Sân khấu thiếu nhi: Làm mới nhưng thiếu 'bom tấn'

Nhiều tác phẩm sân khấu cho thiếu nhi liên tiếp ra mắt. Các nhà hát chịu khó đổi mới từ kịch bản, kỹ thuật biểu diễn đến hình ảnh, trang phục diễn viên... Tuy nhiên, vẫn thiếu vắng những tác phẩm bùng nổ.

Chờ đợi thêm những đề tài, kịch bản đột phá cho thiếu nhi

Chờ đợi thêm những đề tài, kịch bản đột phá cho thiếu nhi

Giao lưu, hợp tác quốc tế

Hàng loạt vở diễn dành cho thiếu nhi được các nhà hát giới thiệu nhân dịp hè. Các vở diễn được đầu tư từ kịch bản đến hình ảnh, kỹ xảo. Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức chuỗi chương trình Mùa hè yêu thương, gồm bốn vở diễn: Bữa tiệc của Elsa, Vị vua không ngai, Giải cứu bà nội, Zorba - chú mèo thám tử. Hai vở diễn Giải cứu bà nội, Zorba - chú mèo thám tử đánh dấu sự kết hợp giữa Nhà hát Tuổi trẻ và các nhà hát quốc tế.

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, khẳng định, việc hợp tác với các nhà hát quốc tế được thực hiện thường xuyên nhằm tiếp cận những công nghệ, kỹ thuật sân khấu trên thế giới. “Điều kiện tiên quyết mà nhà hát hướng tới là đổi mới và đến gần nhất với xu thế sân khấu thế giới. Những nhà hát quốc tế mà chúng tôi hợp tác đều là những đơn vị có nhiều kinh nghiệm, có chức năng, nhiệm vụ thực hiện các vở diễn cho thiếu niên, nhi đồng”, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cho biết.

Dịp này, Nhà hát Kịch Việt Nam tung ra nhiều vở diễn mới như Bộ quần áo mới của hoàng đế, Rồng thần trở lại, Biệt đội siêu anh hùng nhằm phục vụ khán giả trẻ. Bộ quần áo mới của hoàng đế được chuyển thể dựa trên truyện Andersen cùng tên do đạo diễn người Nhật Hiroyuki Muneshighe dàn dựng. Tác phẩm xoay quanh hoàng đế chỉ chú trọng chưng diện, không quan tâm tới đời sống cơ cực của người dân khi nơi hạn hán, chỗ lũ lụt. Vở kịch Rồng thần trở lại trở lại với phiên bản mới do bộ đôi NSND Xuân Bắc và NSND Tự Long dàn dựng. Đây là sân khấu đặc sắc lấy cảm hứng từ tác phẩm nổi tiếng Bảy viên ngọc rồng.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam giới thiệu hai vở diễn đặc sắc: xiếc - ảo thuật Nhật Bản Ninja Magic show và Giấc mơ tuổi thần tiên. Vở xiếc kết hợp ảo thuật tái hiện bối cảnh ở xứ sở hoa anh đào xa xưa, nơi có hai anh em đứng lên chiến đấu với vị vua ham quyền lực. Từ cốt truyện này, các nghệ sĩ ảo thuật Nhật Bản với phong cách chiến binh ninja huyền thoại “chiến đấu” cùng các tiết mục xiếc mạo hiểm của nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên xiếc Việt Nam và đoàn nghệ sĩ Nhật Bản hợp tác, giao lưu văn hóa.

Chương trình Giấc mơ tuổi thần tiên là sự kết hợp của các màn biểu diễn kịch tính theo các hoạt cảnh được kết nối thông qua người dẫn chuyện. Những màn chiến đấu bảo vệ lẽ phải và thể hiện sự dũng cảm của các nhân vật được thể hiện bằng ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc.

Nắm bắt thị hiếu khán giả

Bất chấp sự đổi mới, một số vở diễn vẫn phải trầy trật cạnh tranh với vô vàn lựa chọn giải trí khác. NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cho biết, đã bán hết nhiều suất diễn của các vở kịch thiếu nhi mới ra mắt.

Theo khảo sát tại trang web đặt vé của Nhà hát Tuổi trẻ, lượng vé bán ra của hai vở diễn Bữa tiệc của Elsa và Vị vua không ngai chưa đạt như kỳ vọng. Hầu hết các buổi diễn từ đây đến đầu tháng 6 chưa thể lấp đầy khán phòng. Vở nhạc kịch Bữa tiệc của Elsa diễn vào 20h ngày 1/6 mới chỉ bán hết 10 hàng ghế. Suất diễn lúc 20h ngày 25/5 cũng trong tình cảnh tương tự. Tình trạng bán vé của vở Vị vua không ngai chưa khởi sắc, bởi năm học chưa kết thúc nên nhu cầu thưởng thức còn dè dặt.

