Sáng tạo từ đôi dép Bác Hồ

Trong lịch sử, đôi dép cao su - 'đôi dép Bác Hồ' là hình ảnh mang tính đại diện cho lối sống thanh cao, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành huyền thoại gắn với bước chân của người chiến sĩ trên khắp các chiến trường bảo vệ Tổ quốc. Gần 80 năm qua, dép cao su (hay dép lốp) đã có lịch sử phát triển đầy tự hào, từ chiến tranh bước ra thế giới với tư cách một biểu tượng đầy kiêu hãnh và một thương hiệu Việt ấn tượng.

Biểu tượng của ý chí Việt Nam

Hẳn trong chúng ta ai cũng từng nghe những câu hát trong bài “Đôi dép Bác Hồ” của nhạc sĩ Văn An, phỏng thơ Tạ Hữu Yên: “Đôi dép cao su/ Đôi dép Bác Hồ/ Bác đi từ ở chiến khu Bác về...”; hay những câu thơ đầy tình cảm được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm gửi gắm trong trường ca “Mặt đường khát vọng”: “Đôi dép của Người mòn vẹt gót/ Người đã đi khắp ngả đường đất nước hành quân”. Đôi dép cao su đã gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 20 năm, suốt từ năm 1947 cho đến khi Người mất (năm 1969), trở thành hình ảnh biểu tượng về lối sống giản dị, tiết kiệm, yêu nước, thương dân của vị Cha già dân tộc.

Đôi dép của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà An

Đôi dép của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà An

Năm 1970, để phục vụ cho việc trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tìm đến Xí nghiệp dép lốp Trường Sơn (số 45 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đặt làm 10 đôi dép Bác Hồ để trưng bày tại các bảo tàng trên toàn quốc. Khi ấy, anh công nhân trẻ Phạm Quang Xuân vinh dự là 1 trong 5 người được chọn tái hiện đôi dép của Bác. Với kỹ năng điêu luyện cùng óc quan sát tốt, đôi dép do Phạm Quang Xuân làm được đánh giá là giống đôi dép Bác từng sử dụng tới 95%. Hiện, những đôi dép này vẫn được trưng bày tại Khu di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh để du khách trong và ngoài nước có thể hiểu thêm về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Mẫu “dép Bác Hồ” (trái) và “dép bác Giáp” (phải) được trưng bày tại cửa hàng của Vua dép lốp. Ảnh: Linh Tâm

Mẫu “dép Bác Hồ” (trái) và “dép bác Giáp” (phải) được trưng bày tại cửa hàng của Vua dép lốp. Ảnh: Linh Tâm

Nghề làm dép cao su khá phổ biến ở Hà Nội trong những năm chiến tranh cho đến khoảng đầu thập niên 1990. Khi ấy ở Hà Nội có nhiều người làm dép lốp, nhưng đa phần là các mẫu thô sơ. Mẫu phổ biến nhất là hai quai đúc nhỏ bắt chéo đằng trước và hai quai hậu. Đây là loại được các chiến sĩ dùng nhiều trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ bởi tính bền chắc, dễ sử dụng, có thể đi trong mọi điều kiện thời tiết. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ với “sao trên mũ”, chân mang đôi dép lốp “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã trở thành biểu tượng khắc sâu trong lòng bao thế hệ người Việt.

Sau đó, nghề làm dép lốp rơi vào thoái trào. Số người làm nghề ngày càng ít, nhưng nghệ nhân Phạm Quang Xuân vẫn bám nghề dù có lúc ông phải xoay sang nhiều nghề khác để nuôi gia đình. Cũng bởi nhiều năm theo nghề nên nghệ nhân Phạm Quang Xuân hiểu rất rõ nỗi vất vả của nghề làm dép lốp. Vì thế, khi người con rể Nguyễn Tiến Cường ngỏ ý muốn học nghề, ông đã từ chối bởi không muốn anh Cường từ bỏ công việc đang làm với mức thu nhập khiến nhiều người mơ ước. Thậm chí có lúc ông phát cáu, bỏ mặc người con rể tự làm, tự học. Ngoài những kỹ thuật cơ bản, ông nhất quyết không dạy thêm những “ngón” riêng của mình. Dù vậy, anh Cường vẫn luôn quan sát, “học mót” cách ông Xuân làm rồi học cả những người bên ngoài. Làm được đôi nào anh lại nhờ ông đóng góp ý kiến. Trước độ “lì” và niềm đam mê của anh Cường, nghệ nhân Phạm Quang Xuân phải “đầu hàng”, truyền hết bí quyết cho con rể. Từ đó, hai người đàn ông một già một trẻ cặm cụi làm ra những đôi dép lốp độc đáo phục vụ khách hàng trong “khu xưởng” rộng chừng 10m2 trên phố Nguyễn Biểu.

