'Sát thủ thầm lặng' càn quét Đông Nam Á

Nắng nóng gay gắt làm nhiều khu vực ở Nam, Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiệt độ cao nhất có nơi lên đến 47 độ C, được xếp ở mức 'cực kỳ nguy hiểm'.

Nắng nóng gay gắt thiêu đốt nhiều khu vực Nam và Đông Nam Á trong ngày 24/4. 6.700 trường học ở Phillippines phải tạm ngưng hoạt động, Thái Lan đã phát cảnh báo về nắng nóng cho người dân thủ đô và những tín đồ ở Bangladesh thì đang cầu mưa ngày đêm.

Liên Hợp Quốc xác định châu Á là khu vực hứng chịu thiên tai nhiều nhất năm 2023. Trong đó, lũ lụt và mưa bão là nguyên nhân chính gây thương vong, thiệt hại kinh tế.

6.700 trường học đóng cửa

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài, thường xuyên và dữ dội hơn.

Erlin Tumaron, 60 tuổi, làm việc tại một khu nghỉ dưỡng ven biển Philippines, nơi nhiệt độ cao nhất lên đến 47 độ C hôm 24/4, cho biết: “Trời nóng đến mức không thể thở được”.

“Thật ngạc nhiên là hồ bơi của chúng tôi vẫn vắng khách. Tôi đã nghĩ mọi người sẽ đến bơi để giải nhiệt. Tuy nhiên, có vẻ họ không muốn ra khỏi nhà”, ông nói thêm.

Tháng 3, tháng 4 và tháng 5 là những tháng nóng và khô nhất ở Philippines. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết năm nay càng trở nên khắc nghiệt vì hiện tượng El Nino.

Học sinh tại Philippines đổ mồ hôi khi phải làm bài tập giữa thời tiết nắng nóng. Ảnh: Straits Times.

Cơ quan dự báo thời tiết ở đây cho biết chỉ số nhiệt độ dự kiến sẽ đạt mức “nguy hiểm”, cao hơn 42 độ C ở ít nhất 30 tỉnh, thành phố vào 24/4.

Bộ Giáo dục Philippines, cơ quan giám sát hơn 47.600 trường học, cho biết gần 6.700 trường học đã phải tạm ngừng hoạt động vào 24/4.

Ana Solis, trưởng nhóm nghiên cứu khí hậu tại cơ quan dự báo thời tiết Manila, nói rằng có 50% khả năng nắng nóng sẽ gay gắt hơn trong những ngày tới.

Cô khuyến cáo người dân cần hạn chế ra đường, uống nhiều nước và mang theo ô, mũ khi ra ngoài để đề phòng “nhiệt độ cực cao”.

Sóng nhiệt nghiêm trọng

Nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 và Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết châu Á đang nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh. Tác động của các đợt nắng nóng trong khu vực châu Á đang ngày càng nghiêm trọng.

Báo cáo Tình trạng Khí hậu Châu Á năm 2023 của WMO cho thấy châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Nhiệt độ châu Á năm 2023 cao hơn gần 2 độ C so với mức trung bình từ năm 1961 đến năm 1990.

“Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua năm nắng nóng kỷ lục vào 2023. Trong cùng năm, hàng loạt hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, mưa bão, lũ lụt cũng xảy ra”, Giám đốc WMO Celeste Saulo cho biết.

“Nắng nóng cực độ đang trở thành sát thủ thầm lặng”, Phó Tổng thư ký WMO Ko Barrett cho biết.

Một con hổ trong sở thú ở Dhaka phải nhảy xuống nước để tránh nóng. Ảnh: Shutterstock.

Báo cáo nhấn mạnh tốc độ gia tăng của các chỉ số biến đổi khí hậu quan trọng như nhiệt độ bề mặt, tốc độ rút lui của sông băng và mực nước biển dâng. Sự gia tăng của các chỉ số này có tác động nghiêm trọng đến xã hội, kinh tế và hệ sinh thái khu vực.

Tuy nhiên, “tỷ lệ tử vong vì nhiệt độ cao được báo cáo là đang ở mức thấp. Quy mô thực sự của số ca tử vong, thiệt hại kinh tế hiện không được phản ánh chính xác trong số liệu thống kê”, Barrett cho biết hôm 24/4.

Tại Bangladesh, hàng nghìn người đã tập trung về Dhaka để cầu mưa sau khi chính quyền đóng cửa các trường học trên khắp đất nước vì nắng nóng.

Cục thời tiết Bangladesh cho biết nhiệt độ trung bình tối đa ở thủ đô trong tuần qua cao hơn mức trung bình 30 năm từ 4 đến 5 độ C.

Tình trạng nắng nóng cao độ tại khu vực Đông Nam Á trong thời gian qua có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho người dân. Ảnh: Star.

“Cầu mưa là một truyền thống trong tôn giáo của chúng tôi. Chúng tôi ăn năn về tội lỗi của mình và cầu xin Đấng tối cao ban xuống những cơn mưa”, Muhammad Abu Yusuf, một giáo sĩ Hồi giáo, người hướng dẫn lễ cầu mưa cho 1.000 người ở miền Trung Dhaka, cho biết.

“Cuộc sống của chúng tôi đã trở nên không thể chịu đựng được vì thiếu mưa”, ông nói với AFP. “Người nghèo phải sống trong tình trạng khốn khổ”.

Cảnh sát cho biết các buổi lễ cầu mưa tương tự cũng được tổ chức ở các khu vực khác của Bangladesh.

Nắng nóng “cực kỳ nguy hiểm”

Tại Ấn Độ, các đợt nắng nóng nghiêm trọng có thể xảy ra ở các bang miền Đông và Nam Odisha, Tây Bengal, Sikkim và Karnataka trong 5 ngày tới, Cục Khí tượng nước này cho biết trong một thông cáo báo chí.

Một tài xế taxi trong buổi chiều nắng nóng ở Ấn Độ. Ảnh: Shutterstock.

Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, nhiệt độ cao nhất được dự báo sẽ lên tới 39 độ C, nhiệt độ mà cơ thể người cảm nhận được có thể lên đến 52 độ C.

“Cảnh báo: Chỉ số nắng nóng hôm nay ‘cực kỳ nguy hiểm’. Vui lòng tránh các hoạt động ngoài trời”, Sở Môi trường Bangkok viết trên Facebook.

Thái Lan phải hứng chịu một đợt nắng nóng gay gắt trong tuần này. Nhiệt độ ở tỉnh Lampang phía Bắc Thái Lan đã đạt mức kỷ lục 44,6 độ C vào ngày 22/4.

Bé gái dùng tay che nắng ở Bangkok, Thái Lan trong đợt nắng nóng những ngày qua với nhiệt độ lên tới 43 độ C. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Philippines cũng được xếp hạng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu. Một nửa số tỉnh, thành phố của nước này đang bị hạn hán nghiêm trọng.

Mary Ann Gener, một nhân viên chính phủ ở tỉnh Occidental Mindoro (Philippines), cho biết những người làm việc trong điều kiện có điều hòa nhiệt độ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. “Nhưng điều này thật khủng khiếp với những người làm việc ngoài trời”, cô nói.

“Bạn sẽ đau đầu ngay lập tức khi ra ngoài”.

Bộ Y tế nước này hôm 24/4 cho biết từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hàng chục trường hợp phải nhập viện điều trị liên quan đến nắng nóng, trong đó có 6 ca tử vong.

Đông Tùng

Theo CNA

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sat-thu-tham-lang-can-quet-dong-nam-a-post1472291.html