Quyết liệt giải tỏa chợ cóc, chợ tạm

Trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tồn tại hàng chục chợ cóc, chợ tạm nhiều năm nay, hoặc do lịch sử để lại. Điều đáng nói, những chợ này chủ yếu nằm ở những vị trí giao thông có lưu lượng lớn người và phương tiện giao thông qua lại. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, mà còn làm mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường...

Không khó để bắt gặp những hình ảnh "quen thuộc" của hàng loạt chợ “cóc”, chợ tạm hoạt động sôi nổi trong các khung giờ bất kể buổi sáng hay buổi chiều ở nhiều nơi thuộc địa bàn Hà Nội. Có thể kể đến như chợ tạm trên phố Nguyễn Phong Sắc, phố Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), đường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), ngõ Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm)... vỉa hè như biến mất khi lấp đầy ở đây là đủ loại đồ ăn, hàng hóa được bày bán, hay biển hiệu hay bàn ghế của các cửa hàng, quán ăn.

Những chợ tự phát này tồn tại đã một thời gian dài, đủ mặt hàng được các tiểu thương bày bán, từ những phản thịt, hoa quả, hàng rau cho đến hàng ăn sáng… Không những vậy, chợ cóc họp ngay trên đường giao thông. Vào giờ cao điểm, người mua, kẻ bán dựng xe tràn lan trên lòng, lề đường khiến cho giao thông tại đây trở nên lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị và mất vệ sinh môi trường khi tan chợ.

Với quyết tâm không để tình trạng chợ tạm lộn xộn gây mất trật tự đô thị và mỹ quan đường phố, nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô đã tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân tự giác chấp hành quy định an toàn giao thông, vệ sinh môi trường xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Lực lượng chức năng phường Nam Đồng thường xuyên nhắc nhở các hộ gia đình không được chiếm dụng vỉa hè.

Lực lượng chức năng phường Nam Đồng thường xuyên nhắc nhở các hộ gia đình không được chiếm dụng vỉa hè.

Ghi nhận tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa, chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở các hộ gia đình không được chiếm dụng vỉa hè để buôn bán tại khu vực người dân hay gọi chợ Nam Đồng. Theo ông Vũ Minh Hồng - Chủ tịch UBND phường Nam Đồng, UBND phường đã phân công lãnh đạo, cán bộ phường phối hợp với Công an phường, lực lượng tự quản, bảo vệ dân phố phân công, chia thành các ca triển khai ra quân hàng ngày để kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự đô thị đối với các hộ kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố trên địa bàn phường.

"Không thể ngày một ngày hai mà chuyển biến được, chúng tôi xác định sẽ làm thường xuyên, liên tục và lấy tuyên truyền là chính, làm sao vận động để bà con ủng hộ mình thì mới duy trì được lâu dài. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, kiên quyết xử lý đối với những trường hợp đã nhắc nhở nhiều lần mà cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm", Chủ tịch UBND phường Nam Đồng cho biết.

Được biết, từ 15/12/2023 đến 29/2/2024 lực lượng chức năng phường Nam Đồng đã xử lý 181 trường hợp vi phạm trật tự đô thị; 94 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông... xử phạt hơn 150 triệu đồng.

Phường Nam Đồng quyết liệt giải tỏa chợ cóc, chợ tạm.

Phường Nam Đồng quyết liệt giải tỏa chợ cóc, chợ tạm.

Thực tế cho thấy, việc hình thành chợ cóc, chợ tạm ngoài một vài thuận tiện trước mắt cho một bộ phận người mua, bán hàng thì chợ tự phát gây ra không ít phiền toái, hệ lụy mà trước hết là vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, khi đề cập đến việc dẹp bỏ chợ tự phát, hầu như các cấp chính quyền, địa phương đều kêu khó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tâm lý mua sắm của người tiêu dùng, muốn mua hàng tại chợ cóc, chợ tạm với giá rẻ và thuận tiện; người bán hàng ở đây luôn tìm mọi cách để tiếp tục kinh doanh, đuổi bên này thì chạy sang bên kia, đuổi hôm nay thì mai lại họp tiếp. Hoặc không ngồi một chỗ mà dùng xe thồ, xe đẩy bán hàng. Mỗi khi có lực lượng chức năng kiểm tra, những người bán hàng rong tản mát, rồi nhanh chóng tụ lại buôn bán tiếp khi các lực lượng chức năng đi qua...

Trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Để xử lý dứt điểm chợ cóc, chợ tạm một cách hiệu quả, thiết nghĩ các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong giải tỏa các tụ điểm này. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống sao cho thuận tiện mua sắm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm bớt các loại thuế phí để hỗ trợ tiểu thương, tăng sức cạnh tranh với hàng rong, chợ cóc. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện văn minh thương mại để giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.

Đối với người tiêu dùng, cần xây dựng thói quen tìm đến các khu chợ tập trung, chợ chính, các trung tâm thương mại thay vì mua hàng ở các chợ cóc, chợ tạm. Đây không chỉ là việc làm vì sức khỏe của chính bản thân người tiêu dùng mà còn là cách góp sức hữu ích trong việc loại bỏ chợ cóc, chợ tạm để giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường của Thủ đô.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quyet-liet-giai-toa-cho-coc-cho-tam-167490.html