Rộng cửa đầu tư

Luật Đất đai năm 2024 dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2024, có nhiều điểm mới. Đáng chú ý, khi Luật Đất đai mới quy định 'người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam' và 'người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài' sẽ được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện.

Luật Đất đai 2024 khi có hiệu lực sẽ tạo ra hành lang pháp lý giải quyết những bất cập thời gian qua, bằng các quy định rõ ràng và cởi mở. Trong đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt kiều đầu tư, sở hữu nhà tại Việt Nam.

Theo giới chuyên gia kinh tế, Luật Đất đai mới sẽ gia tăng nguồn kiều hối vào bất động sản, khi dòng tiền được kỳ vọng có thể chảy vào nhiều hơn, chính danh hơn.

Luật Đất đai năm 2024 với nhiều điểm mới, đáng chú ý là việc mở rộng quyền sở hữu nhà đất của Việt kiều. Cụ thể, tại Khoản 3 và Khoản 6, Điều 4 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận, bao gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Số liệu từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, năm 2023 ghi nhận 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong đó 80% là ở các nước phát triển. Số lượng này tăng so với năm 2015 khi ghi nhận 4,5 triệu người tại 109 quốc gia/vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, dữ liệu từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội còn cho thấy, có 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là nguồn lực rất tiềm năng cho thị trường bất động sản trong nước.

Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), lượng kiều hối về Việt Nam 10 năm trở lại đây luôn duy trì vị trí trong nhóm 10 quốc gia đạt lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong nhóm 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lũy kế từ năm 1993 đến hết 2022, đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân cùng kỳ. Riêng năm 2023, lượng kiều hối về cả nước khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Theo ước tính mỗi năm, 25% lượng kiều hối đã được “gửi gắm” vào thị trường địa ốc.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng dòng kiều hối sẽ trở thành trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới, đặc biệt giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc khát vốn. Theo bà Nguyễn Việt Triều (Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu), trong quá khứ, Việt kiều mua bất động sản trong nước phải nhờ người thân đứng tên, do lo ngại thủ tục phức tạp. Tuy nhiên, quy định sẽ mới giúp kiều bào có thể sở hữu bất động sản trong nước dễ dàng. Đây là bước tiến pháp lý quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống và kinh doanh của kiều bào. Chính sách tiếp cận đất đai trong Luật Đất đai 2024 đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào ở nước ngoài.

Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024. Theo đó, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, trước sự cấp bách của thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 202 đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá, Luật Đất đai là một bộ luật chuyên ngành rất đồ sộ, liên quan đến rất nhiều Luật khác nhau và đang có nhiều điểm nghẽn, những điểm nghẽn này ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau khi sửa đổi, cơ bản những điểm nghẽn đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, nếu như chờ đợi 1 năm, đến 1/1/2025 luật mới có hiệu lực thì trong cả năm 2024 những điểm nghẽn trên vẫn chưa tháo gỡ được.

Bà Nga cho rằng, nếu Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024 thì thời gian được đẩy sớm lên nửa năm, các khó khăn sẽ được tháo gỡ đáng kể và sẽ kịp tiến độ để cho các địa phương giải quyết được những công trình trọng điểm, những vấn đề liên quan đến đất đai...

Tại thời điểm này, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều nút thắt. Chính vì thế, việc sớm áp dụng Luật Đất đai (sửa đổi) là rất cần thiết, cùng với việc thực hiện đồng bộ Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Từ đó khơi thông dòng vốn vào lĩnh vực này, trong đó có dòng vốn từ kiều bào.

Bắc Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/rong-cua-dau-tu-10279835.html