Quốc tế nổi bật: Thế khó của NATO
Tổng thư ký NATO Stoltenberg vừa tuyên bố việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine là một vấn đề 'nan giải'.
Thế khó của NATO trong việc cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine
Tổng thư ký NATO Stoltenberg vừa tuyên bố việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine là một vấn đề "nan giải". F-16 chỉ mang lại hiệu quả cao khi có nhiều phi công Ukraine được đào tạo hơn, và không chỉ mỗi vấn đề phi công mà còn cả việc bảo trì, nhân sự và các hệ thống hỗ trợ cũng phải được cung cấp đầy đủ cho Kiev".
Ukraine từ lâu đã kêu gọi các nước phương Tây viện trợ F-16 tăng cường sức mạnh cho lực lượng khi nước này cố gắng giữ vững phòng tuyến trước Nga. Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đều cam kết cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho quân đội Ukraine. Nhiều đồng minh khác của Kiev hỗ trợ việc đào tạo phi công.
Israel tập kích thủ đô của Syria
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria sáng 21/2, một máy bay không người lái của quân đội Israel đã phóng loạt tên lửa vào một tòa nhà cao tầng thuộc khu phố Kafr Sousa ở nội đô Damacus, gây ra nhiều tiếng nổ dữ dội. Nguồn tin khẳng định, tòa nhà bị tấn công là nơi các thành viên lực lượng Hezbollah và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thường xuyên lui tới.
Hiện cả Hezbollah và IRGC chưa đưa ra phản ứng về vụ việc. Tương tự, quân đội Israel cũng chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về cuộc không kích mới nhất này.
Liên minh châu Âu "chốt" gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga
Ngày 21-2, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất về gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga. Gói trừng phạt mới nhất là một trong những gói được các thành viên EU chấp thuận rộng rãi nhất. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục văn bản liên quan, EU sẽ chính thức phê duyệt gói trừng phạt thứ 13 vào ngày 24-2.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, thông qua gói trừng phạt mới nhất, EU sẽ bổ sung gần 200 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt.
Áo tiếp tục gia hạn kiểm soát biên giới với Séc đến ngày 16/4
Chính phủ Áo đã quyết định gia hạn biện pháp kiểm soát biên giới với Séc cho đến ngày 16/4/2024. Theo Bộ trưởng Nội vụ Áo - Gerhard Karner, kiểm soát biên giới là một trong nhiều biện pháp nhằm chống lại hoạt động buôn lậu quốc tế. Ngoài ra, trước tình hình an ninh quốc tế, việc kiểm soát biên giới cũng rất cần thiết để có hành động quyết liệt chống lại các phần tử cực đoan.
Ngược với Áo, Séc đã bãi bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới được áp dụng với nước láng giềng khác là Slovakia sau 4 tháng áp dụng.
HĐBA tiếp tục không thông qua được nghị quyết về Gaza
Ngày 20/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp về tình hình xung đột tại Gaza song không thể thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức tại khu vực này do Mỹ dùng quyền phủ quyết. Đây là lần thứ 3 Hội đồng Bảo an không thể thông qua nghị quyết về tình hình Gaza.
13 nước đã bỏ phiếu ủng hộ văn bản yêu cầu ngừng ngay các cuộc giao tranh ở Dải Gaza. Trong khi đó, Mỹ là nước duy nhất bỏ phiếu chống, còn Anh bỏ phiếu trắng.
Nga bãi bỏ thỏa thuận đánh bắt cá với Vương quốc Anh
Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã bỏ phiếu thông qua quyết định bãi bỏ hiệp định nghề cá với Vương quốc Anh. Thỏa thuận này được ký năm 1956 giữa Liên Xô với Anh.
Cơ quan lập pháp Nga giải thích: “Thỏa thuận này chủ yếu mang tính định hướng một chiều và không có lợi ích tương tự hoặc tương xứng nào cho Liên bang Nga trong đó”. Ngoài ra, do Anh đã chấm dứt chế độ thương mại tối huệ quốc đối với Nga từ ngày 15/3/2022, quyết định bãi bỏ văn kiện này “sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế hoặc chính trị đối ngoại" đối với Liên bang Nga.
Trung Quốc và Ấn Độ nhất trí duy trì liên lạc về vấn đề biên giới
Theo một thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, quân đội nước này và Ấn Độ vừa có cuộc họp "mang tính xây dựng" thảo luận về các vấn đề biên giới. Cụ thể, hai bên đã nhất trí giữ liên lạc thông qua các kênh quân sự và ngoại giao, đồng thời duy trì hòa bình và bình yên ở các khu vực biên giới Trung - Ấn trước khi đạt được đồng thuận. Cuộc gặp diễn ra ở khu vực biên giới Chushul-Moldo bên phía Trung Quốc.