Sẻ chia kinh nghiệm từ việc học nghề

Trong những năm qua, tại các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp được mở ra nhằm trang bị những kiến thức cần thiết cho người dân trong chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều người sau khi học nghề đã chia sẻ lại kiến thức, kinh nghiệm cho người dân tại địa phương, góp phần lan tỏa tinh thần học nghề, thạo nghề để phát triển kinh tế gia đình.

Chị Búp thu hoạch dưa leo được trồng theo phương pháp hữu cơ -Ảnh: M.T

Chị Búp thu hoạch dưa leo được trồng theo phương pháp hữu cơ -Ảnh: M.T

Mùa nào thức nấy, vườn của chị Trần Thị Búp (sinh năm 1984), thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, mơn mởn các loại rau. Vợ chồng chị vì thế hiếm khi rảnh rỗi, suốt ngày cặm cụi bên những luống rau vườn nhà, từ khi mới gieo trồng cho đến mùa thu hoạch.

Mùa này, vườn ném giống của nhà chị đã vào độ thu hoạch. Năm nay, khí hậu tương đối thuận lợi nên ném phát triển tốt, cho thu hoạch cao. “1 tạ ném giống nếu được chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch 1 tấn ném củ với giá bán 50 triệu đồng, trừ chi phí lãi 40 triệu đồng. Để ném được giá, tôi luôn chọn thời điểm trồng lệch vụ vì mỗi khi vào mùa, giá ném lá và củ đều thấp hơn so với các thời điểm khác”, chị Búp chia sẻ.

Đến nay, sản phẩm từ vườn nhà chị Búp đã về tận phố thị theo đơn đặt hàng của người tiêu dùng, bởi các sản phẩm rau màu, hoa quả của chị hoàn toàn trồng theo lối hữu cơ. “Tôi thường đăng trên facebook, khoe chiến lợi phẩm mà mình thu hoạch được. Nhiều người thấy và liên lạc để đặt hàng. Tuy bán lẻ, số lượng không nhiều nhưng dù khách ở tận Đông Hà tôi vẫn gửi xe về. Cảm giác được người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của mình thật quý”, chị Búp bày tỏ.

Trước đây, cũng như nhiều người dân khác trong xã, chị Búp chỉ trồng cà phê trong vườn. Theo thời gian, vườn cà phê già cỗi, năng suất không cao nên chị phá bỏ 1⁄2 diện tích (1ha) để trồng ném và gừng.

Năm 2019, sau khi biết thông tin Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hướng Hóa mở lớp dạy kỹ thuật trồng rau, chị Búp đã đăng ký tham gia. Mong muốn ban đầu của chị là có thêm kiến thức về trồng và chăm sóc rau, từ đó mở rộng diện tích trồng hoa màu trong vườn nhà.

Lớp học kéo dài trong 9 tháng theo hình thức vừa học lý thuyết, vừa thực hành trồng rau trong nhà lưới nên các học viên tiếp thu khá nhanh. Theo chị Búp, việc học như thế rất hiệu quả vì học đến đâu, rút kinh nghiệm đến đó. Kết thúc lớp học, chị Búp trồng thêm dưa leo và đậu cô ve, những loại cây hợp với khí hậu nắng nóng ở Hướng Tân vào mùa hè.

Mùa đông chị trồng các loài cây như bắp cải, rau cải, rau muống... bằng phương pháp hữu cơ nên được người dân trong vùng ưa chuộng. Đối với các loại rau màu, bình quân chị Búp bán được 500 ngàn đồng/ngày; gừng một năm chị bán được 10 tấn với giá 100 triệu đồng.

Sau khi áp dụng thành công cho bản thân, chị Búp hướng dẫn lại cho các chị em trong chi hội phụ nữ về phương pháp trồng và chăm sóc hoa màu. Chị Búp cho biết: Mặc dù các lớp dạy nghề được mở thường xuyên nhưng vì nhiều lý do khác nhau, một số chị em không thể theo học hoặc có học nhưng chưa áp dụng thành công.

