Say nghề đè sóng trên những hải trình xa

Giữa mênh mông biển cả của Tổ quốc, điều đáng sợ nhất với tôi chính là những cơn say sóng. Trong khoảnh khắc ấy, tình yêu nghề đã đè những cơn say, để rồi, khi có một chuyến công tác về các miền biển, tôi sẵn sàng xung phong lên đường.

Từ say sóng đến… say đất

Gần 20 năm công tác tại Báo An ninh Thủ đô, tôi không có may mắn được như nhiều bạn đồng nghiệp khác được đến với Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng, máu thịt của Tổ quốc, nhưng tôi cũng đã kịp đến với những điểm đảo tiền tiêu như Lý Sơn (Quảng Ngãi); đảo Trần (Quảng Ninh); Thổ Chu (Kiên Giang)…

Nhà báo Yên Hưng

Mỗi chuyến đi, mỗi lần trở về luôn ăm ắp kỷ niệm và câu chuyện được truyền tải lên Báo An ninh Thủ đô trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà báo Việt Nam (21-6), nhưng có những điều chỉ giữ lại cho riêng mình, đó là những cơn… say sóng.

Chuyến đi say sóng nhất với bản thân tôi có lẽ là chuyến công tác những ngày áp Tết Kỷ Sửu 2019 cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 đến với quân và dân đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Đảo Trần nằm về phía Nam của đảo Vĩnh Thực, cách đảo Cô Tô lớn khoảng 45km về phía Đông Bắc và cách cảng Vạn Gia của thành phố Móng Cái khoảng 25km về phía Nam. Nước ngọt trên đảo khan hiếm. Tàu thuyền chỉ cập được vào đảo ở bờ Bắc hoặc bờ Nam.

Hải đăng đảo Trần được đưa vào hoạt động từ năm 1996. Trên đảo có Tiểu đoàn đảo Trần - Lữ đoàn bộ binh phòng thủ đảo 242, Đồn biên phòng số 6 và Trạm radar 480 - thuộc Tiểu đoàn 151. Ngoài quân đội và biên phòng thì trước đây đảo Trần không có dân sinh sống. Hiện nay, đảo đã có 14 hộ gia đình định cư và sẽ có thêm nhiều người dân chuyển đến. Trên đảo hiện đã có trường liên cấp để dạy cho con em nhân dân trên đảo.

 Cầu cảng đảo Trần (Quảng Ninh)

Cầu cảng đảo Trần (Quảng Ninh)

Khi ánh mặt trời chưa tỏ, đoàn công tác gồm phóng viên các cơ quan báo chí và chỉ huy các đơn vị của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân đã tập hợp ở điểm xuất phát. Trước chúng tôi còn là một đoàn đi hướng đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng đã rời cảng từ lúc 4h30 sáng. Bước lên tàu cùng lỉnh kỉnh hành lý và đồ nghề tác nghiệp, mỗi phóng viên tự tìm cho mình một “chỗ ở” trong khoang tàu, sắp xếp gọn gàng nhất để có thể ở được nhiều người nhất. Mấy anh lính ra thay ca đã phải nhanh chóng nhường chỗ cho phóng viên. Một hồi còi tàu hú vang. Những người ở lại trên cảng nghiêm trang chào.

Đoàn công tác của chúng tôi năm ấy vinh dự được đi cùng Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 1 Hải quân. Ngoài mấy anh chị em báo chí ở Hà Nội, còn rất nhiều bạn, đa phần là nữ phóng viên đã vượt chặng đường dài đến Quảng Ninh. Phóng viên Nguyễn Phương đến từ nơi xa nhất - cực Bắc Tổ quốc, rồi 2 bạn phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn, Báo Phú Thọ, Báo Lạng Sơn, Báo Hải Phòng… đủ cả.

Tôi đã có “kinh nghiệm” say sóng từ năm 2005, khi đến đảo Long Châu của huyện đảo Cát Hải cũng vào những ngày gió mùa Đông Bắc tràn về, nên đã cẩn thận uống một viên thuốc chống say. Cũng ở vùng biển này, tháng 9-2008, trong chuyến hải trình đến với đảo Cô Tô, trong khi tôi còn đang ngạc nhiên vì sao các hành khách đã chọn cho mình chỗ nằm ngay từ khi tàu chưa rời cảng, các anh lái tàu đã kịp dúi vào tay tôi một bọc nilon thì cơn say sóng đã nhẹ nhàng ập đến lúc tàu vừa ra khơi.

