Sắc màu từ chiến trường

Trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến của dân tộc, nhiều họa sĩ để lại gia tài là các tác phẩm hội họa kháng chiến… Sắc màu hiện thực của những năm tháng ấy luôn nhắc nhớ về một thời gian lao mà anh dũng.

Khách tham quan triển lãm “Hồi ký chiến trường qua tranh họa sĩ Nguyễn Hiêm” tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San. Ảnh: THIÊN THANH

Khách tham quan triển lãm “Hồi ký chiến trường qua tranh họa sĩ Nguyễn Hiêm” tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San. Ảnh: THIÊN THANH

Triển lãm nơi chiến hào

Năm tháng của 2 cuộc kháng chiến vệ quốc, trong lớp người lên đường vì ngày độc lập có không ít nghệ sĩ. Khoác lên mình trách nhiệm người lính nhưng họ cũng không quên những rung động thổn thức của trái tim người nghệ sĩ. Và điều quý giá nhất của người họa sĩ khi tham gia chiến trường là tích lũy được vốn sống
và vốn sáng tác.

Những ai biết về Phòng Hội họa Giải Phóng (B11), tiền thân của Hội Mỹ thuật TPHCM ngày nay, có lẽ không xa lạ gì với họa sĩ Huỳnh Phương Đông. Là người trong cuộc, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã sáng tác nhiều tác phẩm chân thực về cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc bằng cảm quan của người chiến sĩ - nghệ sĩ. Những ký họa: Cảnh chiến trường, Trên trận địa, Mậu Thân 1968, Em Kim Liên Phòng Hội họa Giải Phóng… chính là những ký họa gợi lên từ chiến trường năm ấy.

Sự phóng khoáng, sống động và tự nhiên trong bút pháp của họa sĩ Huỳnh Phương Đông với các chất liệu như: chì, bút sắt, mực đen, thuốc nước, phấn màu... đem lại một cái nhìn tổng quan về cách mà họa sĩ hoạt động nghệ thuật trên chiến trường và khiến người xem cảm nhận được tinh thần lạc quan yêu đời của các chiến sĩ - nghệ sĩ. Những ký họa nơi chiến trường năm ấy, không chỉ là lời động viên của người nghệ sĩ tham gia chiến trường, đây còn là những trang sử bằng tranh vô cùng quý giá, hữu ích cho việc tìm hiểu nghệ thuật tạo hình trong ký họa kháng chiến.

Sau làn tên mũi đạn, những phút tạm nghỉ ngơi trên chiến trường, người chiến sĩ - nghệ sĩ cũng góp nhặt những gì có sẵn, tổ chức các cuộc triển lãm bên chiến hào - một ý tưởng để động viên tinh thần đồng đội ngoài mặt trận. Phòng Hội họa Giải Phóng vừa chiến đấu vừa sáng tác và triển lãm ngay bên chiến hào, trên đường hành quân. Những bức ký họa được treo trên dây dọc đoạn đường hành quân, người đi đầu sẽ thực hiện nhiệm vụ treo tranh và người cuối cùng sẽ gom tranh đem về căn cứ.

Hồi ký chiến trường

Trong số các kỷ vật trưng bày trong triển lãm “Hồi ký chiến trường qua tranh họa sĩ Nguyễn Hiêm” đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (189B/3 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức), câu chuyện ấn tượng nhất có lẽ là ống thiếc đựng tranh của ông.

Là người chiến sĩ, họa sĩ, Nguyễn Hiêm đi đó đây mang theo trên mình một chiếc ống thiếc lớn được cắt ra từ thân súng bazooka, chứa đầy những ký họa lớn nhỏ được ông vẽ khắp các chiến trường. Những tác phẩm như một dạnghồi ký chiến trường dưới hình thức hội họa, tái hiện tinh thần kiên cường, anh dũng của những lớp người năm ấy... thể hiện sống động, trọn vẹn qua từng nét vẽ. Triển lãm còn trưng bày nhiều vật dụng khác gắn bó với cố họa sĩ Nguyễn Hiêm, cùng ông đi qua năm tháng kháng chiến như: nón cối bộ đội, đàn măng-đô-lin, sách Bách khoa toàn thư Liên Xô,…

Bà Nguyễn Thị Mai Khanh, con gái cố họa sĩ Nguyễn Hiêm, kể: “Khi ở mặt trận Quân khu 9, ba tôi phải đi công tác liên tục, nên đã gửi chiếc ống thiếc đựng toàn bộ số tranh (trong đó có tác phẩm “Trận Tầm Vu”) cho bà con ở gần đó giữ hộ. Năm 1954, trước giờ ông phải tập kết ra Bắc, đang trong lệnh giới nghiêm, ông đã trốn đơn vị, chèo thuyền quay về nhà dân để lấy lại chiếc ống thiếc thì thấy người dân đang chất củi chuẩn bị đốt toàn bộ số ký họa này vì sợ khi giặc đến sẽ bị liên lụy... Lần đó, ba tôi bị kỷ luật, nhưng bù lại những tác phẩm ký họa trong chiếc ống thiếc bazooka sau này được Giải thưởng Lớn tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1954”.

Tác phẩm “Trận Tầm Vu” trong ống thiếc bazooka suýt bị đốt đi trong gang tấc năm ấy là một trong số những tác phẩm hội họa hiếm hoi ghi lại hiện thực cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của quân và dân Nam bộ, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội.

Tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Hiêm ký họa trực tiếp tại chiến trường, ghi lại hình ảnh bộ đội và du kích băng cánh đồng tiêu diệt một đoàn quân địch có xe tăng và pháo đi càn… Tác phẩm có hình ảnh đặc tả một chiến sĩ mình trần, mặc quần đùi, tay cầm mã tấu, cùng đoàn quân xông lên giết giặc, phản ánh tinh thần một thời kháng chiến mà người dân dải đất hình chữ S trong tay chỉ có tầm vông vạt nhọn vẫn hiên ngang chống trả kẻ thù, giữ lấy từng tấc đất quê hương.

Do chiến tranh, rất nhiều tác phẩm hội họa trong kháng chiến đã không còn đầy đủ và trọn vẹn. Tác phẩm còn lưu giữ được, màu sắc dẫu bị ảnh hưởng bởi thời gian, nhưng câu chuyện hào hùng của những năm tháng ấy không bao giờ thay đổi, bởi lịch sử là có thật và duy nhất… Từ chiến trường gian lao, những tác phẩm ký họa kháng chiến đã kể lại những câu chuyện anh hùng cho lớp trẻ hômnay và mai sau.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sac-mau-tu-chien-truong-post719604.html