Quy hoạch cửa khẩu, cơ hội cho Lào Cai phát triển

Ngày 14/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1199, phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định quan trọng này là cụ thể hóa quan điểm đổi mới, mở cửa và hội nhập với nền kinh tế thế giới của Đảng và Nhà nước; có ý nghĩa rất lớn, tạo đòn bẩy giúp tỉnh Lào Cai sớm trở thành cực tăng trưởng, trung tâm giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Với tầm nhìn dài hạn, Lào Cai đang đẩy mạnh quy hoạch, phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, thu hút nhà đầu tư... với kỳ vọng tạo ra sự đột phá về kinh tế cửa khẩu trong giai đoạn tới.

Theo quyết định số 1199 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, Lào Cai sẽ có thêm 2 cặp cửa khẩu được nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế và 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo ông Tô Việt Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương, giao thương tại cửa khẩu Mường Khương sẽ rất sôi động khi hạ tầng được đầu tư, chính sách thông thoáng.

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. (Ảnh minh họa)

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. (Ảnh minh họa)

"Khi nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế thì lưu lượng hàng hóa rất lớn cùng với đó các dịch vụ đi kèm về bến bãi kho hàng, các dịch vụ đi kèm sẽ phát triển, do vậy đời sống kinh tế của địa phương cũng sẽ được nâng lên rất nhiều. Về phía Trung ương, tỉnh trao đổi phía bạn tiến hành đầu tư hạ tầng phù hợp với quốc tế".

Lào Cai đã quy hoạch khu logistics rộng 270 ha và đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Với tầm nhìn dài hạn, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng những trung tâm logistics liên hoàn; tăng cường vận tải đa phương thức, đưa Lào Cai trở thành thị trường logistic hấp dẫn trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Ông Doãn Công Khánh- Chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng: "Xây dựng và tổ chức hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai là nội dung quan trọng quyết định sự thành bại rất lớn của trung tâm giao thương này. Cần có cơ chế, chính sách đáp ứng nguồn vốn đầu tư, đảm bảo về nguồn nhân lực, sự hợp tác trong nội bộ, với các vùng khác, đặc biệt các doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế cửa khẩu, giải quyết hạ tầng, mạng lưới logistics".

Chủ động về định hướng, chính sách để khai thác tối đa lợi thế của từng cặp cửa khẩu, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, tỉnh Lào Cai cũng kiến nghị với Trung ương có những cơ chế đặc thù để có nguồn lực đầu tư hạ tầng vào các cửa khẩu trọng điểm.

Ông Vương Trinh Quốc -Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Sớm thực hiện các thủ tục khởi công cầu biên giới qua sông Hồng- đây là hạ tầng quan trọng thực hiện bản quy hoạch phát triển các cửa khẩu. Hoạt động xuất nhập khẩu các loại hình hàng hóa. Việc mở nâng cấp cửa khẩu quốc tế Mường Khương- Kiều Đầu cũng cần phải có quy hoạch cũng như phạm vi cửa khẩu Mường Khương kết nối tuyến cao tốc Nôi Bài- Lào Cai đến cửa khẩu Mường Khương nối các cảng Hải Phòng và các tuyến giao thông trọng điểm".

Cùng với đẩy mạnh quy hoạch, phát triển hạ tầng, Lào Cai đang tích cực phối hợp với phía Trung Quốc để tháo những nút thắt, đảm bảo có sự tương đồng về mặt chính sách hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời phát huy vai trò cầu nối đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tại địa phương.

CTV Trung Kiên- Xuân Anh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quy-hoach-cua-khau-co-hoi-cho-lao-cai-phat-trien-post1056347.vov