Nếu không cởi bỏ tư duy, cách làm cũ, chương trình dành cho thiếu nhi khó trụ vững. Ảnh: KỲ SƠN

Nếu không cởi bỏ tư duy, cách làm cũ, chương trình dành cho thiếu nhi khó trụ vững. Ảnh: KỲ SƠN

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, khẳng định, việc tìm đầu ra cho các tác phẩm là trọng trách của người đứng đầu đơn vị nghệ thuật. Nếu không cởi bỏ tư duy, cách làm cũ, không chịu đổi mới, những chương trình dành cho thiếu nhi khó trụ vững. “Trước đây, xiếc Việt Nam đi theo cách làm cũ, mang những màn biểu diễn truyền thống đi khắp nơi. Nhưng bây giờ, chúng tôi chủ động tìm kiếm thị trường, nghiên cứu thị hiếu khán giả. Đặc biệt, xiếc Việt hiện nay phải theo xu hướng của giới trẻ”, NSND Tống Toàn Thắng nói.

Chiến lược của Liên đoàn Xiếc Việt Nam là mỗi mùa, mỗi năm phải nghiên cứu cách làm mới để tiếp cận khán giả. Gần đây, nhiều chương trình xiếc được dàn dựng kết hợp với rap, ảo thuật… Sự đổi mới có thể đến từ những chi tiết rất nhỏ như trang phục, âm nhạc…

NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, phân tích, đối tượng khán giả là thiếu nhi luôn cần cách tiếp cận nghệ thuật mới mẻ. “Cách dàn dựng cho thiếu nhi được đội ngũ đạo diễn ở Nhà hát Kịch Việt Nam chú trọng. Những phần giao lưu giữa nghệ sĩ với khán giả đẩy không khí, cảm xúc của chương trình nghệ thuật lên cao”, NSND Xuân Bắc nói.

Cách tiếp cận mới mẻ giúp khán giả nhỏ tuổi bồi đắp nhãn quan nghệ thuật phong phú. Ê-kíp dàn dựng phải lưu ý đến phản ứng của các bạn nhỏ để tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Vì thế, Bộ quần áo mới của hoàng đế được khán giả nhí đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là phần tung hứng, giao lưu của nghệ sĩ trên sàn diễn với hàng trăm khán giả hò reo bên dưới.

Tuy nhiên, nhiều nhà sáng tạo phải thừa nhận, mảng đề tài cho thiếu nhi chưa thực sự phong phú. Hầu hết các vở kịch được chuyển thể từ truyện cổ tích hoặc truyện cổ Andersen, truyện ngụ ngôn phương Tây. Nhìn nhận vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay, NSND Xuân Bắc đề cập tầm quan trọng của các hội thi, liên hoan sân khấu. Thực tế, không ít tác giả nhầm lẫn giữa viết về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi. Đó cũng là lý do khiến đội ngũ sáng tác kịch bản cho khán giả nhí chưa hùng hậu, chất lượng trong khi đòi khán giả ngày càng khắt khe hơn.

Đổi mới, nâng cao chất lượng nhân lực

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến nhận định, việc đổi mới, đầu tư nhằm phục vụ khán giả nhí không chỉ nằm ở khâu kịch bản mà còn sự đổi mới kỹ thuật, công nghệ biểu diễn. Những điều này được nâng cao thông qua các chương trình hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của nhà hát cần theo kịp đòi hỏi ngày càng cao của khán giả. Nghệ sĩ không chỉ cần kỹ năng diễn xuất mà phải biết nhảy, hát để vừa diễn kịch nói, nhạc kịch, kết hợp hình thể...

NSND Tống Toàn Thắng nhấn mạnh, nghệ sĩ xiếc cần biểu diễn được những nét đặc trưng của nhân vật hoạt hình được yêu thích như người nhện, người khổng lồ xanh… “Nghệ sĩ xiếc hiện nay phải gia tăng tương tác với khán giả, đọc thoại trơn tru trên sân khấu, vừa đu bay trên dây vừa diễn xuất. Những yêu cầu này đều nằm trong chiến lược đào tạo, phát triển bền vững của Liên đoàn”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

GIA LINH - NGỌC ÁNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/san-khau-thieu-nhi-lam-moi-nhung-thieu-bom-tan-post1637528.tpo