Vì thế, với tinh thần hỗ trợ lẫn nhau, tôi thường chia sẻ kiến thức được học với kinh nghiệm từ thực tế để giúp các chị em trong vùng. Ở quê chúng tôi có lợi thế về đất đai, khí hậu lại thích hợp để trồng hoa màu quanh năm nên nếu có kiến thức thì rất dễ thành công với mô hình này.

Thôn A Đăng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, có giống chuối lùn bản địa nổi tiếng trong vùng. Tổ hợp tác trồng chuối lùn Ta Pê của Chi hội Phụ nữ thôn A Đăng (có 15 hộ tham gia) được thành lập từ năm 2019 với mục đích phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho phụ nữ nghèo và bảo tồn giống chuối lùn bản địa.

Mô hình này được UBND xã Tà Rụt bố trí 1,1 ha đất cho các gia đình triển khai và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam hỗ trợ số vốn gần 150 triệu đồng cùng vốn đối ứng của địa phương. Đây chính là điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.

Thời điểm đó, chị Hồ Thị Xở là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn A Đăng. Vẫn biết mô hình ra đời nhằm nâng cao thu nhập cho phụ nữ nghèo, tuy nhiên với lối trồng và chăm sóc theo kiểu truyền thống như không bón phân và khoảng cách trồng giữa các cây từ 0,8 cm-1m khiến chị Xở trăn trở về tính hiệu quả. Từ đó, chị quyết định đăng ký lớp học nghề trồng và chăm sóc chuối lùn bản địa tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông.

“Tôi tham gia mô hình tổ hợp tác chuối lùn nên hơn hết muốn tổ hợp tác ngày càng phát triển. Vì thế tôi nghĩ mình cần phải được trang bị kiến thức và các kỹ thuật cơ bản để phát triển diện tích trồng chuối của gia đình, sau đó hỗ trợ thêm cho bà con để đạt năng suất và hiệu quả cao hơn”, chị Xở cho biết.

Tham gia lớp học, chị Xở nắm được các kỹ thuật: ủ phân chuồng, đào hố, khoảng cách trồng giữa các cây, bón phân, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng ngừa sâu bệnh... Sau khi học xong, chị Xở chia sẻ cho các thành viên trong tổ hợp tác cùng áp dụng. Đến nay, mô hình trồng chuối của tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả, trung bình lãi từ 7-10 triệu đồng một năm, cao hơn so với trồng các loại cây khác trên cùng một diện tích.

Tuy nhiên, sản phẩm chuối lùn Ta Pê vẫn đang được thu mua nhỏ lẻ, chất lượng chuối thơm ngon nhưng do chưa có thương hiệu nên đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Vì vậy, chị Xở mong muốn được quảng bá rộng rãi hơn và có sự kết nối trong tiêu thụ sản phẩm để chuối lùn Ta Pê được các thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến nhằm nâng cao giá trị cho giống chuối này.

Điều đáng nói là nhiều người dân ở xã Tà Rụt cũng đã đăng ký các lớp học về trồng và chăm sóc cây chuối lùn bản địa do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện dạy tại địa phương.

Chị Hồ Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông cho biết: với địa bàn miền núi như huyện Đakrông, giao thông cách trở khiến việc đi lại khó khăn.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác đào tạo nghề cho người lao động gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, do nhận thức của người dân nên không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của việc học nghề.

Thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực của trung tâm trong việc dạy nghề cần ghi nhận tinh thần lan tỏa giá trị học nghề từ những người đã từng được đào tạo nghề. “Trăm nghe không bằng một thấy”, từ hiệu quả của người đi trước, người dân sẽ tin tưởng học theo và áp dụng thành công.

Minh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/se-chia-kinh-nghiem-tu-viec-hoc-nghe/181439.htm