Nhớ trận say sóng năm ấy, tôi cũng vội vàng tìm chỗ, mặc cho mấy cô mấy cậu phóng viên trẻ đang thả hồn vào đại dương xanh thẳm ngoài boong tàu. Vài phút trôi qua, họ đã lần lượt tìm vào… giường. Trong khi tôi chẳng khác gì người sốt rét thì phóng viên Nguyễn Phương và Phạm Đoan của Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn quyết không rời nhà vệ sinh trên tàu nửa bước. Vài giờ lênh đênh trên biển, mấy nữ phóng viên như tôi tỉnh hẳn người khi mấy đồng chí bộ đội Hải quân trên tàu thông báo đã đến đảo Trần.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang ghé qua phòng của mấy anh chị em báo chí nhắc nhở cẩn thận không say đất. “Say sóng đã như gần chết thì say đất có là gì” - tôi nhủ thầm. Nhưng đúng như lời Chính ủy nhắc nhở, say đất còn khủng khiếp hơn say sóng. Bước chân chúng tôi đi không vững, cảm giác không khác gì người say rượu, thỉnh thoảng phải dừng lại để cân bằng mới có thể vững vàng bước tiếp.

Tình yêu nghề trỗi dậy

Khoảnh khắc ấy, niềm yêu nghề, say mê với nghề được thể hiện rõ rệt nhất. Dù bản thân tôi và các bạn nữ đồng nghiệp đang “xanh như tàu lá” vì bao nhiêu đồ ăn đã gửi vào lòng đại dương, nhưng khi gặp cô giáo ở trường liên cấp trên đảo, tất cả đã xúm xít lại hỏi han, ghi chép. Và rồi khi Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang hạ lệnh lên thăm cán bộ, chiến sĩ ở Trạm radar 480, chúng tôi không ngại ngần hành quân bộ, leo dốc xuyên rừng để cảm nhận rõ hơn sự vất vả của người lính radar trên đảo tiền tiêu. Chỉ có 4km, nhưng tuyến đường dốc đã khiến chúng tôi mất không ít thời gian. Cơn say sóng dường như biến mất, thậm chí có lúc nhóm phóng viên đã vượt qua cả cán bộ, chiến sĩ Hải quân.

Lên đến điểm cao, phóng tầm mắt về phía biển, lá cờ Tổ quốc phần phật trong gió, mỗi người trong tim như cảm giác rõ hơn về sự tự hào, tình yêu đất nước, tình cảm với những người chiến sĩ. Máu nghề nghiệp cuồn cuộn chảy, cơn say sóng như biến mất hoàn toàn và mỗi người lại tìm cho mình một nhân vật để phỏng vấn.

Theo chân anh nuôi Trần Trung Kiên, người con của quê hương Nam Định, chúng tôi được “mục sở thị” khu tăng gia sản xuất của đơn vị. Trước mắt chúng tôi là vườn rau được vun luống thẳng tắp với đủ loại rau xanh, mùa nào thức nấy. Cạnh đó là khu chăn nuôi với khoảng 30 con lợn và hàng trăm con gà lớn nhỏ. Đảo Trần có diện tích nhỏ, chủ yếu là đồi núi nên không có mặt bằng trồng rau. Để khắc phục, các cán bộ, chiến sĩ ở đây đã tận dụng triệt để những khoảng đất trống xung quanh đơn vị, cuốc, ủi bằng phẳng để làm vườn rau.

Phóng viên An ninh Thủ đô trước giờ rời bến

Phóng viên An ninh Thủ đô trước giờ rời bến

Rời trạm radar, chúng tôi còn đi nhiều địa điểm khác cũng thuộc các đảo tiền tiêu. Nghĩ đến việc lên tàu đã sợ, nhưng theo quy định của chuyến đi, mọi sinh hoạt trong 2 ngày của chuyến hải trình đều phải ở trên tàu.

Những bữa cơm dập dềnh sóng nước cũng đã trở nên quen thuộc và đặc biệt hơn, những cơn say sóng đã được khống chế. Không còn nữa cảnh những chiếc xô, chiếc túi để dưới gầm giường hoặc cầm trên tay, không còn nữa cảnh những nữ phóng viên ôm cửa nhà vệ sinh để Chính ủy Phạm Văn Quang nhìn mà ái ngại và thay vào đó là hình ảnh mỗi phóng viên lên boong tàu, tranh thủ lúc có sóng điện thoại để viết tin bài gửi về đất liền, hay những buổi giao lưu văn nghệ trong tiếng guitar bập bùng...

Ai cũng sợ say sóng nhưng khi ấy, chúng tôi còn hẹn nhau, hải trình năm sau nhớ đăng ký để được đồng hành cùng nhau đến những đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/say-nghe-de-song-tren-nhung-hai-trinh-xa-post543565.antd