Sai lầm trong dùng thuốc ở người bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là căn bệnh mãn tính, đòi hỏi người bệnh cần tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là khi người bệnh mắc phải những lỗi sai cơ bản trong quá trình dùng thuốc, sinh hoạt và ăn uống…

Dưới đây là 5 sai lầm thường gặp ở người bệnh đái tháo đường, người bệnh cần lưu ý để điều chỉnh kịp thời, để quản lý đường huyết hiệu quả:

TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

1. Tự ý bỏ thuốc tây, chuyển sang dùng thuốc nam, đông y, thực phẩm chức năng…

Nam bệnh nhân Nguyễn Quang M., 61 tuổi (Hà Nội), được chẩn đoán đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hơn 7 năm, dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, bệnh tương đối ổn định.

Sau khi xem quảng cáo thuốc đông y trên mạng xã hội, bệnh nhân đã tự ý bỏ thuốc bác sĩ kê, chuyển qua dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Sau một thời gian, bệnh nhân thấy mệt mỏi nhiều, gầy, sút cân, tê bì tay chân, mắt nhìn mờ và nhập viện trong tình trạng đường máu và chỉ số HbA1C cao.

TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, trường hợp bệnh nhân M. nói trên không phải hiếm gặp. Rất nhiều người bệnh tự ý bỏ thuốc tây, chuyển sang sử dụng các loại thuốc không rõ xuất xứ, được quảng cáo có thể chữa dứt điểm đái tháo đường.

Theo đó, trong thời gian đầu sử dụng, người bệnh có thể cảm thấy người khỏe khoắn hơn, các triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, sức khỏe của người bệnh giảm sút, thậm chí có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm, dẫn đến tử vong.

TS.BS. Lê Quang Toàn cho biết, những loại thuốc này rất có thể chứa thành phần phenformin - một loại thuốc trị đái tháo đường đã bị cấm lưu hành từ lâu, vì nguy cơ gây toan máu do nhiễm axit lactic cao với tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở người lớn tuổi và suy thận.

Bác sĩ Toàn nhấn mạnh, người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc và trao đổi trước với bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ phương pháp điều trị đái tháo đường nào, để tránh xảy ra tương tác thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc điều trị hoặc gây tác dụng không mong muốn. Bên cạnh đó, người bệnh cần cảnh giác với lời lan truyền về phương pháp điều trị không chính thống, tránh trường hợp "tiền mất tật mang".

Lời khuyên của bác sĩ giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát tốt đường huyết.

2. Tự ý thay đổi liều lượng thuốc hoặc dùng chung đơn điều trị đái tháo đường với người khác

Nhiều người bệnh đái tháo đường có xu hướng lơ là việc uống thuốc hoặc tự ý giảm liều khi thấy đường huyết ổn định. Điều này rất nguy hiểm, có thể khiến đường huyết tăng cao mà bệnh nhân không ý thức được, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, đái tháo đường là bệnh mãn tính, người bệnh cần tái khám định kỳ để được bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe và điều chỉnh thuốc kịp thời sao cho phù hợp.

Nếu người bệnh không tái khám định kỳ hoặc sử dụng mãi một đơn thuốc mà không có sự điều chỉnh có thể khiến hiệu quả điều trị và phòng ngừa bị giảm sút.

Ngoài ra, cũng có trường hợp bệnh nhân tự ý dùng thuốc theo đơn của người thân, người quen bị đái tháo đường. Theo TS.BS. Lê Quang Toàn, không thể sử dụng đơn thuốc của người khác vì tình trạng bệnh, khả năng đáp ứng với thuốc điều trị, các bệnh lý mắc kèm của mỗi người đều khác nhau. Người bệnh cần trực tiếp thăm khám với bác sĩ và tuân thủ việc dùng thuốc để có kết quả tốt nhất.

Người bệnh đái tháo đường tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Người bệnh đái tháo đường tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

3. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Người bệnh đái tháo đường không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn các thực phẩm chứa đường và tinh bột.

TS.BS. Lê Quang Toàn khuyên người bệnh đái tháo đường nên xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ chất, bao gồm tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Về lượng tinh bột nên nạp vào cơ thể hàng ngày, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn lượng phù hợp, tránh tiêu thụ quá mức gây tăng đường huyết cao.

4. Theo dõi đường huyết không đúng cách

Người bệnh đái tháo đường cần thường xuyên theo dõi đường huyết của mình. Chỉ số đường huyết lúc đói và sau khi ăn đều có ý nghĩa quan trọng và người bệnh cần theo dõi, kiểm soát chúng. Đối với người bị đái tháo đường và điều trị bằng thuốc, giá trị an toàn của các chỉ số đường huyết như sau:

Đường huyết lúc đói: 80-130 mg/dL (tức nhỏ hơn 7 mmol/dL)
Đường huyết sau ăn hoặc đo lúc ngẫu nhiên nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/dL)
Giá trị HbA1C < 7%

Người bệnh đái tháo đường cần thường xuyên theo dõi đường huyết của mình.

Người bệnh đái tháo đường cần thường xuyên theo dõi đường huyết của mình.

5. Không tập luyện thể dục vì lo sợ hạ đường huyết

Một số người bệnh đái tháo đường hạn chế tập luyện thể dục thể thao vì lo sợ có thể gây hạ đường huyết. Tuy nhiên, tập luyện điều độ, phù hợp với thể trạng giúp người bệnh đái tháo đường duy trì cân nặng ổn định, cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết và tăng hiệu quả sử dụng insulin của cơ thể.

TS.BS. Lê Quang Toàn khuyến cáo nên tập luyện ít nhất 150 phút/tuần ở cường độ trung bình, tương đương với đi bộ 5km/h, chia thành 5 buổi mỗi tuần.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Rung nhĩ: Triệu chứng và lưu ý khi điều trị bệnh

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sai-lam-trong-dung-thuoc-o-nguoi-benh-dai-thao-duong-169230410120338685.htm