Quản lý rủi ro để nâng cao hiệu quả cho vay lại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 15/5/2024, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính (DMEF ) phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo về quản lý rủi ro cho vay lại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

Tham dự hội thảo có ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, bà Pia Buller - đại diện EU, ông Arne Fraemk - đại diện GIZ cùng đại diện lãnh đạo cơ quan được ủy quyền cho vay lại, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập là người vay lại.

ODA vay ưu đãi được đầu tư xóa đói giảm nghèo

Phát biểu khai mạc, ông Võ Hữu Hiển cho biết, Việt Nam bắt đầu tiếp nhận ODA từ 1993. Từ đó đến nay, nguồn vốn này đã đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vốn ODA vay ưu đãi được tập trung đầu tư vào các Chương trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải cách thể chế… theo định hướng của Chính phủ và chính sách ưu tiên của các nhà tài trợ.

Phó Cục trưởng Võ Hữu Hiển phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Ông Hiển cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc sử dụng vốn vay được đưa vào cân đối ngân sách để cấp phát cho những chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn. Đồng thời, dành một phần vốn vay ODA, vay ưu đãi để cho vay lại các chương trình, dự án có khả năng hoàn vốn trong một số lĩnh vực.

Hiện nay, nhiều chương tình, dự án vay lại đã phát huy tác dụng, đổi mới, tăng cường năng lực của các doanh nghiệp, đơn vị, đối tượng vay lại, cũng như góp phần bổ sung nguồn vốn cho quá trình sản xuất, kinh doanh, giúp các ngành, doanh nghiệp xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, đứng vững trên thị trường, nâng cao xếp hạng tín nhiệm daonh nghiệp.

Theo thống kê của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, tổng dư nợ cho vay lại doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập khoảng hơn 200.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 8 tỷ USD), chủ yếu đầu tư vào ngành năng lượng và điện chiếm khoảng 67%; ngành giao thông (đường cao tốc, cảng biển,…) chiếm khoảng 23%; các lĩnh vực như cấp thoát nước, vệ sinh môi trường khoảng 6%; các ngành khác trong đó có nông nghiệp, giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế khoảng 4%.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia quốc tế, đại diện các cơ quan được ủy quyền cho vay lại, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: Đức Minh

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia quốc tế, đại diện các cơ quan được ủy quyền cho vay lại, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: Đức Minh

Việc trả nợ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập được đầy đủ, đúng hạn. Tuy nhiên, có một số chương trình, dự án gặp khó khăn, có rủi ro tín dụng, không trả được nợ, phát sinh nợ quá hạn, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn doanh nghiệp, tín dụng quốc gia, tăng rủi ro đối với ngân sách nhà nước, ông Hiển đánh giá.

Tỷ lệ cho vay lại phân theo nhóm 3 (khoản vay có nợ quá hạn từ 2 đến 3 kỳ trả nợ), nhóm 4 (khoản vay có nợ quá hạn từ 4 kỳ trả nợ trở lên), nhóm 5 (khoản vay không có khả năng trả nợ) so với tổng dư nợ khoảng 3%, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các khoản nợ này kéo dài trong nhiều năm. Có những dự án phát sinh nợ xấu trước khi có Luật Quản lý nợ công ban hành năm 2009, có dự án phát sinh trước Luật Quản lý nợ công sửa đổi ban hành vào năm 2017.

Từ năm 2017 đến nay, các chương trình, dự án mới đều được các cơ quan cho vay lại, Bộ Tài chính, nhà tài trợ thẩm định kỹ, đánh giá đầy đủ các tác động, các phương án tài chính, để đảm bảo nguồn trả nợ, tránh được rủi ro tín dụng, cũng như tránh các nghĩa vụ nợ dự phòng ngân sách nhà nước.

Cần tìm kiếm các khoản vay mới cho nhu cầu phát triển

Theo ông Arne Fraemk - Cố vấn trưởng kỹ thuật của GIZ nhận xét, Việt Nam hiện đang là quốc gia có thu nhập trung bình; do đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ ODA ngày càng giảm, buộc Chính phủ phải tìm kiếm các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn để tài trợ cho nhu cầu phát triển.

Nhìn vào cơ cấu nợ của Việt Nam trong 10 năm qua khi vốn ODA ngày càng ít, DMEF có nhiệm vụ rất quan trọng là nâng cao nền tảng kỹ thuật cho phù hợp với tình hình mới. Chính phủ cần cân đối cơ cấu nợ, quản lý chi phí và rủi ro một cách hiệu quả, đặc biệt thông qua việc tăng cường quản lý rủi ro tín dụng đối với các khoản vay nhằm giảm thiểu rủi ro cho vay của Chính phủ và giảm nợ xấu.

Ông Arne Fraemk - Cố vấn trưởng kỹ thuật của GIZ phát biểu. Ảnh: Đức Minh

Ông Arne Fraemk - Cố vấn trưởng kỹ thuật của GIZ phát biểu. Ảnh: Đức Minh

Tại hội thảo, đại diện Bộ Tài chính cung cấp cho các đại biểu những thông tin toàn diện về quy định, khung pháp lý trong quản lý rủi ro đối với các khoản cho vay lại và hiện trạng cho vay lại đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công, cũng như kinh nghiệm quốc tế về quản lý rủi ro các khoản cho vay lại.

Các đại biểu thu thập thêm nhiều thông tin hữu ích từ các bài trình bày của các tổ chức trung gian có kinh nghiệm triển khai các khoản vay cho doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập cũng như chia sẻ của người vay lại về những khó khăn phát sinh.

Các đại biểu cũng như lắng nghe các kinh nghiệm quốc tế về kinh nghiệp quản lý hoạt động cho vay lại, trao đổi thảo luận về các rủi ro, khó khăn, vướng mắc phát sinh để tìm ra giải pháp thúc nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro cho vay lại.:

Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ chính sách cho vay lại hiện nay, phát hiện những bất cập, tồn tại, hạn chế để tiếp tục hoàn thiện cơ chế vay và cho vay lại trong thời gian tới.

Qua thảo luận nhằm nhận diện, đánh giá, và xác định các nguyên nhân khách quan và chủ quan, xác định mức độ rủi ro tín dụng đối với cho vay lại, trên cơ sở đó, giúp cho Bộ Tài chính, các cơ quan cho vay lại xây dựng các phương án xử lý rủi ro đối với vay về cho vay lại, nhằm đảm bảo an toàn tài chính quốc gia./.

Đức Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quan-ly-rui-ro-de-nang-cao-hieu-qua-cho-vay-lai-doanh-nghiep-don-vi-su-nghiep-cong-lap-150846.html