Sĩ quan trẻ - từ nhà trường đến đơn vị - Bài 2: Thực tiễn - 'thuốc thử' của sĩ quan trẻ

Thiếu kinh nghiệm trong quản lý, chỉ huy, huấn luyện bộ đội và xử trí các tình huống; cường độ, khối lượng công việc lớn, đan xen, nối tiếp nhau... đó là thực tiễn khách quan, cũng là khó khăn chung mà các sĩ quan trẻ (SQT) gặp phải khi mới về đơn vị công tác. Tuy nhiên, 'kẻ thù' vô hình-thử thách lớn nhất đối với đội ngũ SQT lại là chính mình. Nếu không xây dựng được động cơ phấn đấu đúng đắn, nghiêm túc rèn luyện bản thân, SQT dễ đánh mất quyết tâm, nhiệt huyết ban đầu, thậm chí vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước.

Những "rào cản", khó khăn

Trở lại câu chuyện của Thượng úy Trần Đức Lương, Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 201 (Binh chủng Tăng thiết giáp). Kiến thức về quản lý, chỉ huy bộ đội mà Thượng úy Trần Đức Lương được học ở nhà trường chủ yếu áp dụng với chiến sĩ. Thế nhưng, ở đơn vị, đối tượng quản lý, chỉ huy chủ yếu lại là QNCN có tuổi đời cao (có người bằng tuổi cha chú), nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật hơn anh...

Đây là “rào cản” khiến thời gian đầu khi mới về đơn vị, anh có phần e dè, lo lắng, điều hành đơn vị có thời điểm chưa thật sự hiệu quả. Giờ đây, khi đã trở thành một cán bộ có khá nhiều kinh nghiệm và thành tích, Thượng úy Trần Đức Lương vẫn không quên những ngày đầu mới về đơn vị: “Do chênh lệch tuổi tác nên có lúc tôi không dám nhận xét, đánh giá cấp dưới. Bên cạnh đó, vì kiến thức của bản thân mới ở mức cơ bản, phương pháp, kinh nghiệm sư phạm chưa nhiều, đặc biệt là các đồng chí QNCN lớn tuổi nắm kiến thức chuyên môn kỹ thuật rất chắc, vì vậy, khi lên lớp huấn luyện, khi thực hiện nhiệm vụ trên xe tăng, tôi sợ mình làm sai, huấn luyện không đúng và sẽ bị bộ đội chê cười.

Tôi còn nhớ, khi tổ chức huấn luyện nội dung đội ngũ chiến thuật trung đội tăng tiến công không có xe, tôi đã xác định đối tượng, phương pháp huấn luyện chưa chính xác (áp dụng phương pháp huấn luyện ở nhà trường là huấn luyện cơ bản) nên mất nhiều thời gian cho huấn luyện lý thuyết, ít tổ chức thực hành, mất cân đối nên kết quả của khoa mục chưa cao. Sau buổi huấn luyện đó, đồng chí đại đội trưởng và tiểu đoàn trưởng đã phân tích, chỉ ra khuyết điểm và hướng dẫn tôi phương pháp huấn luyện nâng cao để áp dụng vào thực tiễn đơn vị...”.

Sĩ quan trẻ thuộc Lữ đoàn 543, Quân khu 2 tổ chức huấn luyện dò gỡ bom, mìn, vật nổ cho bộ đội. Ảnh: DANH LONG

Sĩ quan trẻ thuộc Lữ đoàn 543, Quân khu 2 tổ chức huấn luyện dò gỡ bom, mìn, vật nổ cho bộ đội. Ảnh: DANH LONG

Cũng gặp không ít khó khăn ban đầu, Trung úy Trương Phú Long, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 673 (Quân đoàn 2) bày tỏ: “Tôi tốt nghiệp Học viện Phòng không-Không quân tháng 8-2022. Khi về đơn vị công tác, thuận lợi có nhiều vì được cấp ủy, chỉ huy, đồng đội quan tâm, giúp đỡ, nhưng khó khăn cũng không ít. Thứ nhất là khối lượng công việc nhiều, đan xen, nối tiếp nhau, có khi chưa xong việc này, vì yêu cầu nhiệm vụ đã phải xử lý việc khác trong điều kiện gấp rút, khiến nhiều lúc tôi có phần bối rối.

Thứ hai là trình độ văn hóa, nhận thức, quê quán, hoàn cảnh gia đình của chiến sĩ đa dạng nên việc nắm bắt tư tưởng, quản lý bộ đội cũng gặp khó khăn. Một điểm nữa là SQT như tôi thường thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy, huấn luyện bộ đội nên mặc dù nắm chắc nội dung nhưng nhiều lúc tôi không biết trình bày thế nào để chiến sĩ dễ nghe, dễ hiểu. Ngoài ra, không thể không nhắc tới việc thiếu kinh nghiệm, kỹ năng xử trí các tình huống nảy sinh trong thực tế. Để vượt qua những khó khăn, thách thức này, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều...”.

Ngoài những khó khăn nêu trên, theo lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị và qua khảo sát thực tiễn chúng tôi nhận thấy, còn một bộ phận SQT yếu về bản lĩnh, tác phong; thiếu hiểu biết xã hội; kỹ năng mềm, thể lực hạn chế; chưa chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, nhất là nghiên cứu các chiến lệ, các trận đánh tiêu biểu... để vận dụng trong huấn luyện nên bài giảng thiếu hấp dẫn, chất lượng huấn luyện chưa cao. Trong thực hành huấn luyện, có đồng chí chưa nắm vững phương châm, tổ chức chưa khoa học, việc phân chia thời gian cho từng khoa mục huấn luyện chưa hợp lý, còn nặng về lý thuyết, nói dài do sợ bộ đội không hiểu dẫn tới lan man...

