Sau FRT, thêm một cổ phiếu của doanh nghiệp lớn ngành bán lẻ bị 'đè' bán sàn

Phiên cuối tháng (31/10), cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới Di động (TGDĐ) giảm sàn về mức 37.700 đồng/cp với tổng khối lượng khớp lệnh hơn 13 triệu cổ phiếu.

Như vậy, sau cổ phiếu FRT của FPT Retail, cổ phiếu MWG của “ông lớn” ngành bán lẻ tiếp theo bị bán mạnh.

Phiên 31/10, cổ phiếu MWG giảm sàn về mức 37.700 đồng/cp.

Phiên 31/10, cổ phiếu MWG giảm sàn về mức 37.700 đồng/cp.

Đáng chú ý, TGDĐ cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 cũng như 9 tháng đầu năm giảm sút.

Cụ thể, trong quý III, TGDĐ ghi nhận doanh thu thuần đạt 30.287,7 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp giảm 37,2% xuống còn 4.642,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm từ 23,1% xuống còn 15,3%.

Doanh thu tài chính tăng lên 618,1 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 77,5%. Chi phí tài chính ngược lại tăng thêm 10,3 tỷ đồng, lên 444,9 tỷ. Tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết chế giảm 18,4%, còn 4.620,3 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi hết các chi phí và thuế thu nhập, lợi nhuận sau thuế của TGDĐ còn lại 38,8 tỷ đồng, giảm tới 95,7% so với cùng kỳ. Có thể thấy, nếu không nhờ khoản doanh thu tài chính tăng đột biến thì gần như chắc chắn “ông lớn” ngành bán lẻ này đã thua lỗ trong quý 3 từ hoạt động kinh doanh chính.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của TGDĐ đạt 86.858,3 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế mang về đạt 77,5 tỷ đồng, giảm 97,8% so với 9 tháng đầu năm trước.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, nhiều chuỗi của TGDĐ báo lỗ, bao gồm: chuỗi Bách Hóa Xanh lỗ 904,9 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế đến nay đã lên đến 8.299,9 tỷ đồng; CTCP Dược phẩm An Khang cũng lỗ 234,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến nay 553 tỷ đồng; CTCP Thế giới số Trần Anh lỗ 46,9 tỷ đồng; TGDĐ tại Campuchia cũng lỗ 96,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế 701,5 tỷ đồng.

Như vậy, với kết quả đạt được, hiện tại, TGDĐ mới hoàn thành được 64% kế hoạch doanh thu và 1,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về cơ cấu nguồn vốn của công ty, nợ phải trả vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn tới 60,3%, tương đương 35.374,6 tỷ đồng, chủ yếu trong đó là nợ ngắn hạn với 29.475,3 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại cuối quý 3 chiếm 23.270,2 tỷ đồng với lượng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được tích lũy tương đối lớn. Lãi sau thuế chưa phân phối đang chiếm tới 8.070,1 tỷ đồng.

Có thể thấy, sau giai đoạn bùng nổ với lợi nhuận liên tục tăng trưởng qua từng năm kể từ khi lên sàn năm 2014, doanh nghiệp bán lẻ này bắt đầu gặp nhiều khó khăn từ nửa sau năm ngoái. Sức mua suy yếu trong môi trường lạm phát và lãi suất cao khiến lợi nhuận liên tiếp sụt giảm mạnh.

Thời gian qua, TGDĐ đã nỗ lực đưa ra các lựa chọn mua sắm linh hoạt với giá cả hấp dẫn và nhiều khuyến mãi, chấp nhận giảm biên lợi nhuận gộp để thu hút khách hàng và duy trì doanh thu. Tuy nhiên, với những gì đang đạt được có vẻ như vẫn chưa mang lại tín hiệu tích cực cho lắm.

Trong ngành bán lẻ thiết bị di động hiện nay, TGDĐ vẫn là tên tuổi hàng đầu. Nhưng bên cạnh đó vẫn luôn xuất hiện nhiều cái tên khác như: FPT shop, chuỗi CellphoneS, Di Động Việt… sẵn sàng so kè từng đồng trên giá bán điện thoại để giành thị phần.

Tương tự, trong lĩnh vực điện máy, cũng ít thương hiệu nào tiếng tăm hơn Điện máy Xanh của TGDĐ, nhưng các đối thủ bám sau cũng rất đáng gờm, như: Pico, Nguyễn Kim, Chợ Lớn… trong cuộc chiến giành khách hàng.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/sau-frt-them-mot-co-phieu-cua-doanh-nghiep-lon-nganh-ban-le-bi-de-ban-san-1096292.html