Rút kinh nghiệm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật về học bổng

'Việc ban hành một công văn hành chính không thể thay thế văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD-ĐT nên rút kinh nghiệm', Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhận định.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình

Sáng 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri một số địa phương phản ánh về việc giáo viên các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phải dạy thêm giờ do thiếu giáo viên, nhưng không được hưởng tiền lương dạy thêm giờ theo quy định.

“Trả lời cử tri, Bộ GD-ĐT lại nêu, chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07 và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện chi trả tiền lương này cho nhà giáo theo quy định. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, Bộ GD-ĐT chưa làm rõ về khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên không được hưởng lương dạy thêm giờ để đưa ra giải pháp giải quyết”, Trưởng Ban Dân nguyện nhận định.

Cơ quan của Quốc hội kiến nghị Bộ GD-ĐT rà soát việc thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên, cần làm rõ nguyên nhân không thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên, trên cơ sở đó có giải pháp để giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

 Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Chính sách khuyến khích để xét cấp học bổng đối với học sinh trường được cử tri phản ánh là “có vướng mắc giữa quy định về hạnh kiểm, học lực với quy định đánh giá, xếp loại kết quả rèn luyện, kết quả học tập của học sinh”. Quy định về đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập: “Học sinh khối THPT chuyên trong cơ sở giáo dục đại học, học sinh trường chuyên có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trong kỳ xét học bổng…”.

Tuy nhiên, Thông tư số 22 ngày 20-7-2021 của Bộ GD-ĐT (quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT) lại đánh giá về kết quả rèn luyện và kết quả học tập của học sinh theo 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt, không đánh giá học sinh có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi, nên các địa phương không có cơ sở để triển khai thực hiện.

Để giải quyết vướng mắc, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn, trong đó đề nghị các địa phương thực hiện chính sách học bổng khuyến khích học tập cho đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập theo cách chuyển tương đương: học sinh đạt kết quả: “rèn luyện đạt mức tốt, kết quả học tập đạt mức tốt” được tính tương đương như học sinh đạt kết quả: “Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi”.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện, việc ban hành một công văn hành chính như trên không thể thay thế văn bản quy phạm pháp luật. Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương rà soát tổng thể trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 (quy định về đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập) hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22 cho phù hợp với thực tiễn để kịp thời thực hiện học bổng khuyến khích học tập cho học sinh, đảm bảo hiệu quả của chính sách tốt đẹp được Nhà nước dành cho học sinh khối THPT chuyên trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời Ban Dân nguyện cũng đề nghị Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng trình ban hành và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/rut-kinh-nghiem-trong-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-ve-hoc-bong-post739914.html