Rủi ro tài chính qua cách nhìn của thi sĩ

Cuốn sách nhằm kể về triết gia Charles Sanders Peirce và thi sĩ Wallace Stevens - những người tiên phong với nhiều cách nhìn thú vị về rủi ro, bảo hiểm.

Cuốn sách này không nhằm đề cập đến nghiên cứu mới nhất, giúp bạn kiếm tiền trên thị trường chứng khoán hoặc hối thúc bạn phải tiết kiệm nhiều hơn. Và nó không bàn đến cách phân chia tối ưu danh mục tài sản nghỉ hưu của bạn.

Cuốn sách này là nhằm nhân hóa (humanizing) ngành tài chính, bằng cách bắc một chiếc cầu qua cái hố sâu ngăn cách tài chính với văn chương, lịch sử, triết học, âm nhạc, điện ảnh cũng như tôn giáo.

Cuốn sách này là nhằm kể về triết gia Charles Sanders Peirce và thi sĩ Wallace Stevens, vốn là những người tiên phong với nhiều cách nhìn thú vị về các ý niệm rủi ro và bảo hiểm, cũng như kể về nhân vật Lizzy Bennet của cuốn Kiêu hãnh và Định kiến và Violet Effingham của tiểu thuyết Phineas Finn, mà cả hai đều là những chuyên gia quản trị rủi ro bậc thầy. Cuốn sách này sẽ hướng ánh nhìn về mẩu dụ ngôn về các talents (parable of the talents) cũng như John Milton và rút ra những bài học về kiến tạo giá trị và định giá.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay/Pexels.

Sách cũng sẽ nhìn lại xem những khoản hồi môn ở Florence thời Phục hưng được tài trợ ra sao, và điểm qua bộ phim Working Girl, từ đó đưa ra những nhận định về sáp nhập công ty. Qua câu chuyện về sự tán gia bại sản của người giàu nhất châu Mỹ thuộc địa1 và các tấn bi kịch Hy Lạp mà rút ra bài học về phá sản và khó khăn tài chính. Qua sự nghiệp của Jeff Koons và nhân vật Stevens trong tiểu thuyết Tàn ngày để lại (The Remains of the Days) mà rút ra bài học về sức mạnh và sự nguy hiểm của đòn bẩy.

Nói tóm lại, cuốn sách này bàn về cách mà các ngành khoa học nhân văn có thể soi sáng lên những ý tưởng trung tâm của ngành tài chính. Nhưng đồng thời nó cũng bàn về cách mà các ý tưởng trong tài chính có thể đem đến những hiểu biết sâu sắc đáng ngạc nhiên về những khía cạnh nổi trội của căn tính nhân loại.

Như vậy thì, cuốn sách này cũng sẽ diễn giải xem việc hiểu được bảo hiểm sẽ giúp ta lĩnh hội cũng như đương đầu với sự hỗn loạn của thế giới ra sao. Hay như, nếu lĩnh hội được mô hình định giá tài sản tài chính, ta cũng sẽ nhận ra giá trị của những mối quan hệ và bản chất của tình yêu vô điều kiện. Hiểu được phá sản sẽ giúp ta đối ứng với thất bại, và thấu hiểu các lý thuyết về đòn bẩy cũng sẽ dạy ta những bài học về giá trị của cam kết.

Colonial America - sau khi Bắc Mỹ được “phát hiện”, hầu hết các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan đều có khu định cư ở đây.

Dành cho những độc giả không mấy quen thuộc với tài chính nhưng lại có ý tò mò muốn tìm hiểu về ngành này, cuốn sách sẽ tìm cách tóm gọn những ý tưởng chủ đạo của tài chính mà không sử dụng phương trình hay đồ thị nào, tất cả chỉ qua những câu chuyện mà thôi.

Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy nhiều sinh viên của mình sợ sệt khi đứng trước ngành tài chính. Có một lý do giải thích cho điều này - một số người trong ngành muốn làm cho người khác cảm thấy sợ sệt. Bằng việc gắn các câu chuyện vào những khái niệm của tài chính, tôi hy vọng những khái niệm từng khó nhằn sẽ trở nên dễ tiếp cận và thú vị. Ít nhất là, khi một người quen bắt đầu nói về hợp đồng quyền chọn, đòn bẩy, hay tạo ra alpha, bạn sẽ hiểu họ đang nói về cái gì.

Dành cho những người học tập và hành nghề trong ngành tài chính, cuốn sách này cho phép họ xem lại những ý tưởng lớn của môn tài chính bằng cặp mắt tươi mới và khác biệt. Nhiều người làm tài chính mà tôi từng dạy trong lớp của mình từng học môn này theo một kiểu cứng nhắc, vậy nên họ cũng hiểu lơ mơ những khái niệm nền tảng.

Khi tôi hỏi sâu về những ý tưởng trực giác cơ bản, thì việc họ có hiểu công thức cũng không có tác dụng gì lắm, và thêm vào đó họ còn gặp khó khăn trong việc phát biểu những cơ sở nhận thức của những gì mình đang làm. Bằng cách nhìn những ý tưởng đó theo một cách hoàn toàn khác với trước đây, bạn sẽ hiểu chúng sâu sắc hơn, và quan trọng hơn hết là trực giác của bạn cũng sẽ sâu sắc hơn.

Dành cho các độc giả đã dấn sâu vào thế giới tài chính, quyển sách này còn có một lời hứa sau chót nữa. Những gì bạn đang làm ngày hôm nay thường xuyên bị dè bỉu, và khi sự nghiệp của mình bị tô đậm yếu tố tiêu cực như vậy thì bạn sẽ khó có thể tìm ra ý nghĩa của việc mình đang làm.

Nhưng tài chính có một giá trị nội tại, và cũng có nhiều giá trị cao đẹp bên trong tài chính. Bằng việc tìm lại giá trị nội tại và những giá trị cao đẹp này, biết đâu độc giả lại có thể nhận ra được rằng ý nghĩa của sự nghiệp đời mình được khơi nguồn từ chính những giá trị mà bạn vẫn hằng trân trọng.

Trong đoạn kết bài thơ Two Tramps in Mud Time (Hai kẻ lang thang trong bùn), thi sĩ Robert Frost đã ghi lại thật sống động cho chúng ta thấy rằng việc nhìn sự nghiệp và cuộc đời như một thực thể thống nhất thật quan trọng biết bao.

Sống trên đời này tôi chỉ xin nguyện

Cho chơi đùa hòa nhập với nghề chuyên

Như hai mắt chỉ nhìn về một hướng

Khi vui thú và nhu cầu là một Khi làm việc như chơi với tất cả máu lửa

Thì công việc mới thực sự hoàn thành

Cho Trời cao và cho mai sau

Mihir A. Desai/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/rui-ro-tai-chinh-qua-cach-nhin-cua-thi-si-post1459282.html