Quan điểm của các nhà kinh tế Malaysia về phi USD hóa

Các nhà kinh tế Malaysia cho biết, các hiệp định song phương và khu vực là điểm khởi đầu tốt nhất để Malaysia và các nước đang phát triển khác theo đuổi quá trình phi USD hóa.

Đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Bằng cách thực hiện các giao dịch không sử dụng USD, các nền kinh tế đang phát triển có thể tránh được rủi ro phát sinh từ việc phụ thuộc quá nhiều vào đồng bạc xanh.

Các nhà kinh tế cũng lưu ý rằng động lực phi USD hóa đang ngày càng lớn hơn khi đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh so với các đồng tiền khu vực trong một thời gian ngắn, dẫn đến tác động kinh tế vĩ mô bất lợi đối với hầu hết các nền kinh tế.

Trao đổi với báo giới về tình trạng khó khăn này và các cuộc luận chiến ngày càng tăng về phi USD hóa, nhà kinh tế học - Tiến sĩ Nungsari Ahmad Radhi cho rằng, việc phi USD hóa có thể thực hiện được thông qua các thỏa thuận song phương và khu vực. Ví dụ, nếu một nhà sản xuất dầu xuất khẩu sang một nước tiêu thụ, nước này lại xuất khẩu các sản phẩm khác sang nước sản xuất dầu, thì thương mại song phương không cần dùng đến USD. Họ cũng có thể giao dịch bằng tiền tệ của nhau hoặc bất kỳ loại tiền tệ nào khác mà họ đã thỏa thuận, không nhất thiết phải là USD. Đó là lý do tại sao các thỏa thuận song phương là điểm khởi đầu.

Tuy nhiên, hiện nay USD vẫn thống trị bởi Mỹ là cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới và đồng bạc xanh được coi là đồng tiền trú ẩn an toàn. Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Geoffrey Williams, Trưởng khoa nghiên cứu sau đại học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia, thừa nhận rằng nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào USD không phải là mới và đã xảy ra trong quá khứ. Ông nói thêm, hiện tại, tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn khi ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đặt câu hỏi về vai trò của USD và hệ thống thanh toán Mỹ/Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc luận chiến về USD hóa, ông Nungsari cảnh báo các nền kinh tế thương mại nhỏ như Malaysia nên giữ thái độ trung lập trong khi luôn hành động khéo léo để bảo vệ lợi ích của chính họ.

Chia sẻ suy nghĩ của mình về đa dạng hóa tiền tệ và giảm quyền tự chủ của đồng USD, ông cho biết điều đó có thể dẫn đến quan hệ song phương mạnh mẽ hơn.

Lấy một ví dụ về việc gia tăng các giao dịch phi USD hóa trên toàn cầu, Cao ủy Ấn Độ tại Malaysia hồi đầu tháng này cho biết thương mại giữa Ấn Độ và Malaysia hiện có thể được thanh toán bằng đồng rupee Ấn Độ. Điều này bổ sung cho các phương thức thanh toán hiện tại bằng các loại tiền tệ khác, sau quyết định của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, ngân hàng trung ương) vào tháng 7/2022 cho phép thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng rupee.

Sáng kiến này nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của thương mại toàn cầu và hỗ trợ lợi ích của cộng đồng thương mại toàn cầu bằng đồng rupee.

*Thanh toán bằng ngoại tệ khác

Thanh toán bằng các loại ngoại tệ khác cũng phù hợp với chính sách ngoại hối của Malaysia (FEP). Các ngân hàng Malaysia được phép thực hiện thanh toán thương mại quốc tế cho hàng hóa hoặc dịch vụ bằng bất kỳ loại ngoại tệ nào, tuân theo các quy tắc và quy định của Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM).

Các cuộc tranh luận về phi USD hóa chủ yếu do sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế vẫn tiếp diễn. Trong bối cảnh đồng USD là đồng tiền được lựa chọn trong giao dịch quốc tế, các nước đang phát triển bao gồm Malaysia đang phải vật lộn để giảm tác động của lạm phát nhập khẩu do đồng bạc xanh tăng giá mạnh. Điều đó cũng làm xấu đi khả năng phục hồi của các quốc gia sau đại dịch COVID-19. Đồng ringgit đã mất giá 8,43% so với đồng USD trong hơn ba năm qua.

Tình hình đặc biệt trầm trọng đối với các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào nhập khẩu và có tỷ trọng hàng nhập khẩu bằng USD lớn. Về cơ bản, hàng nhập khẩu đã trở nên đắt hơn do đồng bạc xanh tăng giá.

*Hiệu ứng BRICS

Động thái của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) nhằm thiết lập một đồng tiền dự trữ mới để phục vụ tốt hơn cho lợi ích kinh tế của họ, đã thúc đẩy ý tưởng phi USD hóa. Hầu hết các giao dịch chuyển tiền và bảo mật quốc tế đều thực hiện bằng hệ thống của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) và bởi vì mỗi ngân hàng có mã riêng nên SWIFT có thể xác định các ngân hàng cụ thể trên toàn thế giới khi gửi tiền quốc tế.

Trong một cuộc thảo luận về phi USD hóa, nhà phân tích kinh tế của Trường Kinh doanh Putra, Tiến sĩ Ahmed Razman Abdul Latiff cho biết khái niệm phi USD hóa phải đi kèm với việc giảm sự phụ thuộc vào mã SWIFT để chuyển tiền. Đó là chiến lược giảm phụ thuộc vào USD làm phương tiện trao đổi trong giao dịch toàn cầu cũng như phụ thuộc vào mã SWIFT để chuyển tiền. Hiện tại chỉ có một quốc gia kiểm soát cả hai cơ chế và về mặt địa chính trị, Mỹ đang ngày càng xung đột với Nga và Trung Quốc, vốn là một phần của khối kinh tế BRICS.

Ông Williams cho biết: "Các thỏa thuận mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy có những thay đổi trong các thỏa thuận kinh tế toàn cầu không nhất thiết phải dựa vào Mỹ hoặc các nền kinh tế phát triển khác như EU".

Cả ông Nungsari và ông Williams đều đồng ý rằng, có những thách thức đối với quá trình phi USD hóa, trong số đó có thực tế là nền kinh tế Mỹ vẫn là một nền kinh tế lớn. Mặc dù Trung Quốc có thể đã vượt Mỹ về sức mua tương đương, nhưng xét về Tổng sản phẩm quốc nội thực tế, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Ông Nungsari nói thêm, do đồng nhân dân tệ (NDT) không phải là một loại tiền tệ thả nổi hoàn toàn và thị trường vốn của Trung Quốc vẫn được kiểm soát, đồng USD cho đến nay là đồng tiền dự trữ được ưa thích và được nhiều nền kinh tế nắm giữ.

Ông Williams lập luận, việc chuyển sang các loại tiền tệ khác trong thương mại và đầu tư là khả thi nhưng có nhiều rủi ro hơn đối với biến động tỷ giá hối đoái và các vấn đề về thanh khoản. Vì vậy, trên thực tế, quá trình này nên là một bước chuyển sang nhiều đồng nội tệ của những nước khác chứ không chỉ có một đồng tiền./.

Hằng Linh (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quan-diem-cua-cac-nha-kinh-te-malaysia-ve-phi-usd-hoa/289663.html