Còn tình trạng SQT chậm thích nghi với môi trường công tác mới; thiếu sáng tạo trong vận dụng kiến thức được đào tạo ở nhà trường vào thực tế đơn vị. Bên cạnh đó, nhận thức của một số đồng chí SQT còn đơn giản, có biểu hiện chủ quan, trung bình chủ nghĩa, chưa thực sự tích cực, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ. Đối với đội ngũ SQT là chính trị viên (không phải cán bộ quân sự chuyển loại), còn một số hạn chế riêng. Theo đó, để phát triển lên cấp đại đội, cán bộ quân sự đã trải qua một thời gian làm cán bộ trung đội nên ngoài kiến thức quân sự toàn diện, các cán bộ này thường có tuổi đời, kinh nghiệm, quân hàm cao hơn so với chính trị viên. Chính vì thế, nếu không cố gắng, chính trị viên sẽ dễ bị “lép vế” dẫn đến đoàn kết xuôi chiều; xử lý không hài hòa mối quan hệ phối hợp công tác với người chỉ huy.

Những khó khăn nêu trên đều được chỉ huy các đơn vị nắm bắt, có biện pháp giáo dục, bồi dưỡng, giúp đỡ đội ngũ SQT sớm hòa nhập, thích nghi với môi trường công tác mới. Theo đó, các đơn vị đều tổ chức đánh giá cán bộ mới ra trường về mọi mặt để nắm chắc trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, thể lực, từ đó xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, phân công cán bộ kèm cặp, giúp đỡ; có giải pháp “đưa” cán bộ trẻ vào hoạt động thực tiễn để trui rèn, phát huy năng lực, sở trường...

Chiến thắng “kẻ thù” vô hình

Bên cạnh những khó khăn hữu hình từ thực tiễn, đội ngũ SQT còn luôn phải đối mặt với “kẻ thù” vô hình là chính mình. Mặc dù thường xuyên được đơn vị quan tâm, giúp đỡ, nhưng ở độ tuổi đôi mươi, SQT thường nhạy cảm trước những tác động từ bên ngoài, cảm xúc, tình cảm phong phú và có những lúc để cảm xúc chiến thắng lý trí. Với đặc điểm tâm sinh lý trên, SQT nhận thức nhanh nhưng dễ rơi vào chủ quan, phiến diện. Bởi vậy, nếu không chịu khó tu dưỡng, rèn luyện, SQT dễ ngả nghiêng, dao động về lập trường tư tưởng, sa vào cám dỗ vật chất, từng bước dẫn đến suy thoái... trước tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, của internet và mạng xã hội. Thực tế đã xuất hiện tình trạng một số SQT có tâm lý so bì về công việc, thu nhập, đời sống với thanh niên ngoài xã hội; có tư tưởng ăn chơi, thích hưởng thụ, ngại khó, ngại khổ nên viết đơn xin ra quân, vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước...

Trung đội 1, Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 201, Binh chủng Tăng thiết giáp) huấn luyện chiến thuật trung đội tăng mở cửa đánh chiếm đầu cầu. Ảnh: VŨ NGHIÊM

Trung đội 1, Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 201, Binh chủng Tăng thiết giáp) huấn luyện chiến thuật trung đội tăng mở cửa đánh chiếm đầu cầu. Ảnh: VŨ NGHIÊM

Với tư cách vừa là người lãnh đạo, chỉ huy, vừa là người anh trong đơn vị, nhiều cán bộ đã có những chia sẻ, động viên đội ngũ SQT về vấn đề này. Theo Trung tá Đinh Trung Cường, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 543 (Quân khu 2): “Môi trường nào cũng có mặt tích cực và những hạn chế. Vì thế, khi đã xác định theo con đường binh nghiệp thì SQT phải có lập trường, tư tưởng vững vàng, yên tâm công tác, không ngại khó, ngại khổ mà hãy mạnh dạn lao vào nơi gian khó, vì càng khó, càng vất vả thì càng có nhiều kinh nghiệm, càng sớm trưởng thành. Tương lai là do mình quyết định từ hôm nay, nếu quyết tâm phấn đấu thì chắc chắn SQT sẽ thu được thành quả, bởi lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của mỗi cá nhân”.

Đại tá Đỗ Hà Hoàn, Phó chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Tăng thiết giáp tâm sự: “Trong điều kiện tình hình hiện nay, tác động tiêu cực từ nhiều mặt của đời sống xã hội đã ảnh hưởng nhất định đến đội ngũ SQT. Tuy nhiên, khi đã xác định phục vụ lâu dài trong Quân đội, mỗi SQT cần xác định rõ trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, đơn vị; nỗ lực phấn đấu, tự tu dưỡng, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm công tác, chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Hằng năm, nhà trường tổ chức khảo sát, đánh giá về phẩm chất, trình độ, năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của học viên tốt nghiệp thông qua các hình thức: Phát phiếu trưng cầu ý kiến; thông qua đoàn nghiên cứu thực tế của các cơ quan, khoa; tổ chức các đoàn khảo sát chuyên sâu... Kết quả cho thấy, thời gian đầu, một số đồng chí SQT còn gặp những khó khăn nhất định, nhưng sau đó, cơ bản đều có sự tiến bộ, trưởng thành, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

(Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN VĂN CHUNG, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị)

(còn nữa)

TRUNG KIÊN - ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/si-quan-tre-tu-nha-truong-den-don-vi-bai-2-thuc-tien-thuoc-thu-cua-si-quan-tre-734016