Quyết tâm là chưa đủ

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà đất công sau sắp xếp vẫn đang vô cùng chậm trễ, vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Công điện yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, khắc phục và chuẩn bị cho công tác mới giai đoạn 2023 – 2030.

Ngày 24/12/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã trước tình trạng có đến trên 55% ĐVHC cấp xã trên cả nước không bảo đảm tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Ngay từ trước khi ban hành Nghị quyết, T.Ư đã xác định, sắp xếp ĐVHC là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, tác động đến người dân, DN và các chủ thể khác. Nhưng trước yêu cầu thực tiễn của giai đoạn mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Vì vậy, ngay sau khi có chỉ đạo từ T.Ư, các địa phương có ĐVHC thuộc diện phải sáp nhập, sắp xếp lại đã tích cực triển khai thực hiện. Kết quả là, trong 3 năm từ 2019 – 2021, cả nước thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện, 1.056 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được 8 ĐVHC cấp huyện, 561 ĐVHC cấp xã và giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện; 6.657 cán bộ, công chức cấp xã, giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đúng theo dự báo, hàng loạt những bất cập đã phát sinh sau sắp xếp, sáp nhập. Trong đó, đặc biệt là vấn đề sử dụng tài sản nhà đất công là trụ sở của các ĐVHC cũ. Đơn cử, tại tỉnh Thanh Hóa – địa phương đi đầu cả nước về triển khai sắp xếp, sáp nhập ĐVHC, giai đoạn 2019 – 2021 tỉnh này đã giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố của 27 huyện, thị xã và TP, nhưng tổng số cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sáp nhập là 789 cơ sở.

Đáng nói, đa phần những tài sản này còn giá trị lớn, giá trị khấu hao tài sản còn nhiều, có thể sửa chữa cải tạo để sử dụng, thậm chí một số địa bàn công trình vẫn mới, chưa kịp đưa vào sử dụng. Thực trạng này không chỉ xảy ra ở Thanh Hóa mà còn là vấn đề của hầu hết những địa phương có ĐVHC phải sắp xếp lại, không những không được sử dụng mà còn phải mất thêm kinh phí để trông coi.

Qua công tác giám sát của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC, đa phần các địa phương đều báo cáo khó khăn trong việc quản lý, xử lý tài sản nhà đất công này, do không thể phân lô bán đấu giá riêng lẻ hoặc đấu giá tập trung thì người trúng đấu giá không thể sử dụng được tài sản trên đất...

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, một số địa phương “ngần ngại” trong thanh lý, bán đấu giá trụ sở do tư tưởng đùn đẩy, né tránh và tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm... nên vẫn còn nhiều trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng.

Không phủ nhận, các địa phương đã rất quyết tâm và hoàn thành đúng tiến độ về việc sắp xếp ĐVHC thuộc diện phải sáp nhập theo chỉ đạo của T.Ư, nhưng khi đụng đến vấn đề nhạy cảm, khó làm thì lại tỏ ra lo ngại, chùn bước. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc sắp xếp, xử lý tài sản sau sáp nhập đã được Chính phủ giao UBND cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn, đây là cơ sở pháp lý để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện.

Cho nên, các địa phương chỉ quyết tâm thôi là chưa đủ, Chính phủ cần phải quy định thêm chế tài, lộ trình thực hiện và quy trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác này nếu không triển khai thực hiện đúng theo lộ trình, kế hoạch.

Mai Vân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quyet-tam-la-chua-du.html