Quảng Ninh: Dân tá hỏa vì đất rừng sau 20 năm về tay chủ lạ

Gần 20 năm trước, nhiều hộ dân tộc Tày ở xã Quảng Phong, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) lên những vạt rừng hoang để khai phá, trồng trọt.

Nhưng gần đây, khi đến làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng (bìa rừng), họ mới hay những thửa đất này đã có chủ tự bao giờ.

Từ những bức xúc của dân nghèo

Anh Hà Văn Liêu, người dân tộc Tày ở thôn 8, xã Quảng Phong cho biết, anh và 19 hộ dân cùng xã đang như ngồi trên đống lửa. Họ khai hoang và sử dụng những thửa đất rừng từ mấy chục năm trước, đã cho thu hoạch nhiều vụ. Thế nhưng, giờ chính quyền địa phương lại cho biết, các thửa đất đó đã cấp bìa cho các hộ khác từ năm 2009 và 2014.

Đứng trong cánh rừng sắp đến kỳ thu hoạch của bà con, anh Hà Văn Liêu khẳng định, tại khu vực này, có hộ đã trồng rừng liên tục từ năm 2006. Nhà anh Liêu cũng có hơn 1ha được trồng từ năm 2013.

Theo anh Liêu, do hoàn cảnh khó khăn, thấy khu đất toàn cây dại mọc, gia đình anh đã phát quang, trồng cây lấy gỗ để cải thiện cuộc sống. Đến năm 2020, anh Phong làm đơn đề nghị xã xem xét cấp bìa rừng thì được trả lời thửa đất này trùng với đất đã được cấp cho Tổng đội Thanh niên xung phong.

Đường vào cánh rừng các hộ dân ở xã Quảng Phong khai hoang, trồng trọt nhiều năm qua.

Đường vào cánh rừng các hộ dân ở xã Quảng Phong khai hoang, trồng trọt nhiều năm qua.

"Vậy nhưng mới đây, chúng tôi tiếp tục kiến nghị thì được xã trả lời là thửa đất gia đình tôi đang canh tác trùng với thửa đất đã cấp cho ông Phạm Văn Giáo và bà Nguyễn Thị Hợi trú tại thị trấn Quảng Hà. Mà những hộ này không phải người địa phương, không khai hoang, vỡ đất, trồng cây, góp sức giữ rừng. Không hiểu tại sao họ lại thành chủ đất", anh Liêu nói.

Chị Hoàng Thị Phan, người dân tộc Tày cũng ở thôn 8, xã Quảng Phong cho biết, chị có gần 1ha rừng khai hoang, trồng cây tại đây.

Cách đây vài năm, xã đề nghị các hộ dân có nhu cầu cấp bìa rừng phối hợp với Trung tâm Đo đạc bản đồ đo, xác định các thửa đất để xem xét cấp bìa. Nghe thông tin ấy, các hộ bỏ ra 2,5 triệu đồng để trích lục từng thửa, có nhà mất tới mấy triệu đồng vì có nhiều thửa khác nhau. Thế rồi, bản đồ trích lục xong xuôi, các hộ bất ngờ được thông báo bị trùng vào diện tích đã cấp cho hộ khác từ lâu.

"Nay mới biết đất do mình khai hoang, trồng cấy ổn định chục năm qua lại là của chủ ở tận đâu đó", chị Phan phản ánh.

Chính quyền địa phương khó xử?

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong, xã nhận được 21 bộ hồ sơ xin cấp bìa rừng. Nhưng qua kiểm tra, xã thấy các thửa đất mà các hộ xin cấp bìa đều trùng với các thửa đất đã được tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty CP chè Đường Hoa sử dụng hoặc trùng vào các thửa đất do xã quản lý hoặc của chủ sử dụng rừng khác.

Tháng 5/2023, xã nhận được hai đơn kiến nghị của hai nhóm hộ dân về những tranh chấp liên quan.

Đơn thứ nhất là nhóm gồm 18 hộ dân thuộc các thôn 6, 7, 8, 9 đề nghị cấp với tổng diện tích 83.375,7m2. Trong đó, có 16 hộ trùng vào bìa đã cấp cho hộ ông Hà Duy Khiên và bà Nguyễn Thị Hồng Nhiên, trú tại thị trấn Quảng Hà với diện tích 65.833,9m2 và hai hộ trùng vào bìa rừng đã cấp cho hộ ông Phạm Văn Giáo và bà Nguyễn Thị Hợi, trú tại thị trấn Quảng Hà với diện tích 17.541,8m2.

Đơn khiếu nại thứ hai là của nhóm 5 hộ dân thôn 8 với tổng diện tích 66.436,3m2. Trong đó, gồm 4 hộ có đất trùng vào bìa rừng đã cấp cho hộ bà Đỗ Thị Duyên và ông Vũ Văn Tần trú tại xã Quảng Chính, huyện Hải Hà với diện tích 58.207m2 và một hộ có đất trùng vào bìa rừng đã cấp cho hộ ông Phạm Văn Giáo và bà Nguyễn Thị Hợi, thị trấn Quảng Hà có diện tích là 8.229,3m2.

Nhiều hộ dân ở xã Quảng Phong lên thực địa, phản ánh về việc tranh chấp đất rừng.

Nhiều hộ dân ở xã Quảng Phong lên thực địa, phản ánh về việc tranh chấp đất rừng.

Ngoài ra, qua rà soát, 16.907m2 đất mà hộ anh Hà Văn Liêu xin cấp đã trùng vào diện tích được cấp cho Công ty CP chè Đường Hoa; 10.434m2 đất ông Hoàng Văn Dỏng ở thôn 8 xin cấp là đất rừng sản xuất đã cấp cho hộ bà Ngô Thị Ân…

Ông Hưởng lý giải, khoảng 20 năm trước đây, thực hiện chính sách phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc, nhiều cán bộ, đảng viên ở huyện Hải Hà đã nhận đất lâm nghiệp tại xã để canh tác. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, những hộ được giao đất đã không tiến hành trồng dẫn đến đất rừng bị bỏ hoang.

Thấy đất bỏ không, người dân địa phương đã tự ý vào canh tác nhưng không thấy chủ đất đến có ý kiến. Khi cơ quan địa phương làm thủ tục cấp bìa rừng cho những người dân đang canh tác mới phát hiện ra các thửa đất này đã có chủ từ lâu.

"Đây là vấn đề phức tạp, khó xử lý ngay. Hiện, xã đã báo cáo huyện, xin ý kiến tham gia của các phòng, ban chuyên môn của huyện để rà soát cụ thể toàn bộ hiện trạng. Từ đó, sớm đề xuất phương án giải quyết cụ thể", ông Hưởng nói.

Sẽ giải quyết thấu tình đạt lý

Trao đổi với PV qua điện thoại, một lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết, tình trạng tranh chấp đất rừng hiện nay diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Do đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã giao các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương rà soát tổng thể, phân loại từng trường hợp để có hướng giải quyết nhằm tạo sinh kế cho bà con có nhu cầu thực sự…

“Đối với trường hợp các hộ dân ở xã Quảng Phong, huyện Hải Hà, đơn vị sẽ phối hợp nắm rõ tình hình, đánh giá thực trạng để tham mưu cách giải quyết thấu tình, đạt lý. Đặc biệt là sẽ xem xét, thu hồi đất đã giao đối với các hộ vi phạm quy định của pháp luật. Bởi theo quy định của Luật Đất đai, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục thì bị thu hồi”, vị này khẳng định.

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quang-ninh-dan-ta-hoa-vi-dat-rung-sau-20-nam-ve-tay-chu-la-192231129003110358.htm