Quốc gia EU nỗ lực chặn 'mối đe dọa' từ Trung Quốc

'Tại thời điểm này, Nga và Trung Quốc nằm trong số những quốc gia mà Hà Lan cần cảnh giác cao độ', Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan Micky Adriaansens từng cảnh báo.

Chính phủ Hà Lan đang soạn thảo một dự luật nhằm cấm sinh viên Trung Quốc tham gia vào các chương trình đại học về các công nghệ nhạy cảm, bao gồm chất bán dẫn và quốc phòng, hãng thông tấn Bloomberg đưa tin.

Theo Bloomberg, mặc dù ngôn ngữ trong dự luật này sẽ tránh đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng mục đích rõ ràng là ngăn sinh viên từ quốc gia châu Á tiếp cận với tài liệu nhạy cảm trong nghiên cứu của họ.

Đây là bước leo thang mới nhất trong cuộc chiến ngoại giao giữa Hà Lan và Trung Quốc liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn.

Cam kết với chính quyền

Trước đó, tờ Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Robbert Dijkgraaf cho biết, ông đang xem xét liệu có nên cắt giảm sự tham gia của sinh viên quốc tế trong một số chương trình hay không, sau khi một số trường đại học cắt giảm số lượng sinh viên Trung Quốc do lo ngại mối quan hệ của họ với chính quyền Trung Quốc.

Cụ thể, những người nhận trợ cấp của Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC) phải thề trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc và trở về nước trong vòng 2 năm sau khi hoàn thành nghiên cứu, đồng thời báo cáo hoạt động với đại sứ quán Trung Quốc tại quốc gia nơi họ theo học, theo Financial Times.

“Nói chung, việc sử dụng các chương trình tài trợ với mục đích có được kiến thức và công nghệ chất lượng cao cho nhà nước là điều chúng tôi không mong muốn”, vị Bộ trưởng cho biết. “Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu để xem có bao nhiêu nhà nghiên cứu CSC ở Hà Lan và họ đang hoạt động trong lĩnh vực nào”.

Đại học Công nghệ Eindhoven (TU/e) được cho là một trong các trường đại học ở Hà Lan hạn chế tuyển những sinh viên nhận trợ cấp của Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC). Ảnh: Dutch News

Đại học Công nghệ Eindhoven (TU/e) được cho là một trong các trường đại học ở Hà Lan hạn chế tuyển những sinh viên nhận trợ cấp của Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC). Ảnh: Dutch News

Ông Dijkgraaf cũng bác bỏ ý kiến cho rằng bộ này có chính sách cụ thể nhằm “loại trừ sinh viên Trung Quốc” hoặc ngăn cản sự hợp tác với các viện hoặc nhà nghiên cứu Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, họ hy vọng tình hình sẽ không bị "chính trị hóa và kỳ thị". Theo Bộ này, do Hội đồng Học bổng Trung Quốc chưa thành lập chi nhánh ở nước ngoài, nên họ đã ủy thác cho các lãnh sự quán Trung Quốc cung cấp dịch vụ và tư vấn cho những người nhận học bổng . Điều này phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.

Bà Liesje Schreinemacher, bộ trưởng thương mại Hà Lan cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Trung Quốc có thể cố gắng vượt qua các biện pháp kiểm soát bằng cách mua kiến thức từ các trường đại học Hà Lan.

“Chúng tôi cần Trung Quốc cho hoạt động R&D cũng như quá trình chuyển đổi xanh, nhưng chúng tôi cũng phải xem sinh viên đến từ quốc gia nào có thể tiếp cận tất cả các nghiên cứu”, bộ trưởng thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher cho biết.

Bộ Giáo dục Hà Lan xác nhận rằng họ đang nghiên cứu các biện pháp nhằm đưa ra một cuộc sàng lọc bắt buộc đối với sinh viên và nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực nhạy cảm, theo một tuyên bố gửi qua email. Theo bộ này, biện pháp mà họ đưa ra sẽ không liên quan đến chính phủ, và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

“Mối đe dọa lớn nhất”

Chính phủ Hà Lan gần đây đã thực hiện Đạo luật Kiểm tra An ninh Đầu tư, Sáp nhập và Mua lại, cho phép họ hạn chế quy mô đầu tư hoặc chặn một thỏa thuận với các công ty quốc tế trên cơ sở an ninh quốc gia.

Giống như dự luật về sàng lọc sinh viên, đạo luật mới về M&A cũng mang tính trung lập đối với từng quốc gia. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan Micky Adriaansens từng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng tại thời điểm này, Nga và Trung Quốc” nằm trong số những quốc gia mà Hà Lan cần “cảnh giác cao độ”.

Một báo cáo gần đây của cơ quan tình báo Hà Lan tuyên bố, Trung Quốc đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh kinh tế của quốc gia, dù đất nước này là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Hà Lan.

ASML, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hà Lan, đã thắt chặt kiểm soát an ninh sau khi cáo buộc một cựu nhân viên làm việc tại Trung Quốc ăn cắp thông tin bí mật của công ty hồi đầu năm 2023. Ảnh: Japan Times

ASML, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hà Lan, đã thắt chặt kiểm soát an ninh sau khi cáo buộc một cựu nhân viên làm việc tại Trung Quốc ăn cắp thông tin bí mật của công ty hồi đầu năm 2023. Ảnh: Japan Times

Họ cũng cho rằng Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các công ty và tổ chức công nghệ cao của Hà Lan thông qua “việc tiếp quản công ty, hợp tác học thuật, cũng như hoạt động gián điệp, đầu tư bí mật và xuất khẩu bất hợp pháp”.

Quyết định mới nhất của Hà Lan được đưa ra trong bối cảnh số lượng thị thực sinh viên mà Mỹ cấp cho công dân Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022 đã giảm hơn 50% so với mức trước Covid do căng thẳng chính trị, theo Wall Street Journal.

Đầu năm nay, chính phủ Hà Lan đã đồng ý tham gia vào nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu công nghệ chip sang Trung Quốc.

Là một trong những nguồn cung cấp máy móc và chuyên môn hàng đầu thế giới để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, Hà Lan đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Washington để giúp tạo ra một cuộc phong tỏa toàn cầu nhằm kìm hãm sự gia tăng sản xuất chip của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các biện pháp của Hà Lan nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn mới nhất dường như không mạnh mẽ bằng các biện pháp mà chính quyền Tổng thống Joe Biden thực hiện vào năm ngoái, trong đó có việc hạn chế xuất khẩu máy móc và bí quyết công nghệ sang Trung Quốc.

Nguyễn Tuyết (Theo Financial Times, Bloomberg)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quoc-gia-eu-no-luc-chan-moi-de-doa-tu-trung-quoc-a612242.html