'Sau mỗi vụ hòa giải, chúng tôi học thêm được nhiều kiến thức'
Đó là khẳng định của hầu hết các hòa giải viên cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội khi chia sẻ với phóng viên Ấn phẩm PL&XH (Báo Kinh tế và Đô thị) về một trong những điều tích cực mà họ nhận được khi tham gia công tác hòa giải cơ sở.
Hiện, TP Hà Nội có hơn 5.400 tổ hòa giải, với hơn 35.053 hòa giải viên. Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác hòa giải ở cơ sở của TP Hà Nội ngày càng góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngăn ngừa và phòng chống tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn TP.
Công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở tại xã, phường của 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền các địa phương luôn quan tâm củng cố kiện toàn, phát huy vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn.
Bám sát phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, công tác hòa giải thời gian qua đã góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính, đồng thời, hạn chế đơn, thư, khiếu nại vượt cấp. Các hoạt động hòa giải đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Để có được những kết quả đáng mừng đó, không thể không kể đến những đóng góp tích cực của những hòa giải viên, họ là cầu nối, gắn kết “tình làng nghĩa xóm”. Các hòa giải viên đều là những ông bà có uy tín, kinh nghiệm và được Nhân dân yêu quý, nể trọng. Chia sẻ với phóng viên, các hòa giải viên đều khẳng định rằng, trong suốt quá trình “làm nghề” hòa giải, các hòa giải viên đã học hỏi được những kiến thức quý báu sau mỗi vụ việc tham gia hòa giải.
Bà Nguyễn Thị Minh (SN 1957) – Trưởng Ban công tác Mặt trận kiêm tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố Hạnh Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, bà tham gia công tác hòa giải ở cơ sở hơn 5 năm qua, đã trực tiếp hòa giải thành nhiều vụ việc. Từng vụ việc đòi hỏi bà phải có kiến thức chuyên môn vững vàng về lĩnh vực đó. Do đó, cứ sau mỗi vụ hòa giải, cứ thêm một “tuổi nghề”, vốn kiến thức ngày càng lớn.
“Khi có vụ việc phát sinh, cá nhân tôi cùng với tổ hòa giải sẽ thẩm định đơn, họp tổ, phân công thành viên nắm tình hình, xác minh sự vụ, lên lịch giải quyết. Sau đó, tôi chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rồi đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng Nhân dân, nghe họ nhận định để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra hướng giải quyết” – bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Ông Trần Công Duyên (76 tuổi) – Bí thư Chi bộ kiêm Tổ phó Tổ hòa giải Tổ dân phố 14 phường Phúc La (quận Hà Đông, Hà Nội) đã có gần 10 năm tham gia công tác hòa giải cơ sở. Theo ông chia sẻ, tùy từng vụ việc mâu thuẫn mà ông cùng tổ hòa giải chọn cách tiếp cận khác nhau sao cho phù hợp nhưng điều quan trọng nhất để hòa giải thành là người hòa giải phải có kiến thức vừng vàng liên quan đến lĩnh vực mà mình tham gia hòa giải. Và, đối với từng vụ việc, tổ hòa giải cơ cấu đúng thành phần thì buổi hòa giải mới hiệu quả.
“Khi hòa giải hòa giải hôn nhân thì tôi nhờ cán bộ Hội phụ nữ tư vấn cho kiến thức về hôn nhân và gia đình. Hòa giải về tranh chấp đất đai thì tôi nhờ cán bộ địa chính phường tư vấn….Chính vì có sự tư vấn của những người có chuyên môn nên các vụ việc tôi tham gia hòa giải đều thành công, và cá nhân tôi tiếp thu được nhiều kiến thức quý báu” – ông Duyên cho hay.
Ông Nguyễn Khắc Bình - Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố số 2 Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, thời gian qua, tổ dân phố số 2 Mễ Trì Thượng được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác hòa giải cơ sở ở của phường Mễ Trì. Do làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nên địa bàn tổ dân phố những năm qua không phát sinh những vụ việc mâu thuẫn phức tạp. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có vài vụ việc nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, liên quan đến đất đai, môi trường, hôn nhân...
Theo ông Bình, với hơn 5 năm làm công tác hòa giải, ông Bình đã đã trực tiếp hòa giải thành nhiều vụ việc. Đa số những vụ việc ông tham gia hòa giải đều liên quan đến mâu thuẫn tranh chấp liên quan đất đai như tranh chấp ngõ đi chung, tranh chấp quyền thừa kế.
“Tôi xuất thân từ bộ đội nghỉ hưu, khi tham gia công tác hòa giải tại địa phương tôi rất bỡ ngỡ vì chưa có kỹ năng hay vốn kiến thức phong phú, trong khi đó mâu thuẫn tại địa bàn thì muôn hình vạn trạng nên thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Rất may, trong quá trình công tác, cá nhân tôi cùng tổ hòa giải nhận được sự quan tâm của lãnh đạo UBND phường, đặc biệt là đồng chí Đỗ Đức Thông - Phó Chủ tịch UBND phường (Cử nhân Luật, người có kiến thức rất sâu về các bộ Luật). Theo đó, Khi nhận hòa giải vụ việc nào đó, việc đầu tiên là tôi điện thoại hoặc gặp trực tiếp đồng chí Thông nhờ tư vấn. Với những kiến thức học hỏi được từ đồng chí Thốngau nhiều năm tham gia hòa giải, giờ cá nhân tôi tự tin rằng không vụ mâu thuẫn nào có thể làm khó được tôi” – ông Bình chia sẻ.