Siết chặt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản
Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, tỉnh, ngành Tài nguyên và Môi trường không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.
Xử lý nghiêm các vi phạm
Ngày 8-4, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang ký Quyết định số 22/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần khoáng sản và công nghiệp Chiến Công, địa chỉ thôn 5, xã Trung Môn (Yên Sơn) 240 triệu đồng về hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản. Cụ thể: Tại biên bản làm việc ngày 22-3-2024 của Thanh tra (Sở Tài nguyên và Môi trường) với Công ty cổ phần khoáng sản và công nghiệp Chiến Công đã xác định: Giấy phép khai thác khoáng sản số 11/GP-UBND ngày 28-3-2006 của UBND tỉnh Tuyên Quang cho phép công ty được khai thác tại mỏ than Linh Đức, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) đã chấm dứt hiệu lực từ ngày 29-3-2021. Tuy nhiên, Công ty cổ phần khoáng sản và công nghiệp Chiến Công không lập đề án đóng cửa mỏ đối với các trường hợp đã quy định tại Điều 73 Luật Khoáng sản.
Trước đó, ngày 5-12-2023, Thanh Tra Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần xây lắp và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Tuyên Quang, có trụ sở tại số 4, đường Lê Hồng Phong, tổ 14, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) về hành vi vi phạm quy định nội dung báo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản không đầy đủ thông tin theo mẫu do Bộ Tài Nguyên và Môi trường; vi phạm quy định không báo cáo hoặc có báo cáo nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định nhưng vẫn khai thác, sử dụng loại khoáng sản đi kèm…
Cũng trong năm 2023, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định xử phạt Công ty TNHH vật liệu xây dựng Thanh Hải, địa chỉ thôn Ninh Tân, xã Thiện Kế (Sơn Dương) về hành vi khai thác vượt quá 10% một trong các thông số của hệ thống khai thác. Cụ thể, chiều cao tầng 20 m, trong khi hồ sơ thiết kế là 5 m, vượt 300%; góc sườn tầng 80 độ, trong hồ sơ thiết kế là 75 độ, vượt 20%.
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, theo đúng trình tự thủ tục, Luật Khoáng sản. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành quy định về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Tuyên Quang có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, đa dạng cả về kim loại và phi kim loại với 200 mỏ, điểm mỏ, 86 điểm khoáng sản, điểm biểu hiện khoáng hóa. Tuy nhiên trữ lượng, giá trị không lớn.
Do đó việc quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý khoáng sản luôn được ngành đặc biệt coi trọng. Sở sẽ tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý khoáng sản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về khai thác, quản lý, sử dụng khoáng sản đến tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động này; phát huy vai trò giám sát, thông tin, phản ánh của người dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép...
Đồng chí Vũ Việt Hưng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được Sở tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Trên tinh thần sai phạm đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm đối với bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào.
Trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh, Thanh tra của Sở đã kiểm tra, xử phạt 3 doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, với tổng số tiền 920 triệu đồng. Theo Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Việt Hưng, không chỉ thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm, ngành thực hiện cả hậu kiểm để giám sát, kiểm tra quá trình khắc phục hậu quả của đơn vị vi phạm.
Cùng với việc thực hiện các giải pháp trên, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự thảo Dự án “Khoanh vùng khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản” trình UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến sẽ có 1.910 điểm khu cực cấm hoạt động khoáng sản. Đây được xem là giải pháp có tính bền vững nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nguồn tài nguyên quý giá không thể tái tạo đồng thời phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa giữa lợi ích kinh tế với an ninh, quốc phòng, giảm thiểu tác động môi trường do khai thác khoáng sản gây ra