Sẽ có mức thu, khoản thu dịch vụ đối với cơ sở giáo dục công lập

Cô Nguyễn Thị Đặng Kiều, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đào Duy Từ (TP Tuy Hòa) ý kiến tại hội nghị. Ảnh: THÚY HẰNG

Ủy ban MTTQ tỉnh vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định các khoản thu, mức thu và cơ chế quản lý thu, chi các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Phú Yên. Dự thảo nghị quyết này nếu được thông qua, sẽ là cơ sở pháp lý để các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập áp dụng.

Loay hoay với các khoản thu, mức thu

Lâu nay các khoản thu dịch vụ bán trú, vệ sinh trường học, dạy các môn tự chọn Tiếng Anh, Tin học; dịch vụ phục vụ trực tiếp người học đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn tỉnh đều được các cơ sở giáo dục triển khai trên tinh thần thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Do đó, các khoản thu dịch vụ trong trường học chưa đồng bộ; có đơn vị thu khoản này, có đơn vị thu khoản kia. Thậm chí ngay cả trong cùng một khu vực huyện, thị xã, thành phố, mức thu cũng khác nhau.

Tại hội nghị phản biện, các ý kiến đều cho rằng việc ban hành nghị quyết về các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi là cần thiết nhằm tránh tình trạng mạnh trường nào nấy làm. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị việc thực hiện các khoản thu phải đảm bảo sát với tình hình thực tế của từng vùng miền trên nguyên tắc đảm bảo công bằng xã hội và chất lượng giáo dục. Đối với các học sinh thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo nên có chính sách miễn, giảm các khoản thu... Các đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung các khoản thu như dịch vụ dọn dẹp nhà vệ sinh trường học, dạy bơi và các hoạt động giáo dục ngoài trời cho học sinh, khoản thu cho các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đối với học sinh phổ thông... Vì đây là các dịch vụ rất cần thiết để phục vụ tốt hơn công tác dạy và học, đảm bảo vệ sinh chung cho các trường học.

Thầy Huỳnh Xuân Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Tây Hòa) nêu: Bức xúc nhất hiện nay của các trường học là công tác vệ sinh ở khu vệ sinh dành cho học sinh. Nhà trường có hơn 1.000 học sinh nên khu vệ sinh của các em luôn quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh và môi trường giáo dục… Do đó cần xem xét về mức thu đối với dịch vụ này, vì đây là nhu cầu bức thiết không chỉ của nhà trường mà cả học sinh và phụ huynh.

Đây cũng là tình trạng chung của các trường. Lâu nay, để khắc phục tình trạng này, không ít trường ngầm phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh để thỏa thuận việc thu phí rồi thuê người dọn dẹp vệ sinh.

Về việc dạy bơi trong trường học, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sông Hinh Trần Đình Nhất thẳng thắn góp ý: Môn bơi đã được phổ cập trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, do thiếu bể bơi nên các trường liên hệ, phối hợp các chủ hồ bơi tư nhân để tổ chức dạy bơi cho học sinh, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, số học sinh tham gia thường rất ít. Còn đối với những trường có bể bơi, giáo viên phụ trách lại không kham nổi. Do đó, đơn vị soạn thảo cần xem xét bổ sung dịch vụ dạy bơi trong trường học để tránh lãng phí bể bơi được trang bị.

Các khoản thu liên quan đến bán trú cũng nhận được nhiều phản hồi. Cô Nguyễn Thị Đặng Kiều, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đào Duy Từ (TP Tuy Hòa) cho biết: Hiện nay, nhu cầu cho con học bán trú đối với bậc tiểu học rất lớn. Nhà trường rất cố gắng để tổ chức hoạt động bán trú. Tuy nhiên, với mức thu thuê người nấu ăn, tổ chức quản lý học sinh ăn, ở bán trú chỉ với 120.000 đồng/học sinh/tháng; mua sắm đồ dùng, dụng cụ phục vụ bán trú 100.000 đồng/học sinh/năm học theo dự thảo là không thể đảm bảo.

Cùng quan điểm với cô Kiều, cô Nguyễn Vũ Cẩm Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Nguyễn Du (TP Tuy Hòa) cũng cho rằng: Mức thu dịch vụ tổ chức bán trú như dự thảo nghị quyết đưa ra là chưa phù hợp, vì thực tế các khoản chi cho dịch vụ này cao hơn nhiều.

Các khoản thu, mức thu phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục cần sát với thực tiễn, vùng miền. Trong ảnh: Học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú Đinh Núp, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) trong một giờ học. Ảnh: THÚY HẰNG

Thuận lợi hơn cho trường, ban đại diện cha mẹ học sinh

Ông Nguyễn Văn Tá, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chia sẻ: Quy định cụ thể các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục sẽ tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục công lập triển khai đúng quy định về các khoản thu; bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập trên từng địa bàn đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn mới, từng bước giảm áp lực cho các trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác giáo dục; khuyến khích, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Đặc biệt khi đã có chuẩn chung, các khoản thu dịch vụ trong trường học được công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận. Đối với ban đại diện cha mẹ học sinh, họ cũng có căn cứ để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, tránh tình trạng lạm thu.

Ban hành được một khung chuẩn chung về mức phí dịch vụ sát, phù hợp, đầy đủ với mức thu cụ thể và làm rõ cơ chế thu là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo các đại biểu, nội dung dự thảo nghị quyết cần phải đánh giá tác động và nắm chắc tình hình thu chi cụ thể ở các đơn vị. Sở GD-ĐT phải phân tích, đánh giá thận trọng và sát thực tế. Bởi lẽ nếu không có đánh giá sát thực tế thì khi ban hành mức thu, ban hành nghị quyết sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện ở các đơn vị cũng như có thể dẫn đến có nhiều mức thu không phù hợp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Sở GD-ĐT thống kê đầy đủ các loại hình hoạt động và các loại dịch vụ thu. Vì tác động của việc bỏ sót một loại phí nào đó, nếu không có trong nghị quyết HĐND tỉnh ban hành thì các trường không được thu và sẽ dẫn đến việc trường nào thu ngoài nghị quyết của HĐND tỉnh thì khi thanh tra, kiểm tra sẽ bị vi phạm.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, quy định này tác động đến nhiều trường hợp, nên ngoài việc thực hiện đúng, đủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT còn tham khảo mức thu của các tỉnh xung quanh cũng như khảo sát, nắm bắt thực trạng thu, quản lý, sử dụng khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các trường trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đề nghị các phòng GD-ĐT, trường học tổ chức lấy ý kiến cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh chung quanh các quy định trong dự thảo. Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, lãnh đạo Sở GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh dự thảo, xác định rõ danh mục các khoản thu, mức thu, gắn với đối tượng từng vùng, địa phương, tính đến chính sách miễn giảm cho đối tượng khó khăn... để hoàn thiện chặt chẽ dự thảo nghị quyết này.

Sở GD-ĐT - cơ quan soạn thảo - cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo tính pháp lý của dự thảo nghị quyết và tính khả thi của chính sách sau khi được ban hành, tạo sự đồng thuận của người dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến và tham vấn thêm các kênh thông tin khác để có báo cáo phản biện chính thức gửi UBND tỉnh về dự thảo nghị quyết này.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn,

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/308245/se-co-muc-thu-khoan-thu-dich-vu-doi-voi-co-so-giao-duc-cong-lap.html