Quy ước thôn bản, tổ dân phố: Tạo chuyển biến tích cực
Thời gian qua, việc xây dựng và thực hiện quy ước thôn bản, tổ dân phố đã tạo nên những chuyển biến tích cực, hạn chế các tập tục lạc hậu, tạo dựng môi trường sống lành mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo số liệu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến hết tháng 12/2023 toàn tỉnh có 1.698/1.733 thôn, tổ dân phố hoàn thành việc sửa đổi quy ước thôn, bản, tổ dân phố không còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới phù hợp thực tiễn, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thời gian qua, công tác tuyên truyền xây dựng thực hiện nội dung này của ngành đã tạo những chuyển biến rõ nét thông qua các buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, qua phối hợp hoạt động với các cơ quan, địa phương, đơn vị, như: phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai các mô hình, địa chỉ tin cậy; vận hành mô hình, phương pháp hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ, trẻ em; phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn nội dung này cho đối tượng là trưởng thôn, bản; công chức văn hóa - xã hội của các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Huyện Yên Sơn năm 2023 có 335/335 thôn, tổ dân phố đã sửa đổi, bổ sung quy ước, đưa vào triển khai thực hiện. Đồng chí Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với phòng Tư pháp huyện hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy ước thôn, tổ dân phố trên địa bàn theo đúng quy định. Nội dung các quy ước đã bám sát thực tiễn đời sống, thể hiện được những nét riêng biệt, đặc thù của từng địa bàn cụ thể, phát huy tính tự quản của cộng đồng, giảm thiểu những yếu tố lạc hậu trong đời sống xã hội… Đặc biệt tại các xã nông thôn mới, đã bổ sung vào quy ước nội dung này để nhân dân đoàn kết, tự giác, chung sức cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện. Hằng năm, gắn việc thực hiện hương ước, quy ước là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng các khu dân cư văn minh, tiến bộ.
Thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) có 150 hộ dân, 568 khẩu, thôn có 30 hộ đồng bào dân tộc Mông, còn lại là người Kinh, Tày, Dao, Cao Lan sinh sống. Ông Ngô Xuân Thu, trưởng thôn cho biết, quy ước của thôn bao hàm nhiều nội dung trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Nhưng điểm mạnh nhất của thôn 1A là tinh thần đoàn kết. Trước đây, một số hộ đồng bào Mông theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, việc triển khai các nhiệm vụ trên địa bàn thôn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ ngày thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giờ bà con rất phấn khởi đoàn kết làm ăn, phát triển kinh tế, diện mạo của thôn đã khởi sắc nhiều. Mọi việc, chi bộ, Ban công tác Mặt trận, ban phát triển thôn bản luôn thực hiện đúng theo những điều đã được nhân dân quy ước, thống nhất, do vậy đã tạo được sự tin cậy, gắn bó, đồng thuận của người dân trong triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Đến nay thôn 1A đã có đường bê tông vào đến tận các hộ gia đình, thu nhập bình quân đầu người khoảng hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, thôn có 136 hộ đạt gia đình văn hóa, thôn đạt thôn văn hóa.
Còn tại thôn Đồng Min, xã Bình Yên (Sơn Dương), việc thực hiện quy ước của thôn đã tạo nên những chuyển biến rõ nét nhất trong việc cưới, việc tang. Ông Hoàng Văn Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Min phấn khởi cho biết, cuộc sống giờ đã đổi thay nhiều, trước đây, việc ma chay của đồng bào Cao Lan, chỉ riêng tục làm “nhà xe” cho người chết đã kéo dài tới 5-7 ngày, nay thực hiện theo nếp sống mới chỉ làm trong 24 tiếng, không tổ chức ăn uống dài ngày nữa. Việc làm nhà xe của đồng bào vẫn còn, nhưng những năm gần đây đã có dịch vụ làm sẵn, nên rút ngắn được rất nhiều thời gian mà vẫn bảo tồn được phong tục, tập quán, điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong cộng đồng.
Thực tế hiện nay cho thấy việc xây dựng và thực hiện quy ước thôn bản, tổ dân phố ở một số nơi còn tình trạng sao chép, chung chung, hình thức, chưa phân rõ nhiệm vụ cụ thể, thiếu nét đặc trưng văn hóa của từng địa bàn khu dân cư. Tuy nhiên, những điểm sáng vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Để thực hiện có hiệu quả và bền vững nội dung này, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, rất cần phát huy tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc tuân thủ nghiêm quy ước của cộng đồng khu dân cư, đặc biệt trong việc cưới, việc tang. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt bỏ những thủ tục rườm rà, phức tạp, đảm bảo phát huy được nét đẹp thuần phong mỹ tục, tạo động lực thúc đẩy xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới.