Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06: Điểm sáng trong quá trình chuyển đổi số

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính thêm một lần nữa khẳng định quan điểm: Đây là một Đề án mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có sự chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao, bởi vì chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả. Có thể nói, một trong những điểm sáng của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06.

Tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng

Trong 2 năm thực hiện Đề án 06, với 13 nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của Đề án 06, đến nay, đã hoàn thành 67 nhiệm vụ, đang triển khai 13 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 12 nhiệm vụ. Nhìn chung, việc thực hiện Đề án 06 tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, được thể hiện trên 3 khía cạnh: xây dựng nền hành chính văn minh; phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần phòng chống tội phạm. Người dân, doanh nghiệp và Chính phủ đã được hưởng những tiện ích cụ thể, rõ nét. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện với 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án số 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ.

Lực lượng Công an 4 cấp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường số theo Đề án 06.

Lực lượng Công an 4 cấp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường số theo Đề án 06.

Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6,8 triệu tài khoản đăng ký, hơn 119 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 29 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, hơn 20,3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 7.113 tỷ đồng. Đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; công khai hơn 6,3 nghìn thủ tục hành chính, trong đó, đã tích hợp, cung cấp 4.591 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 11,2 triệu tài khoản (tăng hơn 2,73 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành); hơn 269,1 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành); hơn 35,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 9.513 tỷ đồng (tăng hơn 2,58 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành).

Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp (có thể thực hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào), người dân hạn chế đi lại, không tiếp xúc, không giấy tờ, không dùng tiền mặt, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”. Đồng thời, tiết kiệm chi phí rất lớn, trung bình hàng năm tiết kiệm cho nhà nước 2.505 tỷ đồng.

Các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để phát triển kinh tế, xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo ra giá trị cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử đã đẩy mạnh ứng dụng trên các lĩnh vực mang lại giá trị thiết thực.

Lực lượng Công an gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Đề án 06

Đánh giá về vai trò của Bộ Công an trong quá trình triển khai Đề án 06, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ nêu rõ: Với quyết tâm chính trị cao nhất, lực lượng Công an bốn cấp gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Đề án 06, được thể hiện bằng Nghị quyết số 13, ngày 30/9/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương với 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Để tạo “công cụ, phương tiện” cho người dân, doanh nghiệp tham gia Đề án 06, Bộ Công an đã chỉ đạo hơn 5 vạn cán bộ Công an chính quy tại cấp xã hiện nay phải đảm bảo duy trì, cập nhật, bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng , đủ, sạch, sống”, đây là mệnh lệnh công tác cũng như là danh dự của lực lượng CAND. Chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc cấp đủ, trả đủ thẻ căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn trước 31/7/2023, đẩy mạnh việc thu nhận hồ sơ, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân (đến nay đã đạt trên 70 triệu hồ sơ, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao). Từ các dữ liệu nền tảng này đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phân tích dữ liệu phục vụ hoạch định các chính sách trong công tác chỉ đạo, điều hành cho các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, từ yêu cầu hoàn thiện dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và tham mưu với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị phê duyệt chủ trương Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Được sự nhất trí về chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 phê duyệt Đề án quan trọng này. Việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia có ý nghĩa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới.

Thủ trướng Chính phủ đã đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng CAND, sự quyết liệt, sâu sát của đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, phần việc chậm muộn của các bộ, ngành hiện nay đang còn “nợ” người dân, doanh nghiệp và xã hội trong quá trình triển khai Đề án 06. Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn nữa, xác định quyết tâm chỉ đạo quyết liệt trong triển khai Đề án 06; Triển khai các nhiệm vụ cấp bách từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 liên quan đến chi trả an sinh xã hội, phiếu lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, tiếp cận tín dụng. Các bộ, ngành khẩn trương, tập trung giải quyết 10 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình Đề án 06 và 17 nhiệm vụ chậm tiến độ theo 06 chỉ thị, 21 nghị quyết, 4 công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ theo lộ trình triển khai Đề án 06 của năm 2024.

Làm tốt vai trò đơn vị Thường trực trong thực hiện Đề án 06

Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực, không quản ngại gian khổ, lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) đã tập trung tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả các lĩnh vực công tác QLHC về TTXH, hoàn thành xuất sắc nhiệm trong năm 2023, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt với vai trò Thường trực tham mưu triển khai thực hiện Đề án 06, đã khẳng định lực lượng CAND luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia… Với thành tích xuất sắc, năm 2023, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã được nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Bên cạnh thành tích trong thực hiện Đề án 06, năm 2023, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là: Về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo năm 2023, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ 2.617 vụ, 3.424 đối tượng (giảm 509 vụ = 416,3%; giảm 321 đối tượng = 8,6% so với năm 2022), thu 56.992kg pháo các loại; 15.054 quả pháo, 6.015,9 hộp, ống pháo; 824,3kg thuốc pháo; xử lý hình sự 746 vụ, 2.603 đối tượng (khởi tố 590 vụ, 840 đối tượng; đã xét xử 156 vụ, 213 đối tượng); xử phạt vi phạm hành chính 1.431 vụ, 1.763 đối tượng, phạt tiền 11.983,21 triệu đồng; đang điều tra, xử lý khác 440 vụ, 608 đối tượng. Trong đó, sản xuất trái phép 105 vụ, 233 đối tượng; mua bán trái phép 296 vụ, 518 đối tượng; vận chuyển trái phép 376 vụ, 465 đối tượng; tàng trữ trái phép 934 vụ, 1.160 đối tượng; sử dụng trái phép 906 vụ, 1.048 đối tượng.

Trong tháng 12/2023, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ 115 vụ, 241 đối tượng (tăng 34 vụ = 42%; tăng 138 đối tượng = 133% so với tháng trước), thu 11.796,9kg pháo các loại (tăng 6.678,7kg = 130,5% so với tháng trước). Lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép pháo với sự tham gia của nhiều đối tượng, thu giữ số lượng lớn pháo (45 vụ, 81 đối tượng, thu 7.396kg pháo nổ).

Trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an các địa phương đã tiến hành kiểm tra 17.553 lượt, phát hiện 3.570 vụ vi phạm, trong đó xử lý hình sự 23 vụ với 37 đối tượng trong đó, xử lý hình sự tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là 18 vụ với 28 đối tượng như Thanh Hóa 7 vụ 15 đối tượng (7 chủ cơ sở, 8 nhân viên), Cao Bằng 3 vụ 3 đối tượng là chủ cơ sở, Hòa Bình 3 vụ 4 đối tượng (2 chủ cơ sở, 2 nhân viên), Lạng Sơn 1 vụ 1 đối tượng là chủ cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 3.297 vụ với số tiền 18,5 tỷ đồng, thu hồi 203 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT.

H.Phong - M.Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/sau-2-nam-trien-khai-thuc-hien-de-an-06-diem-sang-trong-qua-trinh-chuyen-doi-so-i718684/