Rủi ro đối với Ukraine khi phụ thuộc nhiều vào viện trợ của phương Tây

Một số nhà phân tích cho rằng, Ukraine có thể đối mặt với rủi ro lớn khi phụ thuộc quá mức vào viện trợ của phương Tây để chống lại lực lượng Nga.

Rủi ro đối với Ukraine

Trong bối cảnh giao tranh diễn ra ác liệt trên tiền tuyến, Ukraine có chút hy vọng sẽ đạt được bước tiến mới khi các lực lượng nước này tiếp tục nhận được nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị mới để tiếp tục chiến đấu với các lực lượng Nga.

Binh sỹ Ukraine bắn lựu pháo L119 về phía Nga. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, do sự thiếu ổn định của các nguồn viện trợ trong tương lai, một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi về “thành công” mà Ukraine thực sự có thể đạt được trước Nga – quốc gia đã chuyển ngành công nghiệp quốc phòng sang chế độ thời chiến. Theo các nhà phân tích, nếu như viện trợ bổ sung cho phép Ukraine tiếp tục chiến đấu với lực lượng Nga trong thời gian ngắn thì chiến thắng là điều khó có thể xảy ra. Hơn nữa vẫn cần phải xem xét, cách Ukraine hoặc các đối tác bảo trợ của nước này định nghĩa ra sao về chiến thắng.

Andrius Tursa, cố vấn khu vực Trung và Đông Âu tại Công ty Tư vấn Rủi ro Teneo cho biết: “Gói viện trợ mới của Mỹ có thể ngăn chặn thất bại tiềm tàng của Ukraine vào năm 2024, nhưng rõ ràng có một mối nguy hiểm của việc Ukraine phụ thuộc quá mức vào viện trợ phương Tây. Thời gian qua đã chứng minh điều này”.

“Ukraine và các đối tác dường như thiếu tầm nhìn chung về định nghĩa chiến thắng, cũng như những bước đi và nguồn lực cần thiết để đạt được chiến thắng đó. Kiev vẫn đặt mục tiêu giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ rơi vào tay Nga nhưng ít ai thấy rằng điều này là thực tế trong thời gian ngắn hạn và trung hạn”, ông Andrius Tursa lưu ý.

Các cuộc thảo luận về giải pháp thay thế có thể sẽ diễn ra vào cuối năm 2024, đặc biệt khi có sự thay đổi về tỷ lệ người dân Ukraine sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt tình trạng giao tranh ngày càng tăng nhiệt.

Ukraine nhiều lần khẳng định sẽ giải phóng toàn bộ các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm giữ, trong đó có bán đảo Crimea và 4 khu vực mà Moscow sáp nhập vào năm 2022. Chuyên gia Andrius Tursa cho rằng, giới lãnh đạo Nga đã khẳng định quyết tâm giành chiến thắng tại Ukraine và khó có khả năng tự nguyện rút quân khỏi miền Nam và miền Đông nước này. Riêng tại khu vực miền Đông, Nga đã nhận được sự hỗ trợ từ phe ly khai trong hơn 1 thập kỷ qua.

Các nhà phân tích cho rằng, cần phải có một cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn giữa Ukraine cùng các đối tác để hoạch định về một chiến thắng cụ thể, cùng với những nhượng bộ và giải pháp cần thiết để đạt được hòa bình hoặc lệnh ngừng bắn.

Ông Oleksandr Musiyenko, một nhà phân tích quân sự ở Kiev cho rằng: “Quyết tâm của Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ từ tay Nga là điều rất khó thực hiện, ít nhất là vào thời điểm này. Chúng tôi cần thảo luận tình hình với các đối tác và cần có được sự thống nhất”. Giới lãnh đạo Ukraine dường như vẫn chưa muốn thảo luận về khả năng chấm dứt giao tranh mà không đạt được một thắng lợi hoàn toàn.

“Người dân và các chính trị gia Ukraine dường như cảm thấy nhạy cảm khi nói về vấn đề đó. Nhưng chắc chắn chúng ta cần thành thật với người dân Ukraine cũng như với các đối tác phương Tây, điều này rất quan trọng”, ông Musiyenko lưu ý.

Các kịch bản dành cho Kiev

Theo ông Musiyenko, kịch bản tốt nhất đối với Ukraine là giành lại toàn bộ lãnh thổ và sau đó gia nhập NATO và EU, song điều này không dễ dàng và phần lớn phục thuộc vào các gói viện trợ bổ sung của Mỹ cũng như những vũ khí và trang thiết bị mà nước này cung cấp cho Ukraine, cũng như mức độ hỗ trợ mà Kiev sẽ nhận được trong tương lai sau cuộc bầu cử Mỹ dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Nếu các lực lượng của Nga bị đẩy lùi trong những tháng tới, đặc biệt là ở khu vực Kherson và Zaporizhzhia ở phía Nam, thì điều đó có thể dẫn tới các cuộc đàm phán và một lệnh ngừng bắn. Nhưng mọi thứ vẫn phụ thuộc vào việc liệu Ukraine có nhận được những đảm bảo về an ninh và quốc phòng mạnh mẽ hay không. Kịch bản này cùng với sự cân bằng quyền lực ở một mức độ nào đó có thể dẫn tới lệnh ngừng bắn kéo dài. “Trong trường hợp đó, Ukraine sẽ bị giới hạn trong hoạt động giành thêm lãnh thổ, còn Nga sẽ không thể chiếm thêm nhiều khu vực khác”, ông Musiyenko nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hy vọng của Ukraine về việc đạt được những đột phá trong tương lại phụ thuộc khá nhiều vào sự cung cấp viện trợ kịp thời của phương Tây, trong trường hợp ngược lại, Kiev sẽ đối mặt với rủi ro lớn vì thiếu nhân lực và vũ khí.

Theo một số nhà phân tích, sau 2 năm xung đột diễn ra, cả Nga lẫn Ukraine đều kiệt sức và khó có khả năng tiến hành cuộc tấn công lớn để đạt được những lợi thế chiến lược. Tuy nhiên, Nga vẫn đang tiến về phía trước tại một số điểm dọc theo mặt trận dài 1.000km, sử dụng xe tăng, bộ binh và bom lượn để tấn công lực lượng Ukraine trên tiền tuyến. Ngoài ra, Moscow cũng tấn công các nhà máy điện và thành phố Kharkov – thành phố lớn thứ 2, cách biên giới Nga khoảng 30km. Còn mục tiêu của lực lượng Ukraine hiện nay là giữ vững phòng tuyến cho đến khi nhận được nguồn viện trợ mới vào giữa mùa hè. Sau đó, họ tập trung vào việc cố gắng giành lại lãnh thổ vừa bị mất ở khu vực Donetsk.

Song nhiều chuyên gia quân sự vẫn bày tỏ hoài nghi về việc liệu Ukraine có đủ nguồn lực để nhanh chóng tiến hành những cuộc tấn công hay không. Trong khi đó, Nga đang sử dụng lợi thế về quân số và vũ khí để đẩy lùi đối phương, nhằm tìm cách giành thêm tối đa lợi thế trước khi gói viện trợ quân sự của phương Tây đến Ukraine.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/rui-ro-doi-voi-ukraine-khi-phu-thuoc-nhieu-vao-vien-tro-cua-phuong-tay-post1091670.vov