Quy hoạch di tích đặc biệt chùa Thầy và khu núi đá Sài Sơn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 04/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là 98,30 ha, bao gồm khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và vùng đệm, nằm trên địa bàn xã Sài Sơn, xã Phượng Cách, xã Yên Sơn và thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai. Quy mô lập quy hoạch có diện tích khoảng 40,51ha, gồm toàn bộ phần đất thuộc khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích (33,33ha) và phần đất mở rộng nằm liền kề di tích (7,18ha) để nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào khu vực bảo vệ II.

Theo đó, mục tiêu nhằm bảo tồn, gìn giữ lâu dài các giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, địa chất, địa mạo của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; phát huy và khai thác có hiệu quả giá trị của di tích, hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nguồn thu cho địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nguồn lực để bảo tồn di tích.

Đồng thời, xác định ranh giới bảo vệ, làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích; xác định khu chức năng, khu dân cư bảo tồn, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Làm cơ sở pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thu hút nguồn lực đầu tư và triển khai dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định về quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích và giải pháp quản lý, bảo vệ di tích theo quy hoạch.

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt; điểm tham quan du lịch hấp dẫn của thành phố và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch là xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; xác định quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch; xác định các chỉ tiêu, dự báo phát triển của khu vực; xác định nội dung và định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật; định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; dự báo tác động môi trường, đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong khu vực quy hoạch…

Để thực hiện, UBND TP. Hà Nội được giao bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch cùng chi phí khác liên quan đến công tác lập quy hoạch; Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng đối với phạm vi, ranh giới quy hoạch đề xuất; chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch đúng quy định của pháp luật.

Di tích chùa Thầy là một nhóm những ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội. Chùa cách trung tâm Hà Nội 20 km về phía tây nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Sài Sơn có tên nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quy-hoach-di-tich-dac-biet-chua-thay-va-khu-nui-da-sai-son.htm