Sáng ngời nhân cách vĩ đại!

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân, tình yêu nhân loại và tình yêu thiên nhiên. Người còn là một tấm gương sáng ngời về lối sống giản dị.

Lòng yêu nước nồng nàn của Bác

Năm 1918, trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến đảo Réunion thăm vị vua yêu nước Thành Thái đang bị thực dân Pháp giam cầm tại đây. Nhớ lại việc này, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, Vua Thành Thái đã nói: “Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt”.

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 9/9/1969) nhấn mạnh: “Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chủ tịch đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước... Hoài bão lớn nhất của Hồ Chủ tịch là Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được hạnh phúc”.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch.

Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk vào ngày 4/9/1969 đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử các dân tộc Đông Dương và tất cả các dân tộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh như là tượng trưng cho cuộc đấu tranh yêu nước giành độc lập dân tộc”.

Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu vào ngày 10/9/1969 đã nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Lịch sử sẽ ghi tên tuổi của Người như một vị lãnh tụ, một nhà yêu nước kính yêu của nước Ngài, một chiến sĩ đấu tranh cho độc lập dân tộc”.

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”.

Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn và nhớ đến Bác trong các sự kiện của đất nước.

Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn và nhớ đến Bác trong các sự kiện của đất nước.

Tấm lòng thương yêu Nhân dân của Bác Hồ

Muốn cho nhân dân ấm no và hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người nói một cách giản dị, dễ hiểu: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc”, “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội” và “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang”. Do đó, khi miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người khẳng định: “xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống no ấm và hạnh phúc cho nhân dân”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh trong điếu văn tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.

Ngày 23/3/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới thăm nơi ở và làm việc trong những năm cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xúc động ghi lại những dòng cảm tưởng: “Tôi luôn khắc sâu vào tim tinh thần yêu nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tình yêu nhân loại của Bác Hồ

Ngày 4/9/1969, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đã đánh giá cao những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đức độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tụy hy sinh và lòng dũng cảm của Người sẽ cổ vũ thế hệ mai sau”.

Ngày 5/9/1969, Ủy ban toàn quốc Đảng Cộng sản Mỹ cũng nhận định: “Tên tuổi của đồng chí Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất và những ước mơ cao quý nhất của nhân loại nhằm thực hiện một cộng đồng anh em thực sự của nhân dân các nước được hưởng quyền bình đẳng và được thỏa mãn đầy đủ những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, một thế giới không có chiến tranh, không có sự tàn bạo, sự nghèo khổ và sự phân biệt đối xử”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ nhân dân Tiệp Khắc, tháng 7/1957.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ nhân dân Tiệp Khắc, tháng 7/1957.

Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1990, Tiến sĩ Modagat Ahmet, Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương, đã nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới giai đoạn 1977-1995 Romet Chandra nhận định: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.

Ngày 12/11/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. Ông đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết trong sổ lưu niệm: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng, giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai... Và, vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.

Tính đến nay, đã có 35 tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở 20 nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Pháp, Nga, Hungary, Cuba, Venezuela, Argentina, Mexico, Chile, Panama, Dominica, Madagascar...). Có nhiều đường phố, đại lộ (riêng Pháp có 7 đường phố, Italy có 21 đường phố), 16 khu tưởng niệm và công viên, 6 bia tưởng niệm, 6 trường học mang tên Người ở nước ngoài.

Tình yêu thiên nhiên của Bác Hồ

Khi trở thành Chủ tịch nước, nhà sàn trong Phủ Chủ tịch chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh hòa mình sống với thiên nhiên. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Ở đây, Hồ Chí Minh đã sống với thiên nhiên. Đây không chỉ là khung cảnh mà còn là lối sống đem lại những niềm vui quý báu đối với con người mà cái xã hội văn minh ngày nay hầu như muốn tước đoạt với những thành phố khổng lồ, những nhà nhiều tầng đầy đủ tiện nghi. Trong đó có những thứ không cần thiết, môi trường bị ô nhiễm, phá hoại thiên nhiên và nguy hại cho con người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội), ngày 16/2/1969.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội), ngày 16/2/1969.

Bà Katherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2010 đã nhận định: “Với tầm nhìn xa rộng của mình, Người đã nhận thấy trước ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tăng cường mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, làm thủy lợi và cải thiện chất đất. Người khuyến khích nhân dân trồng thật nhiều cây”.

Tính cách giản dị của Bác Hồ

Tuần báo “Đây Paris” ra ngày 18/6/1946 có bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài báo viết rằng Người mặc một bộ quần áo kaki và từ chối thay những bộ đồ trang trọng bởi theo Người thì nhân dân Việt Nam vẫn còn nhiều người thiếu áo quần trong giá rét.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đất nước Ấn Độ vào tháng 2/1958. Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru trong bài phát biểu chào mừng Người đã bày tỏ: “Chúng ta có dịp đón chào nhiều vị thượng khách đến từ nhiều nước, nhưng vị khách chúng ta có dịp đón chào hôm nay thật là độc đáo, vô song. Không một vị khách quý nào của chúng ta lại giản dị đến thế và chỉ nhìn thấy Người là chúng ta bị cuốn hút ngay. Đây là con người có trái tim vĩ đại và được tiếp đón Người, chúng ta dường như lớn thêm lên!”.

Trong điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh: “Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ... Cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ tịch là tấm gương mãi mãi sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị”.

“Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/sang-ngoi-nhan-cach-vi-dai--i731641/