Quản lý các hoạt động thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Càng quản càng rối

Sau khi vụ việc phát hiện thi sai nhưng vẫn công nhận giá trị của những văn bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, nhiều người đặt câu hỏi liệu việc siết chặt quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực chất vì mục đích gì, có tác dụng gì trong việc đảm bảo chất lượng của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Phát hiện sai phạm vẫn công nhận văn bằng

Mới đây, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố kết luận thanh tra liên quan đến việc thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Cụ thể, thanh tra Bộ này chỉ ra, Công ty TNHH Giáo dục IDP (Công ty IDP) Việt Nam từ 1/1/2022 đến 16/11/2022 chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài nhưng đã liên kết tổ chức thi hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam.

Ngày 1/1/2022 đến ngày 9/9/2022, khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt liên kết tổ chức thi, Hội đồng Anh đã thực hiện liên kết tổ chức thi và cấp 76.216 chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS. Trong giai đoạn từ ngày 10/9/2022 đến trước ngày được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh, Hội đồng Anh tiếp tục liên kết tổ chức thi cấp 14.265 chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS. Tổng số chứng chỉ là gần 90.500 chứng chỉ.

Hiện nay, nhiều trường đại học tuyển sinh ưu tiên chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Ảnh: Đại học Quốc Gia Hà Nội

Sau khi Thanh tra Bộ chỉ ra sai phạm, Bộ GD&ĐT khẳng định, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ. Điều này có nghĩa, các chứng chỉ thi chui trên được Bộ GD&ĐT thừa nhận ở Việt Nam.

Chính mâu thuẫn này đã gây nên tranh luận lớn trong dư luận, không ít câu hỏi đặt ra liệu việc này có uẩn khúc gì chăng? Việc quản lý theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như vậy” có hợp lý. Anh Đào Xuân Hà ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, nếu đã phát hiện sai thì cần phải xử lý, quan điểm là lấy sự nghiêm minh của pháp luật, đề cao liêm chính trong thi cử, cấp văn bằng, tránh nhân nhượng dẫn đến nhờn luật.

Xung quanh việc này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng. Theo quan điểm của ông Trần Xuân Nhĩ, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm quản lý về việc này. Bộ GD&ĐT nếu đã chỉ ra được thiếu sót, thiếu tính trung thực, thiếu tính chính xác của một chứng chỉ thì làm sao công nhận được. “Việc công nhận hay không công nhận các chứng chỉ quốc tế này là quyền của GD&ĐT” – ông Trần Xuân Nhĩ nêu.

Cũng theo ông Trần Xuân Nhĩ, khi đã chỉ ra được thiếu sót thì hoàn toàn có thể xử lý việc đó. “Một mặt anh đã chỉ ra sai, một mặt lại công nhận cái người ta làm sai, như vậy là không được” – ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh. Chuyên gia này còn cho rằng, việc học hành thi cử tiêu cực không đúng thì cần phải “thổi còi”. Ý tưởng dùng chứng chỉ IELTS để thay việc thi cử cần được ủng hộ nhưng chứng chỉ đó cần phải chính xác, đúng đắn. Còn chứng chỉ mà sai sót thì không thể thay thế được.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT lại cho rằng, việc Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ ra sai phạm nhưng vẫn công nhận các văn bằng không có gì mâu thuẫn. Bây giờ cấp phép cho một đơn vị kinh doanh quần áo nhưng người mua được hai hôm thấy quần áo nó hỏng, thế có được nói đơn vị cấp phép kinh doanh có vấn đề gì không? Việc các đơn vị vi phạm khi chưa được cấp phép thanh tra đã chỉ ra rồi. Lĩnh vực công nhận chứng chỉ Bộ cũng đã có thông báo. Hiện, Bộ GD&ĐT đang đứng về phía người có chứng chỉ nên mới đưa ra ý kiến như vậy.

