quận xin điều chỉnh lại bản vẽ. Diện tích người dân tố cáo bà Loan xây lấn vào khoảng không 62cm vẫn đang nằm trong “sổ đỏ” của gia đình. Ngạc nhiên hơn khi ông Hào cho rằng, hai thửa đất đứng tên bà Loan là đất giáp ranh?. PV hỏi căn cứ vào đâu để ông Hào đưa ra thông tin trên thì ông này cho rằng mình cũng chỉ nghe cán bộ địa chính nói, bản thân cũng chưa tiếp cận tài liệu.

Sau khi tiếp nhận nội dung làm việc của chúng tôi, ông Phạm Thành Trung, Phó chủ tịch UBND phường cho biết phường đang hoàn thiện báo cáo gửi UBND quận, chiều cùng ngày sẽ cung cấp cho PV. Nhưng cho đến ngày hôm sau chúng tôi liên hệ lại vẫn không thấy hồi âm từ vị lãnh đạo phường này.

Công dân gửi đơn, UBND vẫn chưa trả lời dù đã quá thời hạn nhiều ngày. Công trình xây dựng có dấu hiệu không đúng với giấy phép xây dựng nhưng là do chủ công trình tự dừng để làm thủ tục điều chỉnh bản vẽ chứ không phải do UBND phường hay Tổ Quản lý TTXD-ĐT phường ra văn bản yêu cầu tạm dừng theo luật định.

Ngay từ đầu năm 2023, UBND TP Hà Nội đã đưa ra chủ đề xuyên suốt của năm 2023 là: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Một trong những nội dung chính là tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, điều hành theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Tuy nhiên, câu chuyện “ngâm đơn” công dân, không giải quyết sự việc theo quy định của pháp luật tại UBND phường Yên Phụ đang có dấu hiệu đi ngược lại chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

Phó GĐ Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng cho biết, năm 2023 Sở tiếp tục tham mưu kiểm tra công vụ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc TP tập trung vào các nội dung: Việc thực hiện quy định về tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn thư của cơ quan, đơn vị; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phuong-yen-phu-tay-ho-ha-noi-cham-giai-quyet-don-cua-cong-dan-344210.html