Bước ra thế giới với niềm tự hào thương hiệu Việt

Sau một thời gian “chân trong chân ngoài” làm hai công việc cùng lúc, anh Nguyễn Tiến Cường nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống là được làm những điều mình đam mê. Vậy là anh quyết định từ bỏ công việc ổn định để “khởi nghiệp” bằng nghề làm dép lốp. Tính anh cũng tỉ mỉ như bố vợ nên ban đầu, mỗi khi làm xong một đôi dép cho khách là anh lại nắn nót viết thư cảm ơn cùng những dòng giới thiệu lịch sử, ý nghĩa của dép lốp. Từng có thời gian, mỗi khách hàng phải chấp nhận quy tắc của gia đình ông Xuân là chỉ được mua một đôi trong vòng 1 năm. Thông tin của khách hàng cùng loại, cỡ dép đều được ghi lại trong một cuốn sổ. Bởi vậy mà có thời, người Hà Nội coi việc sưu tầm dép lốp là một thú chơi.

Anh Nguyễn Tiến Cường và du khách sau trải nghiệm làm dép lốp. Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Tiến Cường và du khách sau trải nghiệm làm dép lốp. Ảnh: NVCC

Từ năm 2016, ý thức được việc phải đưa dép lốp lên một tầm cao mới, để có thể sống được bằng nghề và dép lốp có thể “bước ra” thế giới, anh Nguyễn Tiến Cường đầu tư xây dựng thương hiệu “Vua dép lốp” như một sự khẳng định vị thế, tính độc đáo và giá trị sản phẩm. Nếu như trước đây, dép lốp chỉ có 4 - 5 kiểu cơ bản với các tên gọi như “dép Bác Hồ”, “dép Bác Giáp”, “dép Khe Sanh”... thì nay đã có tới 50 mẫu mã, kiểu dáng với hàng chục size (cỡ) khác nhau dành cho từ trẻ em (size 20) đến người lớn (size 49). Đặc biệt, anh Cường cùng những người thợ giỏi của mình luôn tìm cách cải tiến mẫu mã, chất lượng dép để bắt kịp xu hướng thời trang của nhiều đối tượng khách. Các mẫu dép của "Vua dép lốp" thay đổi đến “chóng mặt”, dù mang phong cách hiện đại, “bắt trend” theo những mẫu mã của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc.

Anh Cường cho biết: “Dù nỗ lực đổi mới nhưng tôi luôn chú trọng gìn giữ giá trị truyền thống trong từng sản phẩm. Đấy cũng là bí quyết để dép lốp tồn tại bao năm qua. Nguyên liệu sản xuất dép lốp phải là cao su được “mổ” từ những chiếc lốp xe siêu trường siêu trọng hoặc lốp máy bay... Còn quai dép được làm từ phần má lốp có độ mỏng, mềm hơn”.

Bằng kỹ thuật đục “1 thẳng 2 chéo”, tùy theo size dép mà kích thước lỗ đục quai to nhỏ khác nhau, sao cho khi “lên quai”, khách đi vào cảm thấy ôm vừa khít, tạo độ thoải mái và không bị đau chân. Dép lốp trở nên độc đáo là nhờ kỹ thuật “lên quai” chỉ có thể làm bằng tay mà không máy móc hiện đại nào có thể thay thế. “Với trình độ kỹ thuật, máy móc hiện đại ngày nay, người ta có thể nhanh chóng sản xuất hàng loạt sản phẩm có mẫu mã giống của mình mà giá thành rẻ hơn. Nhưng chính nhờ kỹ thuật “lên quai” thủ công cùng tay nghề cao của những người thợ nên sản phẩm của chúng tôi không bị nhái” - anh Nguyễn Tiến Cường chia sẻ. Đó cũng chính là sự sáng tạo trên nền tảng kế thừa kinh nghiệm truyền thống mà anh học được từ nghệ nhân Phạm Quang Xuân.

Nhiều năm nay, khách hàng của anh Cường chủ yếu là người nước ngoài. Sản phẩm của anh được tiêu thụ tại chỗ hoặc xuất sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ... Trước thời điểm dịch Covid-19, lúc cao điểm anh bán tới 10.000 đôi dép/ tháng. Rồi dịch ập tới, anh Cường tập trung vào khách nội địa, đặc biệt là học sinh. Anh kết hợp cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hà Nội cho học sinh trải nghiệm các công đoạn làm dép hay mô hình móc khóa dép cao su thu nhỏ. Khi du khách nước ngoài trở lại Việt Nam, anh bắt đầu kết hợp cùng một số doanh nghiệp lữ hành inbound, đưa khách đến trải nghiệm các công đoạn làm dép, đồng thời nghe kể về lịch sử hình thành của “đôi dép Bác Hồ”. Bà Samantha Brown, một du khách người Mỹ chia sẻ: “Sau khi được trải nghiệm làm thử một vài công đoạn, tôi rất khâm phục sự khéo léo và sức sáng tạo của những người thợ. Đôi dép này đi rất nhẹ, êm và thoải mái, đồng thời hình thức cũng rất bắt mắt và toát lên một tinh thần Việt”.

Tình yêu với đôi dép lốp mà anh Nguyễn Tiến Cường “gieo mầm” cách đây hơn 10 năm giờ đã kết thành “quả ngọt”. Có lẽ, đây còn là món quà xứng đáng dành cho người vừa biết trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử, lại vừa dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sang-tao-tu-doi-dep-bac-ho-666820.html