Càng quản càng rối

Sau khi vụ việc phát hiện thi sai nhưng vẫn công nhận giá trị của những văn bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, nhiều người đặt câu hỏi liệu việc siết chặt quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực chất vì mục đích gì, có tác dụng gì trong việc đảm bảo chất lượng của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Phía Công ty TNHH Giáo dục IDP (Công ty IDP) Việt Nam sau khi nhận kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chính thức phát đi thông báo thông tin về việc hơn 56.000 chứng chỉ IELTS do tổ chức này cấp ở Việt Nam năm 2022 bị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận là trái phép. “IELTS là bài kiểm tra ngôn ngữ có giá trị cao và đáng tin cậy nhất trên thế giới. Chúng tôi biết rằng vấn đề về tính hợp lệ của chứng chỉ IELTS trong năm 2022 đang thu hút sự quan tâm của truyền thông cũng như các thí sinh. Chúng tôi xin khẳng định các chứng chỉ được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận”.

Việc cấp phép thi cử các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được thực hiện từ năm 2022.

Liên quan đến Công ty TNHH British Council Việt Nam đã cấp sai phép hơn 90.000 chứng chỉ, trong đó có hơn 52.500 chứng chỉ IELTS, Hội đồng Anh cũng đưa ra khẳng định: “Hai kỳ thi và chứng chỉ do chúng tôi cấp: IELTS và Aptis, là những kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc tế với độ chuẩn hóa cao, được công nhận trên phạm vi toàn cầu”.

Theo Hội đồng Anh, tất cả kỳ thi IELTS, Aptis được tổ chức tại Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng thống nhất trên toàn cầu. Đơn vị này cũng dẫn lại thông báo của Bộ GD&ĐT đưa ra hôm 9/5 về giá trị sử dụng của các chứng chỉ ngoại ngữ được cấp bởi các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, trong đó nêu rõ các chứng chỉ bị cấp sai quy định “được sử dụng bình thường”. Qua thông tin từ phía Hội đồng Anh cho thấy việc cấp phép hay không cấp phép thi của Bộ GD&ĐT không hề tác động đến chất lượng của các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và việc thi, cấp chứng chỉ của họ theo tiêu chuẩn riêng.

Pháp luật Việt Nam hiện nay tại Điều 20, Nghị định số 86/2018 NĐ-CP về quy định hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục có nêu: Việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, trình độ đào tạo, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu cấp bằng, chứng chỉ của Việt Nam hoặc theo quy định của pháp luật nước ngoài nếu cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài.

Văn bằng, chứng chỉ của người học theo liên kết đào tạo hoặc tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được quy định: Văn bằng do cơ sở giáo dục Việt Nam cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật nước sở tại và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận; Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài phải được công nhận hợp pháp ở nước sở tại và có giá trị sử dụng phổ biến trên thế giới.

Đối chiếu với các quy định trên nhiều ý kiến cho rằng, chứng chỉ IELTS được cấp không bị điều chỉnh bởi luật pháp Việt Nam. Việc kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, trình độ đào tạo, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo pháp luật nước Anh. Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT tạo yêu cầu cấp phép tổ chức thi IELTS hay các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khác chưa đúng với tinh thần của Điều 20, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

Như vậy, xung quanh câu chuyện tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế “chui” văn bằng chứng chỉ vẫn được công nhận hiện có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Một mặt cho rằng, Bộ vừa chỉ ra sai phạm vừa công nhận văn bằng là vô lý. Trong khi đó, có nhiều ý kiến lại nêu, Bộ không nên can thiệp vào việc tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vì nó được thực hiện theo quy định của luật pháp nước cấp văn bằng. Nếu phát hiện bất cứ điều gì gian lận thì Bộ GD&ĐT có quyền không công nhận văn bằng trên.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quan-ly-cac-hoat-dong-thichung-chi-tieng-anh-quoc-te-cang-quan-cang-roi-post295665.html